Tỷ lệ người học lĩnh vực STEM ở Việt Nam vẫn còn thấp
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, nhiều vấn đề, nội dung quan trọng đã được trả lời, làm rõ, trong đó nội dung về đào tạo nguồn nhân lực cho nhóm ngành công nghệ cao và hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Tỷ lệ người học lĩnh vực STEM ở Việt Nam mới tiệm cận khoảng 27% - 31%.
Cụ thể, khi nói về công tác đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho lĩnh vực công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục và thời gian qua Bộ GD&ĐT đã chú trọng đến các môn học STEM bao gồm khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học, tiếp nối đến giáo dục Đại học (ĐH) và trên ĐH.
“Đặc biệt với sự phát triển hết sức mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, trong thời kỳ đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt về khoa học công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) đủ năng lực thực hiện những dự án lớn và hợp tác quốc tế”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, quy mô đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đến nay đã đảm bảo có 90% cơ sở giáo dục ĐH tham gia đào tạo các ngành STEM như khoa học kỹ thuật, công nghệ, toán; quy mô đào tạo chính quy ngành này năm 2024 tăng lên khoảng 10,6%, tương đương 60.000 sinh viên; xu thế theo học các ngành và lĩnh vực này tăng hơn rất nhiều và tốc độ tăng cao so với nhiều năm trước đây.
Hơn nữa, quy mô bậc học sau ĐH, năm 2024, số lượng học viên ngành STEM tiếp tục tăng mạnh (trình độ Thạc sĩ tăng tới 34%; trình độ Tiến sĩ tăng 33% ), và đây là xu thế, thể hiện tín hiệu rất đáng mừng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, về cơ học con số trên là tăng, tuy nhiên, tham chiếu theo tỷ lệ giáo dục các nước phát triển thì đây vẫn là con số thấp, nhất là tỷ lệ người học lĩnh vực STEM ở Việt Nam còn thấp, bởi lẽ, đến nay chúng ta chỉ tiệm cận khoảng 27% - 31%, trong khi đó Singapore là 46%, Malaysia là 50%, Hàn Quốc 33%, Đức 39%...
Trong năm học 2024 - 2025, chúng ta mới có khoảng 19.000 sinh viên nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 10% sinh viên theo học ngành STEM. Về cơ sở đào tạo, chúng ta có 166 cơ sở đào tạo các chuyên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó có 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này.
Nêu ra nguyên nhân về tỷ lệ thấp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng là vì: Đầu vào; việc làm sau này và cơ chế chính sách. Cũng chính vì để khắc phục nguyên nhân trên, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị định chính sách học bổng cho người học các ngành học STEM và đã lấy ý kiến các bộ ngành, dự kiến trong tháng 7 này trình Thủ tướng Chính phủ về cấp học bổng, học phí thu hút cho người học là sinh viên, nghiên cứu sinh.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, chắc chắn có ưu đãi rất rộng và nổi trội để thu hút người học, đặc biệt khi tốt nghiệp và đầu ra để các sinh viên, nguồn nhân lực tương lai sau này phát huy hết năng lực, trình độ chuyên môn đã được đào tạo.
Tránh tình trạng "thuế chồng thuế"
Cho biết về các thông tin liên quan đến TMĐT và các tổ chức cung cấp nền tảng số có chức năng hỗ trợ thanh toán, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc triển khai Nghị định 117/2025/NĐ-CP (từ 1/7/2025), đánh dấu một bước tiến trong công tác quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử.
Theo đó, trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế (GTGT, TNCN) sẽ do các tổ chức quản lý sàn TMĐT có chức năng thanh toán thực hiện thay cho hộ, cá nhân kinh doanh. Với trách nhiêm quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính (cơ quan thuế) trong việc chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu sàn và ứng dụng TMĐT (bao gồm mã số thuế, định danh cá nhân, tình trạng hoạt động).

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Dự án Luật TMĐT tử (dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2025) để hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung quy định về định danh điện tử và trách nhiệm sàn đối với các mô hình TMĐT mới như livestream bán hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân kinh doanh tuân thủ pháp luật về thuế.
Bước đầu trong việc thực hiện chính sách này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, các DN đã phối hợp từ sớm với cơ quan thuế trong giai đoạn xây dựng Nghị định để tránh tình trạng "thuế chồng thuế" và đề xuất hoàn thiện chính sách (như hoàn thuế cho đơn bị hủy, cân bằng chính sách giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đơn giản hóa thủ tục hành chính).
Đồng thời, các DN, đơn vị đã sẵn sàng chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật: nâng cấp hệ thống dữ liệu, phần mềm quản lý và công cụ thu, báo cáo thuế, đảm bảo tính chính xác và minh bạch khi khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán hàng từ ngày 01/7/2025.
Cùng với đó, cơ quan chức năng đã tích cực tăng cường truyền thông và đào tạo; triển khai các hoạt động hướng dẫn, hội thảo, nội dung số nhằm giúp người ban hàng hiểu rõ chính sách thuế, cập nhật thông tin định danh từ sớm và thực hiện đúng nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.
Đặc biệt, với các nền tảng TMĐT đang tiếp tục được hoàn thiện hệ thống công nghệ phục vụ khấu trừ và nộp thuế thay; Tự động hóa quy trình trích thuế GTGT, TNCN; Chuẩn hóa dữ liệu định danh người bán; Rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế; tiếp tục hỗ trợ người bán hàng.
“Đối với cộng đồng nhà bán hàng: Chúng tôi đề nghị chủ động cập nhật thông tin định danh và mã số thuế cá nhân; Theo dõi thông tin hướng dẫn từ nền tảng, cơ quan thuế để tuân thủ nghĩa vụ mới; Điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với chính sách thuế…”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh./.