Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng cửa khẩu số - những sáng kiến “đóng thương hiệu Lạng Sơn”

Giang Phạm| 22/05/2022 10:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng cửa khẩu số - những sáng kiến “đóng thương hiệu Lạng Sơn”

Một số kết quả chuyển đổi số của Lạng Sơn

Tại buổi làm việc, đại diện Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo cụ thể về công tác chuyển đổi số, về sự phát triển của lĩnh vực TT&TT trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tập trung vào 5 trụ cột: Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng; Chính quyền số; Kinh tế số; Xã hội số; Cửa khẩu số. Lạng Sơn là một trong sáu tỉnh, thành đầu tiên trên toàn quốc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số.

Về chính quyền số, tỉnh đã triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh với 1.030 dịch vụ công; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 34,1%. Đã triển khai kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư với Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp dịch vụ “xác thực thông tin công dân”.

Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng cửa khẩu số - những sáng kiến “đóng thương hiệu Lạng Sơn” - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Đồng thời, Lạng Sơn đã hoàn thành triển khai Nền tảng điện toán đám mây Make-in-VietNam (Lạng Sơn Cloud), đưa 100% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương được quản lý tập trung thống nhất tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu lên nền tảng điện toán đám mây Lạng Sơn Cloud.

Đặc biệt trong ngành ngành Giáo dục và Đào tạo, 674/674 trường học với gần 200.000 học sinh đã khai thác sử dụng Nền tảng số dùng chung (SMAS của Viettel và VNEDU của VNPT) cho công tác quản lý dạy và học. 100% giáo viên trên toàn tỉnh, khoảng 20.000 người đã được cấp chữ ký số chuyên dùng chính phủ miễn phí để thực hiện ký số điện tử cho sổ điểm, sổ đầu bài, học bạ, sổ đăng bộ…., tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc ký tay trên bản giấy.

Tỉnh đã triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành thông minh IoC: Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IoC) cập nhật số liệu theo thời gian thực từ các nền tảng số qua đó phân tích số liệu, theo dõi, so sánh số liệu của các huyện, thành phố, các sở, ngành để kịp thời chỉ đạo điều hành với 9 nội dung: phát triển kinh tế - xã hội, văn bản điều hành điện tử, dịch vụ hành chính công, giám sát an toàn giao thông, thông tin báo chí trên mạng, an toàn thông tin, hệ thống giáo dục, thông tin du lịch, trả lời các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Về phát triển kinh tế số, tính đến ngày 18/5/2022, Lạng Sơn đã có hơn 126 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản thanh toán điện tử, hơn 15 nghìn mặt hàng được đưa lên sàn thương mại điện tử. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.

Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng cửa khẩu số - những sáng kiến “đóng thương hiệu Lạng Sơn” - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc

Nền tảng số cho ATM mềm

Lạng Sơn là một tỉnh biên giới, địa hình nhiều núi non nên việc tiếp cận với ATM để rút tiền của người dân ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Đầu tư và duy trì cây ATM tại những vùng này là một thách thức với nhiều ngân hàng. Đầu tư mỗi cây ATM cứng hết 500 triệu đồng và duy trì 200 triệu/năm. Lạng Sơn đã giải quyết khó khăn này bằng cách xây dựng nền tảng số cho ATM mềm sẵn sàng cho toàn bộ 200 xã, phường, thị trấn (được xây dựng bởi Ngân hàng Quân đội MB Bank và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam). Hiện đã triển khai chính thức cho 68 điểm ATM của tỉnh.

Tổ công nghệ số cộng đồng

Về phát triển xã hội số, một trong những điểm nhấn của tỉnh trong năm 2021 là thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, lan tỏa công nghệ số, nền tảng số, dịch vụ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân. Trong năm 2021 đã thành lập 1.702 Tổ công nghệ số cộng đồng với 6.214 thành viên. Trong 5 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức kiện toàn được 1.684 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.777 thành viên, đã triển khai tập huấn kỹ năng số, cài đặt các app, phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử.

Nền tảng cửa khẩu số

Lạng Sơn đã triển khai thí điểm sử dụng Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ ngày 19/01/2022 và cửa khẩu Tân Thanh từ ngày 21/02/2022. Đến nay, 100% các xe hàng khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu và được các cơ quan, lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, xác nhận trên nền tảng cửa khẩu số. Tính đến ngày 18/5/2022, đã có gần 30 nghìn phương tiện xuất, nhập khẩu khai báo trên nền tảng cửa khẩu số. Tỉnh đang tiếp tục triển khai hoàn thiện bổ sung các chức năng của Nền tảng cửa khẩu số và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án kỹ thuật triển khai Barie tự động, cân điện tử tích hợp với Nền tảng cửa khẩu số.

