Kinh tế số và Việt Nam (phần 1)

TS. Võ Chí Thành| 10/09/2020 08:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Loài người đang sống trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với đặc trưng quan trọng nhất là “số hóa” và xử lý dữ liệu thông minh làm thay đổi sâu sắc mọi chiều cạnh đời sống kinh tế - xã hội trên toàn phạm vi toàn cầu. CMCN 4.0 và “số hóa” tạo ra những khác biệt căn bản so với các thời đại trước cả về nguồn lực, cấu trúc và nguyên lý vận hành kinh tế. Đó là sự chuyển đổi có tính cách mạng.

Hạt nhân hay cái "cốt lõi" của CMCN 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh (trong tất cả các khía cạnh đời sống xã hội và hành vi của con người). Toàn bộ thế giới thực của con người có thể được chuyển hóa thành "bản sao" thế giới số, và nhờ đó, được phản ánh, xem xét và xử lý một cách "tinh tế", "thông minh" theo tất cả các chiều cạnh không gian, thời gian và tốc độ. Chính vì vậy, quốc gia nào sở hữu nhiều trí tuệ, nhiều nguồn lực thông tin, nguồn lực số thì quốc gia đó sẽ dễ dàng làm chủ "cuộc chơi" CMCN 4.0 và hưởng lợi phát triển to lớn từ đó.

Kinh tế số và Việt Nam (phần 1) - Ảnh 1.

Kinh tế số, kinh tế nền tảng: Bản chất và vai trò

Nói đến CMCN 4.0 và chuyển đổi số, không thể không bàn đến kinh tế số. Thuật ngữ "kinh tế số (digital economy)" được dùng khá lâu trước khái niệm CMCN 4.0. Lần đầu tiên thuật ngữ này được nói đến ở Nhật Bản trong giai đoạn suy thoái kinh tế đầu những năm 1990. Tiếp đó, nó cũng được dùng ở Phương Tây, rõ nhất là trong cuốn sách xuất bản năm 1995 của Don Tapscott (The Digital Economy: Promise and Peril in the Age of Networked Intelligence). Có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa về kinh tế số. 

Theo Wikipedia, kinh tế số hàm ý đến một nền kinh tế dựa trên công nghệ tính toán số, dù rằng ngày càng được chúng ta nhìn nhận như cách thức kinh doanh thông qua các thị trường dựa vào Internet và các mạng toàn cầu. Thomas Mesenbourg (2001), dù chưa đầy đủ, xác định ba hợp phần chính trong khái niệm kinh tế số, đó là: hạ tầng kinh doanh điện tử (hạ tầng "cứng" và "mềm", viễn thông, mạng, vốn con người,…); kinh doanh điện tử (kinh doanh được tiến hành như thế nào, mọi quá trình tổ chức thực thi qua mạng điện tử trung gian); và thương mại điện tử (dịch chuyển hàng hóa qua mạng online). Do "số hóa" lan tỏa ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế thực nên việc mô tả rạch ròi kinh tế số không đơn giản.

Với kinh tế số, cơ chế vận hành quan trọng nhất là bảo đảm việc tạo dựng, lưu trữ, phân tích và phối hợp sử dụng thông tin. "Số hóa", "kết nối vạn vật", với lượng lớn thông tin và tri thức tạo cơ hội rộng mở cho sáng tạo và gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh [2]. Thông minh hóa các quá trình sản xuất kinh doanh đang được đẩy mạnh thực thi trên thế giới cả ở tầm quốc gia, thông qua các sáng kiến và chiến lược dài hạn và cả ở cấp độ công ty. Dù doanh nghiệp ở qui mô nào, nhỏ và vừa (SME) hay công ty, tập đoàn lớn thì với CMCN 4.0, "số hóa" phải được "nhúng" vào mọi hoạt động cơ bản của sản xuất kinh doanh để đảm bảo và tăng cường khả năng cạnh tranh của mình (Hình 1).

Kinh tế số và Việt Nam (phần 1) - Ảnh 2.

Hình 1. Mẫu hình khái quát của doanh nghiệp trong CMCN 4.0 và kỷ nguyên số(Nguồn: theo Le Ngoc Quang, 2018)

"Kinh tế nền tảng" (Platform Economy) có lẽ là khía cạnh được đề cập nhiều nhất khi bàn đến kinh tế số. Vậy "nền tảng" là gì? Nhiều người xem đây là sản phẩm và dịch vụ đưa các nhóm sử dụng trong mạng nhiều chiều lại với nhau. Còn "kinh tế nền tảng" là các hoạt động kinh tế được các "nền tảng" tạo thuận lợi và thúc đẩy. Kinh tế nền tảng có một số đặc trưng sau (Zhao 2019):

- Kinh doanh nền tảng (Platform Businesses) tạo giá trị qua sử dụng nguồn lực không nắm giữ hay kiểm soát và có thể tăng trưởng nhanh hơn kinh doanh truyền thống.

- Các công ty kinh doanh nền tảng thường có mức vốn hóa thị trường lớn.

- Chúng tạo ra nhiều nguồn thu khác nhau (hạ tầng, phí, quảng cáo,…), chứ không dựa đơn thuần vào một nguồn thu.

- Cách tư duy của các công ty này bao hàm lĩnh vực quản trị kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác. Doanh nghiệp 4.0 kết hợp bởi nhiều yếu tố như: Lao động: Hiểu biết và kỹ năng; Quá trình: Qui trình kinh doanh logic; Giải pháp: Trí tuệ & công nghệ; Quản trị: Hệ thống tổ chức Nền tảng & Văn hóa Công ty [3].

- Chúng có hiệu ứng mạng (Network Externalities): khi số lượng người dùng tăng và trở nên quen thuộc, giá trị dịch vụ sẽ gia tăng (tác động trực tiếp) và việc tăng số lượng người dùng càng trở nên quan trọng. Các yếu tố khác (tác động gián tiếp), vì vậy, cũng càng cần được tính tới.

Những đặc trưng này thể hiện rất rõ ở các tập đoàn, công ty như Facebook, Alibaba. Kinh tế chia sẻ là một điển hình của kinh tế nền tảng. Tương tự như Airbnb, câu chuyện Uber hay Grab (còn được gọi là taxi công nghệ để phân biệt với các loại hình taxi truyền thống) cũng là một minh họa sống động. Về nguyên tắc, đây là hệ thống tối ưu hóa quan hệ chi phí - lợi ích nhờ kết nối số. Quan hệ sở hữu - lao động trong kinh doanh cũng thay đổi căn bản so với trong hệ thống taxi truyền thống. Với những ưu việt đó, kinh tế chia sẻ có thể huy động nhiều loại nguồn lực vào sử dụng, mang lại những lợi ích thật sự cho xã hội.

Toàn cầu hóa, lợi thế so sánh và sự thay đổi công nghệ đã tạo ra cách thức lựa chọn công đoạn sản xuất cùng đầu tư và phân bổ nguồn lực khác nhau. Khái niệm "chia tách" (unbundling) công đoạn sản xuất xuất hiện, liên quan đến sự thay đổi chi phí dịch chuyển hàng hóa, ý tưởng và con người, ba rào cản sản xuất và tiêu thụ (Baldwin 2016). Với chuyển đổi số, chi phí kết nối trực diện con người rất thấp và vì vậy mỗi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh lại có thể chia tách và khớp nối dễ dàng hơn (Kimura 2018). Chi phí khớp nối B2B, B2C, C2C giảm mạnh chính là chất xúc tác cho sự bùng nổ thương mại điện tử, dịch vụ thuê ngoài, và cùng với những nền tảng thích hợp tạo thêm sức sống cho kinh tế chia sẻ, kinh tế Gig của những công việc thời vụ, tự quản (gig economy), hoạt động cho vay ngang hàng P2P, các quĩ huy động vốn cộng đồng (crowding funds),…

Đáng nói hơn, các nền kinh tế không chỉ lấy doanh nghiệp làm trung tâm (firm-centered economy) mà còn lấy đại chúng, cộng đồng làm trung tâm (crowd-centered economy). Nhìn nhận này đòi hỏi phải có cách tiếp cận bổ sung, đổi mới đối với công cuộc hiện đại hóa, nhất là tại các nước đang phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu như Việt Nam. Thách thức và rủi ro

Tác động CMCN 4.0 và chuyển đổi số là vô cùng to lớn, tích cực lên mọi khía cạnh kinh tế, đời sống loài người. Cơ hội phát triển rộng mở. Tuy nhiên, đồng tiền nào thì cũng có hai mặt, hai màu, cả hồng và xám. Quá trình chuyển sang nền kinh tế thời đại công nghệ cao và "số hóa" đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ cao. Va đập, thậm chí xung đột là khó tránh khỏi giữa hai cơ chế vận hành kinh tế cũ và mới, nhất là khi hệ thống giá trị, các chuẩn mực xã hội – kinh tế chưa định hình. Do vậy, nó sẽ tạo ra không ít xáo động bất thường, khó dự báo [4]. Chính vì vậy, cần có cái nhìn đầy đủ, tỉnh táo về những thách thức cơ bản của thời kỳ "quá độ" này, qua đó có thể khắc phục khó khăn, giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy phát triển.

Trong bài viết về kinh tế học dữ liệu, Ciuriak (2018) nhấn mạnh: Chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ vượt xa sự phát triển của chính sách dựa trên kinh nghiệm, làm tăng cả rủi ro kinh tế - xã hội và cả những thách thức quản lý kinh tế - xã hội; Kinh tế dựa trên dữ liệu khác cơ bản so với những gì đã thấy trước đó, và vì vậy cần phải đổi mới các tài khoản kinh tế cũng như các mô hình kinh tế vẫn được sử dụng để phục vụ hoạch định chính sách, cùng kết hợp với những thử nghiệm trong thiết kế khung khổ pháp lý.

Nhìn nhận sâu hơn, Ciuriak (2018) đã mổ xẻ bản chất của kinh tế số, kinh tế dựa trên dữ liệu. Đằng sau những thách thức vừa nêu chính là sự bất cân xứng thông tin với nhiều ảnh hưởng, cả tích cực và không mong muốn đối với nền kinh tế, thị trường, doanh nghiệp và từng con người.

Chuyển đổi số đang tạo ra loại hình kinh tế mới dựa trên "dữ liệu hóa" hầu hết mọi khía cạnh của hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội của con người do thông tin được tạo ra bởi vô số "thói quen" hàng ngày của các cá nhân và máy móc được kết nối số. Do trực tiếp liên quan đến công nghệ, tri thức nên kinh tế học về loại hình kinh tế này có thể tìm thấy trong các mô hình lý thuyết về tăng trưởng nội sinh. Nghiên cứu và triển khai (R&D), vốn con người hay phá hủy sáng tạo Schumpeter,… trở thành động lực tăng trưởng kinh tế do chúng vừa là nguồn lực vừa có ngoại ứng tích cực nhờ lan tỏa tri thức. Và vì vậy, các nước khác nhau có thể có tốc độ tăng trưởng khác nhau tùy thuộc vào năng lực và chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo (như trợ cấp cho R&D, đầu tư giáo dục, mở cửa thương mại…). Đổi mới sáng tạo cũng có thể tạo ra sức mạnh thị trường và lợi tức độc quyền.

Tuy nhiên, một điểm cơ bản của sự khác biệt giữa mô hình kinh tế số với mô hình kinh tế tri thức dựa trên giả định rằng mọi người đều có thể tiếp cận được tri thức, ngay cả khi các công ty có sáng tạo có thể tạm thời loại trừ được khả năng này. Điều này xem ra không còn đúng với thông tin được trích xuất từ "dữ liệu lớn". Đối với tâm trí con người, dữ liệu lớn là "tiếng ồn" vô nghĩa; song với máy tính, nó là cả một mỏ thông tin. Đấy chính là khả năng máy tính trích xuất thông tin có tính hệ thống từ "tiếng ồn" này, tạo ra giá trị của dữ liệu lớn và các thuật toán thích hợp. Như vậy, bất đối xứng thông tin giữa con người và máy móc là thuộc tính căn bản của nền kinh tế số, dẫn đến "thất bại thị trường". Bất đối xứng thông tin và "thất bại thị trường" có xu hướng tăng lên [5], và đẫn đến những hệ lụy không mong muốn như độc quyền, gia tăng khoảng cách phát triển.

Khái quát lại, kinh tế số, kinh tế dựa trên dữ liệu có những đặc trưng rất đáng suy nghĩ; đó là: Bất đối xứng thông tin mang tính phổ biến; "Công nghiệp hóa" việc học tập thông qua AI; Kinh tế học "người thắng cuộc lấy tất", dẫn đến sự ra đời các "công ty siêu sao"; Các hình thức mới trong trao đổi thương mại mà hệ thống hạch toán kinh tế truyền thống chưa nắm bắt được; Rủi ro hệ thống do tính dễ bị tổn thương trong kết cấu hạ tầng thông tin.

Vì là nền kinh tế dựa trên dữ liệu nên việc triển khai nó được xem như một quá trình không chỉ bao gồm những phát triển mới của điều đã biết, mà còn chứa đựng nhiều điểm bất thường, "kỳ dị" (singular points) với nhận thức, tư duy quen thuộc. Makiyama (2019) đưa ra bốn vấn đề thách thức chính sách trong thời chuyển đổi số, nhất là đối với kinh tế nền tảng, bao gồm: chính sách cạnh tranh, chính sách công nghiệp, chính sách tài khóa, nghĩa vụ pháp lý trung gian, và vấn đề quyền riêng tư [6].

Đây chính là nhóm thách thức "xây mới" của quá trình phát triển trong thời đại CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Nó có thể bắt nguồn từ chính cơ hội phát triển, nhưng xã hội không đủ năng lực (con người, bộ máy nhà nước, công nghệ, tài chính…) để chuyển hóa cơ hội thành lợi ích phát triển hiện thực. Cơ hộiphát triển rất lớn, song lại ập vào rất nhanh. Đối với nhiều quốc gia, vốn vận hành bằng bộ máy quản trị trì trệ, quan liêu, quá trình ra quyết định thường chậm chạp, dễ gây tốn phí nguồn lực, đánh mất các thời cơ phát triển.

Cần nhận thức hoàn toàn mới

Cấu trúc kinh tế - xã hội mới, về mặt nguyên tắc, phức tạp, tinh vi và có thể rất "đắt". Công cuộc "xây mới" đòi hỏi một lượng chi phí khổng lồ, không chỉ vốn tài chính mà cả những nguồn lực vật chất khác, đặc biệt là nguồn nhân lực. Đó là chưa kể đến nguy cơ định hướng sai lệch, dẫn tới đầu tư tiền của, con người,... cho xu thế mới nhanh chóng bị lãng phí.

Nhóm thách thức nữa của quá trình chuyển đổi là nhóm "thoát cũ", với cách ứng xử thích hợp với kiến trúc trên nền tảng toàn bộ của cải, năng lực, lợi ích, thói quen,… xây đắp nên qua thời gian dài. Đây luôn là công việc khó khăn, giá phải trả rất lớn. Xã hội và nền kinh tế càng phát triển, hệ thống cũ càng đồ sộ, chi phí chuyển đổi sẽ càng lớn, quá trình chuyển đổi càng khó khăn.

Hai nhóm thách thức nói trên tổ hợp lại thành thách thức chuyển đổi. Để vượt qua thách thức này, cần phải có chi phí rất lớn vì vừa phải bỏ đi vừa phải xây mới không ít "kiến trúc" vật thể và phi vật thể.

Trong bối cảnh mới, chúng ta vẫn phải đối phó với các rủi ro "truyền thống" như thiên tai, bão lụt, hạn hán, chiến tranh, các rủi ro thị trường, rủi ro chính sách. Những rủi ro này, cùng sự phát triển kinh tế - xã hội đi kèm với mức độ phức tạp ngày càng cao trong khi hậu quả tồn tích lại, đang có xu hướng trở nên nghiêm trọng, khó lường hơn.

Song những rủi ro mà nền kinh tế thời đại CMCN 4.0 đối mặt không dừng tại đó. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin với tính cách là "hạ tầng của hạ tầng". Rủi ro "số" trước hết và cơ bản chính là rủi ro mà hệ thống "hạ tầng của hạ tầng" đối mặt, là rủi ro mạng, rủi ro các hệ điều hành bị tấn công và nguy cơ lan truyền hệ thống của nó. Chiến trường chính đang dịch chuyển từ phía "không gian thực" sang phía "không gian ảo". Tính chất, cơ chế lan truyền, công cụ thực hiện, giải pháp tấn công và ngăn chặn của cuộc chiến kinh tế đang thay đổi nhanh, đặt ra thách thức lớn cho bất cứ hệ điều hành kinh tế nào - từ cấp toàn cầu cho đến quốc gia, từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân.

Bên cạnh rủi ro "số", hệ thống kinh tế - xã hội còn gặp nhiều rủi ro công nghệ cao khác, cũng có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng không kém. Đó là rủi ro công nghệ sinh học (phát tán vi khuẩn chứa những bệnh dịch nguy hiểm), rủi ro công nghệ hóa học (tấn công bằng hóa chất độc), rủi ro công nghệ thiên văn - vũ trụ (gây hạn hán, lũ lụt), v.v.. Tất cả đều khó lường - cả về nguyên nhân lẫn hậu quả.

Xem xét khái niệm rủi ro trên một bình diện rộng hơn, còn có thể đề cập đến nhóm rủi ro - nguy cơ mất việc làm đối với người lao động do xu hướng robot hóa và áp dụng rộng rãi công nghệ in 3D,… gây ra. Tình trạng ngày càng nhiều người lao động, nhất là nhóm lao động kỹ năng thấp, bị mất nguồn thu nhập, dẫn tới chỗ đào sâu hố bất bình đẳng và gây xung đột xã hội, nhất là ở các nước kém phát triển.

Hay việc bàn luận ngày càng sôi nổi về rủi ro - nguy cơ của một xã hội với sự hiện diện của AI. Nhân loại đang trong quá trình hoàn thiện AI và tìm câu trả lời về bản chất của AI - một thực thể xã hội như con người (có cả trí tuệ và cảm xúc) hay vẫn chỉ là những "cỗ máy thông minh", được sử dụng để phục vụ con người. Người ta đang tranh luận về vấn đề trả lương và đánh thuế thu nhập đối với robot. Cách tiếp cận về mối nguy do AI mang lại - quản trị một xã hội có các trí tuệ nhân tạo với nhiều thế mạnh vượt trội con người như thế nào, khả năng xung đột giữa con người và robot. Đó thực chất chính là loại rủi ro mang [7] tính cốt lõi đang đặt ra trước loài người trong quá trình chuyển đổi phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0 và chuyển đổi số. (Còn nữa)

Kính mời độc giả theo dõi tiếp phần 2 bài viết này trên Tạp chí TT&TT số tháng 9/2020.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Khung chính sách kinh tế Việt Nam, Hà Nội, tháng 12.

2. Tapscott, Don (1997), The digital economy: promise and peril in the age of networked intelligence. New York: McGraw-Hill.

3. Mesenbourg, T.L. (2001), Measuring the Digital Economy. U.S. Bureau of the Census.

4. Cameron A, Pham T, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T (2019), Tương lai nền kinh tế số Việt Nam đến năm 2040. CSIRO, Brisbane, Tháng 3 (bản thảo).

5. Buhkt R. and Heeks R. (2017), "Defining, conceptualising and measuring the digital economy". GDI Development Informatics Working Papers, 68(0): 1-24

6. Kimura, Fukunari (2018), "How Can Connectivity Support Innovation", Presentation at the ERIA-IDE JETRO Roundtable on "Connectivity and Innovation", Jakarta, 30 January.

7. Baldwin, R. (2016), The Great Convergence: Information Technology and the New Globalisation. Belknap Harvard University Press.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế số và Việt Nam (phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO