Trong công cuộc chuyển đổi số báo chí, áp dụng AI trong hoạt động báo chí đang là vấn đề được quan tâm. Tuy nhiên, áp dụng AI ở khâu nào, áp dụng đến đâu lại là những “nan đề” không chỉ với người làm báo Việt Nam. Mang những băn khoăn này, Tạp chí TT&TT trao đổi với nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh: Trong một số năm gần đây, báo chí đã áp dụng AI trong hoạt động tác nghiệp ở một chừng mực nào đó. Có những cơ quan báo chí đang áp dụng AI nhưng lại không nghĩ là đang áp dụng. Đơn cử như hệ thống công nghệ đã giúp cơ quan báo chí xác định rất rõ một bạn đọc đến từ khu vực nào, có thói quen gì, đọc sâu ra sao hay từ một bài báo, người đọc lại di chuyển sang bài báo, chuyên mục khác như thế nào… Những công cụ với sự hỗ trợ của AI như vậy đã được báo chí áp dụng từ lâu nhưng nhiều khi chúng ta không để ý.
Tuy nhiên, một số tòa soạn báo chí sử dụng AI ở cấp độ cao hơn. Ví dụ, sử dụng các công cụ được AI hỗ trợ để sản xuất video nhanh chóng, thuận lợi hơn hoặc sử dụng AI để phát hiện thông tin nhanh về một trận động đất hay về vấn đề môi trường. Biên dịch báo chí cũng đã được hỗ trợ nhiều nhờ công cụ học máy (machine learning)...
Có thể nói, giống như nhiều lĩnh vực của cuộc sống, báo chí đã ứng dụng AI ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, với trào lưu AI mới nổi lên gần đây đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) tạo ra một cuộc chơi hoàn toàn mới khi người dùng có thể dùng các câu lệnh để yêu cầu máy móc tạo ra những hình ảnh, nội dung văn bản theo ý muốn. ChatGPT với nhiều phiên bản, giúp chúng ta viết những bài báo theo như mong muốn, thậm chí có bài viết được viết với quan điểm trái ngược tới 180o.
AI tạo sinh bây giờ còn tiến thêm một bậc cao hơn nữa là không chỉ tạo ra những đoạn văn bản, những hình ảnh mà thậm chí tạo ra những video mà chỉ cần dùng một số câu lệnh khá đơn giản. Những bước tiến như vậy khiến chúng ta chú ý đến AI, AI tạo sinh hơn và trên thế giới đang có một tình trạng “quá háo hức” với sự phát triển của AI. Ở đâu cũng nói đến AI, cũng muốn thử nghiệm AI vào các hoạt động của tổ chức mình và nhiều khi bỏ qua những cái rủi ro về mặt đạo đức, bản quyền. Một số cơ quan báo chí cho rằng AI “giỏi thế”, có thể viết bài nhanh chóng thì cần gì phải nhiều nhà báo, giảm bớt số lượng nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ, ít kinh nghiệm.
PV: Trong quá trình theo dõi việc ứng dụng AI trong hoạt động báo chí, ông thấy có những thách thức và khó khăn gì? Ứng dụng AI trong sản xuất và biên tập tin tức có ảnh hưởng đến chất lượng thông tin và độ tin cậy của báo chí không?
Ông Lê Quốc Minh: Có một số cơ quan báo chí, thậm chí đã âm thầm thử nghiệm AI trong viết bài nhưng có một số lĩnh vực thì AI viết rất tốt, ví dụ như là cho ra các kết quả các trận đấu thể thao như hãng tin AP (Mỹ) làm từ năm 2015. Hoặc là tạo những báo cáo về doanh thu của doanh nghiệp thì AP cũng đã làm từ rất lâu. Nhưng khi muốn mở rộng ra các loại hình nội dung khác thì rủi ro nảy sinh vì cho đến giờ các hệ thống AI vẫn dựa vào những thông tin do chúng ta nhập và dựa vào những kết quả sẵn có.
Có thể lấy ví dụ như để tạo ra một hình ảnh một cô gái Việt Nam mặc áo dài đứng bên Tháp Rùa thì sẽ phải tổng hợp hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu chi tiết hình ảnh. Do vậy, khi chúng ta áp dụng AI vào một số khâu trong quá trình sản xuất thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến rủi ro. Trang tin chuyên về công nghệ Cnet đã bị phát hiện khi sử dụng AI tạo sinh để viết bài có tỷ lệ nội dung sai lên đến khoảng 40%. Cũng có một số tờ báo thử nghiệm tương tự và ghi chú một số nội dung do AI viết và kết quả là người dùng không tin vào những nội dung như vậy dẫn đến suy giảm niềm tin vào cơ quan báo chí đó.
Tiếp theo là vấn đề xâm phạm bản quyền. Gần đây có nhiều quan điểm liên quan đến việc sử dụng các hệ thống AI của Google, Open AI. Một số cơ quan báo chí rất hồ hởi, sẵn sàng cung cấp dữ liệu để cho các hệ thống AI sử dụng để huấn luyện máy của họ nhưng một số cơ quan báo chí khác thì không đồng ý, chặn và thậm chí khởi kiện OpenAI và Google ra tòa. Các cơ quan báo chí này nhận thấy các hãng chuyên về AI đã sử dụng dữ liệu của họ một cách trái phép và tràn lan để huấn luyện cho hệ thống của mình và họ không muốn điều này xảy ra, không muốn lặp lại những sai lầm từng mắc phải khi đưa toàn bộ thông tin lên Internet miễn phí lại xảy ra đối với các hệ thống AI nữa. Cuộc tranh cãi này vẫn đang tiếp tục.
PV: Ông có nói các rủi ro liên quan đến ứng dụng AI trong báo chí, vậy nên ứng dụng AI như thế nào trong hoạt động báo chí?
Ông Lê Quốc Minh: Hiện nay, trên thế giới, số tòa soạn sử dụng AI ngày càng tăng, ngày càng nhiều trong nhiều khâu, trong quá trình hoạt động và sản xuất thông tin của tòa soạn. Báo chí Việt Nam cũng đang theo hướng sử dụng AI nhiều hơn. Nhưng điều quan tâm là các tòa soạn đã chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng hệ thống AI? Các tòa soạn đã nghiên cứu kỹ nhu cầu thực sự về những hệ thống nào chưa hay chỉ “copy” những mô hình thành công của các cơ quan báo chí khác và đưa về tòa soạn mình. Việc sao chép này chưa chắc đã hiệu quả mà đôi khi còn gây tốn kém.
Sử dụng AI chắc chắn là việc không tránh khỏi. AI giúp báo chí giảm bớt được những công việc tỉ mẩn, tốn thời gian và có thể thực hiện được một số việc mà nếu dùng sức lao động thông thường thì không thể làm hiệu quả. Nhưng mặt khác, AI cũng có nguy cơ làm giảm khả năng sáng tạo của cá nhân dẫn đến những hậu quả không lường trước được, đặc biệt là trong khâu sản xuất thông tin.
Ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí nói về AI nhưng lại chờ xem là các cơ quan khác ứng dụng hiệu quả đến đâu rồi sẽ thử. Điều này, theo tôi, không tích cực bởi những cơ quan ứng dụng sớm, ứng dụng công nghệ phù hợp sẽ nhanh chóng vượt lên và những cơ quan mang tư tưởng “chờ đợi” có thể chậm chân.
Cũng có những cơ quan báo chí nghĩ AI là cái gì quá ghê gớm, không dám triển khai. Trong khi đó, có những cơ quan nghĩ AI là những thứ hết sức đơn giản và chỉ cần thực hiện tốt sẽ giảm rất nhiều kinh phí, nhân sự cho tòa soạn. Cả hai cách nghĩ này đều không đúng, không phù hợp. Việc cứ suy nghĩ mãi xem nên làm (ứng dụng AI trong báo chí - PV) hay không và làm đến mức độ nào thì chỉ càng kéo chậm quá trình của chúng ta mà thôi.
PV: Còn về khía cạnh rủi ro…
Ông Lê Quốc Minh: Như tôi đã nói, việc ứng dụng AI ở nhiều khâu tại tòa soạn thực ra là đã có nhưng có thể có người biết, có người chưa biết và nhiệm vụ của tòa soạn là tìm được những công nghệ AI phù hợp với cơ quan báo chí mình và tận dụng một cách hiệu quả. Đồng thời, phải quan tâm đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp và bản quyền báo chí.
Hiện nay, các thể chế trên thế giới như EU, Mỹ, Canada bắt đầu cảm thấy lo ngại nếu AI không được kiểm soát, có thể bị sử dụng vào những mục đích sai trái. Một số nước bắt đầu xây dựng những văn bản luật để điều chỉnh cũng như quản lý việc nghiên cứu và sử dụng AI ở mức độ phù hợp và không được vượt những “lằn ranh đỏ”. Nhưng đến nay, chưa ai xác định được là “lằn ranh đỏ” đấy sẽ đi đến đâu vì tất cả vẫn ở dạng thử nghiệm và báo chí cũng như vậy.
Cơ quan báo chí phải tự mình xác định việc ứng dụng AI ở mức nào, nên dừng ở mức độ nào, rào cản nào không thể, không nên vượt qua... Trong khi chưa có những quy định về mặt pháp lý và trong tương lai chắc cũng rất khó để có những quy định cứng về mặt pháp lý thì mỗi phóng viên, mỗi lãnh đạo cơ quan báo chí phải tự đặt ra “ranh giới” để không vượt qua.
Có nhiều vấn đề pháp lý phát sinh khi ứng dụng AI. Ví như như việc một bài viết do AI tạo ra cùng con người thì tác giả sẽ ghi tên như thế nào. Hay những bài viết hoàn toàn do AI viết ra thì bao nhiêu phần nội dung là nội dung gốc (original) và bao nhiêu phần nội dung là lấy, sao chép ở đâu đó. Thực tế đã có những nội dung bài viết do AI viết sau đó được xác định là không đúng, không hay. Ai sẽ là những người thẩm định để đảm bảo những nội dung do AI tạo ra là chính xác? Nếu bài viết do con người tạo ra thì quá trình thẩm định rút ngắn hơn còn bài do máy sinh ra thì việc thẩm định rất tốn công. Vậy, việc nào nên làm? Đây là những vấn đề đang gây tranh cãi và đạt được sự đồng thuận chung là vô cùng khó khăn.
Câu chuyện vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi sử dụng AI cũng là câu chuyện Việt Nam ít quan tâm nhưng nước ngoài đã bàn rất nhiều. Bài viết của AI mượn một câu trích dẫn ở chỗ nọ chỗ kia, đạo văn hay là cắt ghép nội dung khiến cho độc giả hiểu nhầm… là những câu chuyện đạo đức mà các cơ quan báo chí phải tính đến trong tương lai.
Vấn đề vi phạm bản quyền báo chí khi ứng dụng AI cũng cần bàn tới. AI rất giỏi khi có thể gợi ý những tiêu đề rất hút người đọc và trong quá trình sử dụng AI như vậy liệu có xâm phạm quyền riêng tư của người này, người kia không? Hoặc chúng ta chụp được một bức ảnh nhưng AI lại tạo ra một bức ảnh hấp dẫn, thu hút người dùng hơn và hiệu quả hơn nhưng bức ảnh đó có thể lấy từ rất nhiều nguồn khác nhau. Chúng ta xử lý được hay không?
PV: Rủi ro có vẻ nhiều hơn những hiệu quả thực tế, thưa ông?
Ông Lê Quốc Minh: Không hẳn là như vậy. Tôi nghĩ hết sức đơn giản là việc AI giúp chúng ta viết bài, giúp tạo ra một bức ảnh, một đoạn clip mới chỉ là phần nổi của câu chuyện sử dụng AI thôi. Còn nhiều khả năng của AI khác mà tôi thấy rằng nhiều cơ quan báo chí Việt Nam chưa tính tới. Ví dụ, sử dụng một hệ thống AI để cá nhân hoá nội dung (personalization) để nắm bắt nhu cầu một người đọc khi truy cập trang báo. Nếu người đọc thích đọc tin tức thể thao thì gợi ý nội dung thể thao theo nhu cầu của người đó. Một người khác thích đọc tin chính trị thì lại nên gợi ý những thông tin chính trị. Đó chính là cách sử dụng hiệu quả công cụ AI. Tuy nhiên, cơ quan báo chí chưa nghĩ đến chuyện đó mà mới chỉ loay hoay câu chuyện AI viết hộ tin, bài...
Hay việc phân tích người đọc. Các hệ thống phân tích người đọc càng sử dụng AI sâu thì có thể phân tích kỹ về một nội dung hay thói quen của người đọc để xác định giờ nào tăng tần suất tin bài, giờ nào thì giảm. Hay nắm bắt được độc giả nước ngoài (cụ thể là ở khu vực địa lý nào) hay truy cập đọc báo để có cách thức cung cấp thông tin phù hợp, bắt đúng nhịp. Hoặc AI có thể giúp một số cơ quan báo chí tạo những bản tóm tắt bài viết dài dưới dạng những gạch đầu dòng để người đọc, nhất là người đọc trẻ tuổi, người không có thời gian nắm bắt, lướt rất nhanh những câu chuyện. Nếu có nhu cầu nhiều hơn, bạn đọc sẽ đọc kỹ bài vào thời điểm thích hợp. Đấy là những công năng rất là hiệu quả của việc ứng dụng AI mà có thể chưa ai nghĩ đến.
Việc nhìn nhận ứng dụng AI vào các toà soạn cần mở rộng hơn để thấy được toàn bộ khả năng mà AI có thể mang lại thay vì chỉ bó hẹp một vài tính năng mà đang là “thời trang”, là “mốt”.
PV: Như vậy, ông có lạc quan về việc áp dụng AI trong báo chí sẽ góp phần phát triển báo chí Việt Nam cả về chất lượng cũng như là về các tiêu chuẩn liên quan?
Ông Lê Quốc Minh: Trước hết phải khẳng định việc ứng dụng AI là trào lưu không thể đảo ngược. Cơ quan báo chí nào thì cũng sẽ phải ứng dụng công nghệ rất nhiều và AI là công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ hoạt động báo chí cho nên không bàn chuyện “dùng hay không dùng” nữa.
Chắc chắn là phải ứng dụng AI, chỉ có điều là ứng dụng thế nào và mức độ nào thì phù hợp với từng cơ quan báo chí. Không có một tiêu chuẩn chung, không có tiêu chí chung rằng cơ quan báo chí phải dùng công cụ AI này, cơ quan truyền hình, phát thanh phải dùng công cụ AI kia. Tờ báo này mong muốn sử dụng AI vào việc theo dõi người dùng, tờ báo kia lại muốn sử dụng vào việc phát hiện thông tin, tờ báo khác nữa lại muốn sử dụng AI để tăng mức độ lan tỏa. Đấy là nhu cầu của mỗi cơ quan báo chí, rất khó để đưa ra một mô hình chung mà phải căn cứ vào định hướng, nguồn lực của từng cơ quan báo chí.
Hay có những cơ quan báo chí nhiều nguồn lực nhưng lại đầu tư hệ thống CNTT sai chưa chắc đã hiệu quả. Hoặc là có những cơ quan báo chí nhỏ nhưng cứ “gồng lên” để đầu tư những hệ thống lớn cũng chưa chắc đã thành công. Có những cơ quan báo chí dám mạnh dạn đầu tư vào 1 - 2 công cụ mà phát huy hiệu quả thì hơn là những cơ quan đầu tư dàn trải vào nhiều loại công cụ khác nhau.
Mỗi cơ quan báo chí phải đi tìm công cụ AI phù hợp để giúp vận hành hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất. Tiết kiệm về mặt nhân sự, về mặt chi phí nhưng phải đảm bảo tính chính xác. Mất đi tính chính xác thì không còn là báo chí cách mạng nữa.
PV: Thực tế nhiều cơ quan báo chí hạn chế về nhân sự, nguồn lực, tài chính. Với tư cách là người đứng đầu một số cơ quan báo chí ứng dụng hiệu quả nhiều công nghệ mới, trong đó có AI vào hoạt động làm báo, ông có thể đưa ra lời khuyên nào không?
Ông Lê Quốc Minh: Những tập đoàn báo chí lớn hiện nay trên thế giới đi theo hướng media-tech có nghĩa là họ tự xây dựng đội ngũ công nghệ đủ lớn để không phụ thuộc vào các đối tác công nghệ và lớn đến mức độ là họ không chỉ tạo ra các hệ thống công nghệ để họ sử dụng mà còn đi bán lại công nghệ cho các cơ quan báo chí khác. Đây có thể nói là mô hình kiểm soát tuyệt đối mà đa số các cơ quan báo chí Việt Nam không thể với tới được cho nên chúng ta loại bỏ mô hình này.
Mô hình thứ hai là cơ quan báo chí có một đội ngũ nhân sự công nghệ nhất định nhưng vừa phải và đồng thời hợp tác với các đối tác công nghệ khác. Đây là mô hình khả thi hơn đối với các cơ quan báo chí có quy mô khá ở Việt Nam và thế giới. Nhưng số đông các cơ quan báo chí khác tại Việt Nam đều ở quy mô nhỏ nên việc xây dựng lực lượng công nghệ dù không đông là bất khả thi nên hướng đi là hợp tác với các đối tác công nghệ.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy mỗi cơ quan báo chí cần phải hợp tác với khoảng 2 - 3 đối tác công nghệ để an toàn. Thứ nhất, việc hợp tác này giúp cho cơ quan báo chí cùng một lúc quản lý “cuộc chơi” với nhiều đối tác công nghệ khác nhau. Hình thức này cũng giúp cơ quan báo chí tránh bị quá lệ thuộc vào một đơn vị để khi đơn vị này hoạt động không hiệu quả nữa, ngừng hoạt động ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan báo chí và cũng tránh bị gây sức ép do độc quyền. Kinh nghiệm là có 2 - 3 đối tác công nghệ và phân chia thành nhiều dự án công nghệ ở các lĩnh vực khác nhau để linh hoạt, chủ động. Các cơ quan báo chí nhỏ nên theo hình thức này.
Trước đây việc hợp tác với một số đối tác công nghệ không đơn giản bởi những hệ thống công nghệ tốt thì thường có giá rất đắt và đi theo hướng mua 1 lần với giá rất cao nhưng hiện nay các công ty công nghệ (của cả thế giới và Việt Nam) đều đi theo hướng thuê mua. Mô hình này khả thi và hợp lý ở chỗ là giá thuê mua rất linh hoạt. Một hệ thống công nghệ bán cho cơ quan báo chí lớn với nhiều công năng có giá khác và cho cơ quan báo chí nhỏ với ít tính năng hơn thì có giá khác. Giá cả linh hoạt nên nếu giỏi thương lượng thì cơ quan báo chí có thêm được nhiều tính năng hơn. Đây là phương án mà có lẽ đến 90 - 95% các cơ quan báo chí trên thế giới đang áp dụng. Các cơ quan báo chí nhỏ (quy mô 10 - 20 người) cho đến cơ quan báo chí có 50 - 100 nhân sự đa phần đi theo phương án này.
Theo tôi, việc cơ quan báo chí có 1 - 2 chuyên gia công nghệ trong nội bộ để chủ động xử lý những vấn đề tức thời là phương án phù hợp, đủ khả năng chi trả. Cơ quan báo chí không chỉ có phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) mà còn có nhiều vị trí công việc khác như nhân viên dữ liệu hoặc là những lập trình viên... Nếu cơ quan báo chí có lập trình viên tại tòa soạn thì sẽ thực hiện được những nội dung khác biệt, có ưu thế riêng so với việc chỉ thuần tuý viết bài, chụp ảnh, làm video và đẩy lên CMS.
Tuy nhiên, cũng vẫn có cách giải quyết nếu không có chuyên gia công nghệ. Đó là triển khai những công cụ giúp cho những PV, BTV chưa biết gì về công nghệ vẫn có thể tạo ra những nội dung mang tính tương tác cao mà không cần lập trình viên. Nhiều công cụ rất rẻ, thậm chí miễn phí (miễn phí thì có hạn chế về công năng). Những công cụ đắt tiền sẽ làm được những tác nghiệp phức tạp nhưng nếu cơ quan báo chí “vừa tiền” thì chỉ cần đầu tư những công cụ “vừa phải”.
PV: Liệu có cần hướng dẫn cho các cơ quan báo chí về ứng dụng công nghệ và AI?
Ông Lê Quốc Minh: Cơ quan báo chí đừng nên ngồi chờ có định hướng rồi mới làm mà nên chủ động bắt tay làm và thử nghiệm, đồng thời cố gắng định hình con đường phù hợp cho cơ quan của mình cũng như đảm bảo các yếu tố đạo đức, bản quyền. Nếu chờ định hướng của cơ quan quản lý nhà nước (QLNN), Hội Nhà báo Việt Nam thì có thể đến rất muộn hoặc là chưa đáp ứng được những yêu cầu đầy đủ cho nên chờ đợi không bao giờ là biện pháp phù hợp cả. Trong quá trình quản lý thực tiễn, cơ quan QLNN thấy có những chỗ bất cập thì ban hành quy định để nắn chỉnh chứ không thể đưa ra một định hướng cho tất cả cùng đi theo.
Nhiều cơ quan báo chí quốc tế dẫn dắt sử dụng công nghệ. Những hãng tin lớn như AP, Reuters hay các tờ báo lớn The Washington Post, The New York Times, SPH của Singapore, South China Morning Post của Hồng Kông… đi rất sớm về công nghệ và không cần ai điều chỉnh, định hướng cho các tờ báo này cả, thậm chí họ đặt ra những tiêu chuẩn để cho những quy định về sau phải tham khảo. Chúng ta nên có tư duy như vậy thì mới áp dụng hiệu quả được.
PV: Nhưng khía cạnh đạo đức của việc áp dụng AI thì sao? Sắp tới Hội Nhà báo Việt Nam có khuyến nghị hay ban hành văn bản liên quan đến việc áp dụng AI đối với báo chí Việt Nam hay không?
Ông Lê Quốc Minh: Việc ứng dụng AI ở Việt Nam có thể nói là còn quá sơ khai, chúng ta chưa thể đủ, hiểu hết lĩnh vực này. Các công ty công nghệ của Việt Nam rất năng động và đã làm ra nhiều thứ ngang mức thế giới nhưng những ứng dụng trong cuộc sống, đặc biệt trong báo chí thì phải nói sự hiểu biết về AI của các cấp cơ quan báo chí hiện nay còn hạn hẹp. Vậy nên việc đưa ra được những quy chuẩn về ứng dụng AI ở trên thế giới đã khó rồi, ở Việt Nam cũng chưa thể trong ngày một, ngày hai.
Ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đã đưa ra những cái quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp nói chung nhưng bây giờ đưa về việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt AI trong báo chí để đảm bảo được quy chuẩn đạo đức chắc chắn còn phải tham khảo thêm rất nhiều trên thế giới, kể cả về mặt văn bản luật pháp, kể cả về khía cạnh báo chí, đạo đức nghề nghiệp của các cơ quan báo chí trên thế giới.
Hiện nay, ngay cả thế giới cũng chưa xác định được những ranh giới rõ ràng bởi vì khi đưa ra quy định phải trắng, đen, được làm cái này, không được làm cái. Còn nhiều khi khuyến cáo thôi nhưng mà không cụ thể thì có người nghĩ đến mức 5 là không được làm rồi, còn người kia nghĩ đến mức 9 vẫn thoải mái. Những khuyến cáo như thế vẫn không có ý nghĩa.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông Lê Quốc Minh trưởng thành từ TTXVN, từ vị trí biên tập viên, Tổng biên tập Báo điện tử Vietnam Plus, Phó Tổng giám đốc TTXVN trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.
Từ những năm 2010, khi làm Tổng biên tập Báo điện tử Vietnam Plus, ông Lê Quốc Minh đã áp dụng nhiều công nghệ vào quá trình sản xuất các tác phẩm báo chí. Ngoài những giải thưởng báo chí uy tín trong nước, VietnamPlus còn được ghi danh với nhiều Giải thưởng Quốc tế của các tổ chức uy tín như WAN-IFRA (Hiệp hội Báo chí các Nhà xuất bản Tin tức Thế giới, cho sản phẩm RapNewsPlus, sản phẩm Chống Tin giả), OANA (Tổ chức các Hãng Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương, cho sản phẩm Chatbot), từng được WAN-IFRA xếp vào nhóm những Tòa soạn nhỏ sáng tạo nhất Thế giới.