Thử nghiệm tắt sóng 2G

Bộ TT&TT đã đề xuất phương án dừng phát sóng 2G từ năm 2023, thậm chí là ngay từ năm 2022 nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển băng tần của 2G cho các công nghệ mạng tiên tiến hơn như 4G, 5G. Thực hiện chính sách này của Bộ, tỉnh Lạng Sơn đã đi đầu trong việc thí điểm tắt sóng 2G tại một số địa bàn, ban đầu thực hiện thí điểm với 2 doanh nghiệp viễn thông Mobifone và Viễn thông Lạng Sơn.  Kết quả cho thấy việc tắt sóng không làm gián đoạn việc thông tin liên lạc của người dân do hầu hết người dân đã sử dụng smartphone. Từ kết quả trên có thể mở rộng khu vực tắt sóng 2G (toàn tỉnh chỉ còn 4 trạm 2G độc lập). Trong thời gian tới, tỉnh dự kiến sẽ cho tắt sóng 2G toàn bộ thành phố, thị trấn góp phần đẩy nhanh việc phổ cập smartphone, tiến tới 100% người dân ở độ tuổi trưởng thành đều có smartphone.

Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng cửa khẩu số - những sáng kiến “đóng thương hiệu Lạng Sơn” - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn trình bày báo cáo công tác chuyển đổi số, sự phát triển lĩnh vực TT&TT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Vẫn còn khó khăn, thách thức phía trước

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định, trong hơn 1 năm qua, tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định trong tiến trình chuyển đổi số, đã có những chuyển biến tích cực, đạt được sự lan tỏa trong các cấp, các ngành và trong cộng đồng. Tỉnh đã xây dựng được mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh, đã tạo lập được con đường chuyển đổi số cho mình, đồng thời xây dựng được mô hình tổ chức, chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch Đoàn Thu Hà bày tỏ sự cảm ơn, đồng hành của Bộ TT&TT với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh cả về định hướng chuyên môn, định hướng chuyển đổi số, về công tác cán bộ. Ông Nguyễn Khắc Lịch, cán bộ biệt phái từ Bộ TT&TT về làm Giám đốc Sở TT&TT trong một năm qua đã hỗ trợ tỉnh rất nhiều trong việc triển khai chuyển đổi số.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, bà Đoàn Thu Hà nhận định, trong con đường chuyển đổi số phía trước, còn nhiều khó khăn thách thức với Lạng Sơn. Hạ tầng của tỉnh vẫn còn thiếu và yếu do đặc thù của Lạng Sơn là tỉnh biên giới với nhiều địa hình đồi núi, còn một số xã đặc biệt khó khăn. Kinh phí của tỉnh dành cho chuyển đổi số vẫn còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng về chuyển đổi số.

Bà Đoàn Thu Hà đề xuất, trong thời gian tới, Bộ TT&TT bổ sung Lạng Sơn vào danh sách những tỉnh thí điểm thử nghiệm 5G; Thí điểm tắt sóng 2G trên các địa bàn thành phố, thị trấn của tỉnh trong năm 2022 nhằm đẩy nhanh phổ cập smartphone, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng cửa khẩu số - những sáng kiến “đóng thương hiệu Lạng Sơn”

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao những thành tựu tỉnh Lạng Sơn đạt được trong quá trình triển khai chuyển đổi số trong thời gian vừa qua. Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ sự cảm ơn đối với lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện cho ông Nguyễn Khắc Lịch – cán bộ biệt phái của Bộ về giữ chức Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn – thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng cửa khẩu số - những sáng kiến “đóng thương hiệu Lạng Sơn” - Ảnh 5.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khảo sát thực tế chuyển đổi số tại Lạng Sơn

Thứ trưởng đặc biệt ghi nhận việc Lạng Sơn đã ban hành được toàn bộ hệ thống văn bản khung cho tiến trình chuyển đổi số của tỉnh trong 5 năm tới. Đây là một công việc rất quan trọng, đặt nền móng cho tiến trình chuyển đổi số của tỉnh trong những năm tới. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đánh giá cao những “sáng kiến” “đóng thương hiệu Lạng Sơn” cụ thể: Đi đầu trong thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng và triển khai Nền tảng cửa khẩu số. Nếu được triển khai thành công ở Lạng Sơn, những mô hình này sẽ được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định, chuyển đổi số là một chặng đường dài, việc quan tâm đến nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Sở TT&TT đóng vai trò dẫn dắt trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương, do đó, Thứ trưởng đề xuất, tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm bổ nhiệm những đồng chí quy hoạch làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch tỉnh trong 5-10 năm tới giữ vị trí Giám đốc Sở TT&TT. Làm như vậy trong thời gian từ 5-10 năm chắc chắn chuyển đổi số của Lạng Sơn sẽ có nhiều bước đột phá, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số địa phương nói riêng và của cả nước nói chung./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tổ công nghệ số cộng đồng, nền tảng cửa khẩu số - những sáng kiến “đóng thương hiệu Lạng Sơn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO