Việt Nam và bài học kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng Covid-19

TH| 03/06/2020 14:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Một chút may mắn kết hợp với hoạch định chính sách hiệu quả đã giúp Việt Nam thành công trong kiểm soát dịch bệnh và từng bước khôi phục nền kinh tế. Theo dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số quốc gia đã thành công việc kiểm soát dịch bệnh, khiến số ca mắc giảm mạnh, điển hình là Việt Nam, Hy Lạp, Slovenia, Jordan và Iceland.

Là quốc gia có dân cư đông đúc, chung đường biên giới rộng lớn trên đất liền với Trung Quốc, do vậy được cho là dễ bị tổn thương trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Nhưng Chính phủ Việt Nam đã hành động mạnh mẽ ngay từ ban đầu, thậm chí trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu".

Thông qua những biện pháp quyết liệt, mau lẹ khống chế dịch bệnh, cũng như giúp đỡ những lao động gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 để “không để ai bị bỏ lại phía sau”, người dân Việt Nam đã rất tin tưởng vào Chính phủ và cảm thấy chính họ đang được bảo vệ. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có ca tử vong nào do Covid-19.

Theo Bản tin 6h ngày 3/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, đã 48 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Số bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh là 298/328 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ gần 91%.

Việt Nam và bài học kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 1.

Thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh cho phép chính phủ Việt Nam có thể mở cửa trở lại trường học và các doanh nghiệp, dần đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Và đã để lại bài học cho thế giới từ chính những câu chuyện thành công của mình.

Một chút may mắn và vô vàn bí quyết

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morriset, một chút may mắn kết hợp với hoạch định chính sách hiệu quả đã giúp nền kinh tế Việt Nam thành công và theo dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2020.

Nếu tâm chấn của đại dịch Covid-19 là Thâm Quyến thay vì Vũ Hán thì chuỗi giá trị của ngành hàng điện tử quan trọng với Việt Nam sẽ bị phá vỡ mạnh mẽ. Tương tự, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu là quốc gia xuất khẩu bông sợi hoặc dầu mỏ lớn trên thế giới trong bối cảnh giá của những mặt hàng này sụt giảm mạnh vài tuần trở lại đây. May mắn thay, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là lúa gạo đã chứng kiến mức tăng trưởng 20% trên thị trường thế giới kể từ cuối tháng 2.

Việt Nam và bài học kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 2.

Dù vậy, cần phải thừa nhận rằng Việt Nam đã có những hành động thông minh, ông Jacques Morriset đánh giá. Giống như nhiều quốc gia khác, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các gói chính sách tiền tệ và tài chính để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch

Phương án đối phó với dịch Covid-19 của chính phủ Việt Nam cho thấy hiệu quả của việc kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn với 3 ví dụ cụ thể.

Thứ nhất là quản lý tài khóa. Trước khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Việt Nam đã dữ trữ được dòng tiền đáng kể nhờ thực hiện chính sách quản lý tài chính thận trọng, do đó Chính phủ có thể đối phó với dịch bệnh Covid-19 trong tâm thế sẵn sàng. Bên cạnh đó, cùng với việc áp dụng quy định tài khóa của Việt Nam, thì có 5% ngân sách của năm 2020 được dùng để trích lập quỹ dự phòng cho trường hợp khẩn cấp. Nhờ vậy, chính phủ có thể ứng phó ngay lập tức với cuộc khủng hoảng ở cả cấp trung ương và địa phương mà không cần đến vốn vay trong nước hay nước ngoài.

Thứ hai là thương mại và logistics. Theo dự báo của WTO, thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ suy giảm từ 15-30%, đây là một trong những lo ngại chính của Việt Nam. Là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới, Việt Nam đã nhanh chóng có các hành động nhằm giảm chi phí logistic cho các doanh nghiệp xuất khẩu và ra hướng dẫn về việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm phí và đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục tại các trung tâm vận tải lớn.

Thứ ba là kinh tế số. Mặc dù có khu vực xuất khẩu khá năng động nhưng kinh tế số của Việt Nam còn tương đối tụt hậu. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, chính phủ đã bắt tay thực hiện một loạt các cải cách, bắt đầu từ ứng dụng công nghệ số trong phòng chống dịch bệnh. Chính phủ hiện đang xem xét việc sử dụng thanh toán điện tử thông qua hệ thống thanh toán điện tử mới nhằm tiếp cận 2/3 người dân hiện chưa có tài khoản ngân hàng.

Trước bối cảnh nhiều thách thức, Việt Nam đã và đang phát huy truyền thống lâu đời trong việc chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, bên cạnh đó vẫn linh hoạt áp dụng các cải cách quan trọng và chuyển đổi sang bối cảnh mới. Việc kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn này đã được áp dụng thành công để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam và bài học kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO