Xếp hạng Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu 2020: Việt Nam bứt phá mạnh mẽBack to top

Xếp hạng Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu 2020

Việt Nam bứt phá mạnh mẽ

Xếp hạng thứ 25 trong các quốc gia dẫn đầu về Chỉ số an toàn, an ninh mạng (ATANM) (GCI) 2020 do Liên minh Viễn thông quốc (ITU) đánh giá, song Việt Nam cần phải duy trì vị trí xếp hạng cao trong dài hạn để trở thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

Việt Nam thăng hạng
xếp thứ 25 về Chỉ số ATANM toàn cầu

Theo báo cáo xếp hạng ATANM toàn cầu (GCI) năm 2020 do ITU công bố mới đây, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Số điểm đánh giá của Việt Nam đạt 94,55 với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Bên cạnh 2 trụ cột Pháp lý và Hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20, điểm của Việt Nam ở 3 trụ cột Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20.

 Biểu đồ thứ hạng CGI của Việt Nam

Tổng điểmPháp lýKỹ thuậtTổ chứcNăng lựcHợp tác
94,5520,0016,3118,9819,2620,00

 Biểu đồ kết quả đạt được của Việt Nam 2020 theo 5 trụ cột của GCI (Nguồn: GCI 2020)

Trong bảng xếp hạng mới công bố, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 4 trên tổng số 11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN. Ba nước đứng đầu lần lượt là Singapore (4), Malaysia (5) và Indonesia (24). Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dẫn đầu là Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng điểm đánh giá đều đạt 98,52.

 Thứ hạng GCI của Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á

Theo Cục An toàn thông tin (ATTT) (Bộ TT&TT), ATTT không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào, ATTT cần có sự tin tưởng, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước (CQNN), các doanh nghiệp (DN) và cá nhân.

Chia sẻ về kết quả ấn tượng trên, đại diện Cục ATTT cho biết đó là nhờ nỗ lực lớn của Việt Nam trong một chặng đường dài, thể hiện qua: quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề đảm bảo ATANM; nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp; vai trò Bộ Công an và Bộ TT&TT để Việt Nam có một hành lang pháp lý về ATANM cơ bản đầy đủ; sự phát triển của các DN ATANM Việt Nam, vai trò tích cực của các DN viễn thông, Internet, CNTT.

Chỉ số GCI là một chỉ số tổng hợp đánh giá và so sánh mức độ cam kết đảm bảo an ninh mạng của các nước thành viên dựa trên 5 trụ cột: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực, Hợp tác. Mục đích chính của Chỉ số này là để phân loại, xếp thứ hạng và sau đó là đánh giá, dự báo, định hướng quá trình phát triển trong tầm khu vực cũng như trên quy mô toàn cầu.

Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 về tăng cường bảo đảm ATANM nhằm cải thiện Chỉ số xếp hạng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ mô hình đảm bảo ATTT 4 lớp, gồm: Lực lượng tại chỗ; Tổ chức hoặc DN giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Tổ chức hoặc DN độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia của Bộ TT&TT.

Trong năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT, các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh đã/thành phố nỗ lực vượt bậc để đưa tỷ lệ đảm bảo ATTT 4 lớp từ 0% trong năm 2019 lên đạt 100% vào cuối năm 2020.

Cùng với đó, việc Việt Nam sớm có chương trình, đề án để phát triển bài bản, dài hạn cho nguồn nhân lực ATANM và xây dựng Hệ sinh thái sản phẩm ATANM “Make in Viet Nam” góp phần nâng cao năng lực ATANM của Việt Nam, được ITU ghi nhận và đánh giá cao.

Duy trì quyết tâm,
sự nỗ lực trong dài hạn

Báo cáo GCI 2020 mới được ITU công bố cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về thứ hạng của các quốc gia trong triển khai công tác bảo đảm ATANM. Cụ thể, Ấn Độ tăng 37 bậc, từ vị trí thứ 47 năm 2018 lên xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng GCI 2020; Hàn Quốc tăng 11 bậc, từ thứ 15 lên thứ 4; Nhật Bản tăng 7 bậc, từ thứ 14 lên thứ 7; Indonesia vươn lên xếp thứ 24 ngay trên Việt Nam, tăng 24 bậc so với kỳ đánh giá công bố năm 2019.

Thành tích nêu trên của các nước trong khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng đã cho thấy Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì thứ hạng trong nhóm 25 nước dẫn đầu về ATANM cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc về an ninh mạng.

Thực tế, việc cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu về Chỉ số ATANM - GCI đã khó thì việc làm sao để duy trì quyết tâm, nỗ lực đảm bảo ATTT mạng dài hạn, trong 5 - 10 năm nữa càng khó khăn hơn.

Cùng với việc duy trì quyết tâm chính trị của Việt Nam, sự vào cuộc dài hạn và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của các tổ chức, DN, cá nhân, chúng ta tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về ATANM.

ATANM "Make in Viet Nam"
Yếu tố then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Trong tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XIII với chủ đề "CĐS quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Nếu coi CĐS là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, thì ATANM sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của CĐS. ATANM phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của CĐS".

 Sứ mệnh của an toàn an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Xác định bảo đảm ATANM là yếu tố then chốt để CĐS thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của CĐS, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ đạo phát triển Hệ sinh thái ATANM Việt Nam là tiền đề phát triển nền công nghiệp ATANM với mục tiêu kép: (1) tự chủ về công nghệ ATANM; (2) phát triển DN, thị trường sản phẩm ATANM nội địa, hướng tới nền công nghiệp ATANM Việt Nam.

Bộ TT&TT cũng đã thành lập Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm ATANM Việt Nam, với 21 thành viên là các DN hàng đầu về ATANM. Liên minh có sứ mệnh phát triển sản phẩm ATANM nội địa đa dạng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin, tạo lợi thế cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.

Trên cơ sở tham khảo mô hình bảo đảm ATTT theo tiêu chuẩn quốc tế, đánh giá hệ sinh thái sản phẩm ATANM của thế giới, Cục ATTT cùng Hiệp hội ATTT Việt Nam và các DN đã xác định Hệ sinh thái gồm 22 chủng loại sản phẩm ATANM phổ biến, thiết yếu cho hoạt động bảo đảm ATTT cho cơ quan, tổ chức, DN. Đến nay, DN ATANM nội địa đã phát triển và làm chủ được 20/22 chủng loại sản phẩm, chiếm tỷ lệ 91% (năm 2019 là 10/22 chủng loại sản phẩm).

 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu xem trình diễn những giải pháp, sản phẩm ATANM Make in Vietnam.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm Make in Viet Nam, Cục ATTT đã xây dựng Phòng nghiên cứu, phát triển (R&D) về Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm ATANM Việt Nam nhằm: (1) Hỗ trợ, thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm ATANM; (2) Thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm ATANM; (3) Giới thiệu, trình diễn, trưng bày các mô hình ứng dụng sản phẩm ATANM, tạo dựng niềm tin về sản phẩm sản xuất trong nước.

Với việc triển khai hàng loạt các nhóm biện pháp trên, đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm ATANM nội địa, cho phép Việt Nam có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp ATANM. 100% các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo đảm ATTT theo mô hình bốn lớp bảo vệ, phát triển nhanh thị trường giám sát ATANM và thị trường kiểm tra, đánh giá ATANM trong năm 2020.

Trong thời gian tới, Cục ATTT tiếp tục tham mưu cho Bộ TT&TT thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường cho DN, bao gồm: (1) Tổ chức triển khai bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia trực tiếp của các DN, sản phẩm nội địa; (2) Thúc đẩy cơ chế tăng nguồn chi đầu tư cho ATANM trong CQNN lên 10% tổng chi cho ứng dụng CNTT.

Thúc đẩy sản phẩm ATANM nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra toàn cầu

Khi các DN hàng đầu trong lĩnh vực có thể liên minh với nhau, nguồn lực nghiên cứu, sản xuất được phân bổ hợp lý và tối ưu. Sự đồng tâm, hiệp lực của DN là yếu tố đảm bảo cốt lõi để duy trì sức mạnh hợp lực trong lĩnh vực ATANM.

Năm 2020 là năm đầu tiên chính thực hoạt động Liên minh ATTT và đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng khích lệ. Các DN trong Liên minh đã tích cực tham gia các chương trình làm việc do Cục ATTT chủ trì, phối hợp đưa ý kiến, cung cấp góc nhìn của DN đối với các chính sách quản lý nhà nước, xây dựng các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với các chủng loại sản phẩm, dịch vụ trong Hệ sinh thái. Liên minh cũng là cầu nối về thông tin, hỗ trợ việc trao đổi các vấn đề liên quan kỹ thuật, chính sách giữa Cục ATTT và DN hiệu quả hơn. Cơ quan quản lý nhà nước và DN cùng đồng hành để đạt được mục tiêu chung là đảm bảo ATANM cho quốc gia.

 Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận cho các DN làm chủ nền tảng điện toán đám mây Việt năm 2020.

Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Bộ TT&TT đã thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của DN trong nước qua nhiều kênh như: bảo trợ tổ chức chương trình bình chọn, vinh danh sản phẩm ATTT (Chương trình Chìa khóa vàng của Hiệp hội ATTT Việt Nam - VINISA); giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của các DN trong Ngày ATTT; tổ chức chương trình Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng… Các chương trình này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản và mang lại hiệu ứng tốt đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của các DN trong nước.

Năm 2020, chương trình Chìa khóa vàng của Hiệp hội ATTT Việt Nam có 56 sản phẩm từ 18 DN tham dự, số lượng sản phẩm tham gia tăng 87% so với năm 2019. Chất lượng sản phẩm tham dự cũng cao hơn so với năm trước với 51/56 hồ sơ đáp ứng yêu cầu vào vòng chung khảo và có 45 sản phẩm của 17 DN được đánh giá bình chọn nghiêm túc, khách quan để trao danh hiệu.

Gần đây nhất, Cục ATTT đã trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và gửi văn bản số 2085/BTTTT-CATTT về việc khuyến khích sử dụng sản phẩm, giải pháp Make in Viet Nam tới các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng lớn trong nước để giới thiệu, khuyến khích sử dụng 25 sản phẩm, giải pháp ATANM tiêu biểu của các DN trong nước. Văn bản 2085/BTTTT-CATTT đã nhận được phản hồi tích cực, gia tăng niềm tin đối với sản phẩm trong nước và là cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng có thể an tâm lựa chọn sản phẩm trong nước sản xuất.

Nhóm PV thực hiện

Xuất bản: Tháng 7/2021


Chia sẻ bài viết này

  Facebook

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xếp hạng Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu 2020: Việt Nam bứt phá mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO