Ứng dụng Fintech để thúc đẩy tài chính bao trùm tại ASEAN

TH| 27/07/2018 09:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Tài chính số có thể đẩy nhanh khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Tài chính số - Tiềm năng tại ASEAN

Công nghệ tài chính (fintech) sẽ là một phần quan trọng trong hợp tác ASEAN khi khối thương mại khu vực tìm kiếm các giải pháp mới và sáng tạo để giải quyết các vấn đề tài chính bao trùm. Công nghệ tài chính giúp cắt giảm đáng kể chi phí, do đó thúc đẩy nhiều người tham gia vào hệ thống tài chính hơn.

Theo một nghiên cứu về tài chính số ở khu vực Đông Nam Á năm 2017 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tài chính số có thể đẩy nhanh khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính tại Đông Nam Á.

Nghiên cứu có tên là “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Đông Nam Á bằng công nghệ tài chính số”, đã tập trung nghiên cứu các thị trường ở Đông Nam châu Á như Indonesia, Philipines, Campuchia và Myanmar. Qua phỏng vấn 80 đối tượng ở 4 nước tiến hành khảo sát và kết quả nghiên cứu, phân tích tổng quát, ADB đã phát hiện thấy sự gia tăng sử dụng dịch vụ tài chính số có thể giúp mở rộng mức tăng trưởng GDP thêm 9 - 14%, ở các nền kinh tế tương đối lớn trong khu vực như Indonesia và Philippines. Riêng đối với nền kinh tế Campuchia, con số này có thể lên tới 32%.

Cũng theo nghiên cứu này, từ năm 2011 - 2014, sở hữu tài khoản ngân hàng trên thế giới đã tăng từ 51% lên 62%, điều đó cho thấy sự tiến triển đáng kể trong việc mở rộng tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức mặc dù vẫn còn có chênh lệch đáng kể theo khu vực địa lý và giới tính.

Tận dụng tối đa cơ hội này có thể tác động đáng kể đến việc định hình tương lai của ngành dịch vụ tài chính, đặc biệt tại các thị trường nhỏ như Campuchia và Myanmar, nơi chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ nhu cầu dịch vụ tài chính được đáp ứng bởi các nhà cung cấp dịch vụ chính thức. Cụ thể, ở Campuchia, các tổ chức tín dụng chính thức mới chỉ đáp ứng được 16% nhu cầu về các dịch vụ tiết kiệm cho người dân theo mục tiêu của tài chính toàn diện”, đại diện ADB cho biết.

Tại buổi họp báo được tổ chức sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 4 diễn ra tại Singapore hồi tháng 4 vừa qua, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore Ravi Menon cho biết: “Các thiết bị di động có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và thanh toán cơ bản ở các thị trường dưới mức phục vụ trong ASEAN”.

Thống đốc ngân hàng Trung ương Philippine Nestor Espenilla cũng lưu ý việc đổi mới công nghệ tài chính trong các lĩnh vực như đánh giá tín dụng và thanh toán đơn giản là những giải pháp mới mà các phương thức ngân hàng truyền thống không thể cung cấp.

Cũng tại cuộc họp này, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Veerathai Santiprabhob cho biết hiện các ngân hàng Thái Lan không tính phí chuyển khoản đối với các dịch vụ chuyển khoản liên ngân hàng được gọi là PromptPay. Theo số liệu từ Ngân hàng Thái Lan, tính đến cuối tháng 10/2017, PromptPay đã thu hút được 36 triệu khách hàng đăng ký với tổng giá trị chuyển tiền là 200 triệu baht, tăng từ 32 triệu người với giá trị 120 triệu baht hồi tháng 7 cùng năm. Hiện Thái Lan đang có kế hoạch liên kết PromptPay với nền tảng chuyển tiền thời gian thực của Singapore là PayNow, nhằm hỗ trợ các giao dịch xuyên biên giới.

Theo Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore Ravi Menon, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần làm việc với các cơ quan quản lý để tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ tài chính.

Phần lớn trọng tâm của tài chính bao trùm nhằm đưa người dân thoát khỏi đói nghèo bằng cách giúp họ tiếp cận các dịch vụ tài chính. Một báo cáo gần đây của McKinsey đã đưa ra một luận điểm tương tự, theo đó ngân hàng di động có thể là một giải pháp cứu sinh cho người nghèo. “Nó mang lợi ích của các dịch vụ tài chính đến với những người hiện không được tiếp cận, và do đó cho phép họ thực hiện các bước khởi đầu hướng tới cuộc sống tài chính lành mạnh hơn", báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, theo báo cáo này, các quy định pháp lý mà thúc đẩy bao trùm có thể làm thay đổi đáng kể động lực kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng di động. Ví dụ, áp lực về các khoản phí trên có thể trở thành một thách thức đối các ngân hàng di động, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn.

Phát triển mạng lưới sáng tạo tài chính châu Á

Năm 2017, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Ngân hàng Thế giới và Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã ký một bản ghi nhớ hợp tác để thiết lập và phát triển Mạng lưới sáng tạo tài chính ASEAN (AFIN - ASEAN Financial Innovation Network).

Sáng kiến về Mạng lưới sáng tạo tài chính ASEAN là một chương trình ứng dụng thử nghiệm nhằm cung cấp một môi trường an toàn và không rủi ro để các ngân hàng có thể thử nghiệm những giải pháp sáng tạo về công nghệ tài chính. Trong đó, AFIN chú trọng giải quyết 4 “vấn đề” mà các định chế tài chính đang phải đối mặt khi áp dụng công nghệ tài chính là: Các ngân hàng đang sử dụng những mô hình truyền thống; Một phần lớn trong ngân sách CNTT của ngân hàng chi cho việc bảo trì hệ thống kế thừa và chỉ một phần nhỏ được sử dụng để áp dụng công nghệ mới; Trong ngành công nghệ tài chính, nhiều công ty khởi nghiệp (startups) được hình thành rồi lại sụp đổ do đó các ngân hàng không có sự đảm bảo về độ tin cậy và bền vững của các công ty trong ngành này; Các chuyên gia về CNTT thì thường không hoạt động trong lĩnh vực Ngân hàng. Thông qua đó, AFIN sẽ phát triển các giải pháp thúc đẩy tài chính bao trùm trong toàn khu vực.

Theo thỏa thuận hợp tác, MAS và IFC của Ngân hàng Thế giới sẽ thiết lập “sandbox” của ngành để cung cấp thử nghiệm trên nền tảng đám mây cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính có thể phát triển, thử nghiệm và cải tiến các giải pháp tài chính bao trùm và tài chính số. Họ cũng sẽ có thể phân phối các dịch vụ cho các tổ chức tài chính trong phạm vi quyền hạn của mình.  Dự kiến, AFIN sẽ thử nghiệm nền tảng của mình vào quý 4/2018

Bên cạnh đó, Singapore cũng đã thiết lập hợp tác về an ninh mạng như một lĩnh vực tập trung khác của ASEAN trong năm nay, trong bối cảnh các nước trong khu vực tìm cách tăng cường khả năng phục hồi mạng.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22

Với tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế và lĩnh vực tài chính, chúng ta cần phải chú ý hơn đến khả năng phục hồi mạng. Các nhà quản lý ASEAN cần tăng cường hợp tác, chia sẻ tình báo và trao đổi các thực tiễn tốt nhất”, Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22.

Các mối đe dọa an ninh mạng đã dẫn đến những sự cố lớn về vi phạm dữ liệu. Theo tiết lộ của hãng bảo mật số Gemalto, trong năm 2017, trên toàn thế giới có khoảng 2,6 tỷ hồ sơ đã bị đánh cắp, mất hoặc lộ lọt, tăng 88% so với năm 2016. Gemalto cũng cho biết các công ty trong lĩnh vực y tế, dịch vụ tài chính và bán lẻ là những mục tiêu hàng đầu của cho các vi phạm năm ngoái.

Vào cuối năm 2017, Singapore đã dành 1,5 triệu đô la Singapore trong ba năm tới để đào tạo cán bộ kỹ thuật tại các nước thành viên ASEAN, nhằm tăng cường sự sẵn sàng của khu vực trong việc chống lại các mối đe dọa mạng. Theo kế hoạch sẽ có 18 ứng viên được đào tạo về các lĩnh vực phát hiện sự cố, ngăn chặn mối đe dọa, khôi phục dịch vụ và pháp lý.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng Fintech để thúc đẩy tài chính bao trùm tại ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO