19 sản phẩm CNTT xuất sắc vào vòng Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019

Minh Thiện| 05/11/2019 10:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Kết quả vòng Sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 vừa được công bố trong chương trình Họp báo diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 04/11/2019, với sự tham dự của Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức, các nhà tài trợ, các tác giả tham dự Giải thưởng cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí.

Năm 2019 đánh dấu chặng đường 15 năm phát triển của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Với chủ đề mới “SỨC MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ”, Giải thưởng lần đầu tiên mở thêm hạng mục sản phẩm CNTT Khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đông đảo các bạn startup và sinh viên tham gia dự thi.

“Với những đổi mới của Giải thưởng, Nhân tài Đất Việt năm 2019 đã nhận được số lượng sản phẩm dự thi ấn tượng nhất trong các năm qua, với số lượng tăng gần 30% so năm trước. Đặc biệt giải thưởng cũng thu hút được nhiều sản phẩm dự thi từ Việt kiều tại các nước: Mỹ, Canada, Đức, Thụy Sỹ”, Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập Báo Dân trí, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, cho biết.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập Báo Dân trí, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, phát biểu tại buổi Họp báo

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT có 418 sản phẩm dự thi. Trong đó: 113 sản phẩm dự thi hệ thống Sản phẩm Số triển vọng; 92 sản phẩm dự thi hệ thống Sản phẩm CNTT Kết nối, Di động; 83 sản phẩm dự thi hệ thống Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp thành công; 130 Sản phẩm dự thi hệ thống Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp sáng tạo.

Sau quá trình nghiên cứu và phân tích các sản phẩm, ngày 26 - 27/10/2019, Hội đồng Sơ khảo đã có hai ngày làm việc tập trung, căng thẳng và sôi nổi để có thể lựa chọn 19 đại diện tác giả, nhóm tác giả với các sản phẩm xuất sắc nhất vào vòng thi Chung khảo.

TS. Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo lĩnh vực CNTT, chia sẻ: “Riêng về nhóm sản phẩm khởi nghiệp, là điểm mới của năm 2019, nên Hội đồng sơ khảo chưa năm nào huy động nhiều giám khảo và mất nhiều thời gian như năm nay”.

Đặc biệt, thành phần Hồi đồng giám khảo năm nay cũng rất toàn diện. Ông Nguyễn Long cho biết: GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành CNTT Việt Nam đã nhận lời tham gia cùng Hội đồng giám khảo. Đồng thời, anh Hùng Trần, CEO của Got It; anh Victor Trần, nhóm Kyber Network, kỳ lân trong lĩnh vực blockchain; Phạm Hữu Ngôn, người từng hai lần đứng lên bục nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt... cũng nhận lời tham gia làm Hội đồng giám khảo.  

TS. Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo lĩnh vực CNTT

“Hội đồng giám khảo Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT khác Hội đồng khác. Chúng tôi khẳng định nếu các bạn có sản phẩm, giải pháp tốt có thể thành công thì cái lõi cơ bản sẽ bị xem xét nhiều nhất là lõi khoa học công nghệ và chính sự đảm bảo bằng nền tảng khoa học công nghệ sẽ quyết định đến thành công không chỉ trước mắt mà cả sau này của sản phẩm”, ông Nguyễn Long khẳng định.

Nhận xét về quá trình chấm thi sơ khảo vừa qua cũng như đánh giá về các sản phẩm CNTT dự thi năm nay, ông Nguyễn Long cho biết thêm: Tất cả những sản phẩm qua 14 năm Nhân tài đất Việt thì đều theo xu hướng công nghệ mới. Năm 2019 cũng vậy, rất nhiều sản phẩm dự thi có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (block chain), dữ liệu lớn (Big Data)... Tất cả những sản phẩm thành công hiện nay đều dựa trên nền tảng kết nối và chuyển đổi số.

“Chúng ta đã biết năm ngoái khi xu hướng bắt chiếc hoặc là cố gắng đi nhanh thì những sản phẩm dạng vận tải công nghệ tham gia rất nhiều nhưng không sản phẩm nào đoạt Giải. Trên thực tế, những sản phẩm này cũng chưa thật thành công. Hội đồng giám khảo xem xét rất kỹ kể cả tiềm năng phát triển và sự đồng hành của Việt Nam với xu thế công nghệ mới, xu thế kinh doanh toàn cầu để làm sao cho phù hợp, cố gắng tìm ra được những sản phẩm xứng đáng nhất vào Vòng Chung khảo”, ông Nguyễn Long nhấn mạnh.

Hạng mục dự thi CNTT Khởi nghiệp sáng tạo - hạng mục mới được mở ra năm 2019 nhưng đã thu hút được số lượng bài dự thi đông đảo nhất.

Bên cạnh đó, hạng mục này còn tập trung rất nhiều các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới để giải quyết những vấn đề nóng trong xã hội hiện nay như: ô nhiễm không khí, giao thông vận tải, nông nghiệp,… Phần lớn các tác giả tham gia dự thi ở hạng mục này là các sinh viên và startup trẻ, trong đó có thí sinh trẻ tuổi nhất (17 tuổi), điều này chứng tỏ Giải thưởng đã thực sự thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ, là nơi thể hiện khát vọng tuổi trẻ được chinh phục công nghệ và được khẳng định tài năng công nghệ, với khát khao được cống hiến và phát triển các sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn đời sống cho mỗi người dân Việt Nam.

Hội đồng sơ khảo vừa qua đã chọn ra khá nhiều các sản phẩm vào chung khảo. Tuy nhiên cũng có những sản phẩm được vào chung khảo vẫn phải chuyển lại cho Ban tổ chức để xem xét vì có nhiều vấn đề đặc biệt hoặc chưa thật rõ ràng về bản quyền.

Toàn cảnh buổi họp báo

“Sau khi công bố các sản phẩm vào chung khảo, các nhóm còn phải tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và hồ sơ đến ngày bảo vệ. Đặc biệt các nhóm dự thi phải trình bày, trả lời trao đổi trực tiếp với Hội đồng giám khảo có chuyên môn sâu và rất kỹ tính. Chúng ta tin tưởng rằng những sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT 2019 xứng đáng là Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT lần thứ 15”, ông Nguyễn Long chia sẻ thêm.

Cùng với hạng mục CNTT Khởi nghiệp sáng tạo, các hạng mục dự thi khác như: CNTT Số triển vọng, CNTT Kết nối Di động, CNTT Khởi nghiệp thành công vẫn tiếp tục là các hệ thống thu hút nhiều sản phẩm CNTT chất lượng, đã có những thành công nhất định trong thị trường CNTT Việt Nam. Đặc biệt, nhiều thí sinh đã dự thi các năm trước năm nay vẫn tiếp tục hoàn thiện sản phẩm hơn nữa để tham gia dự thi, trong đó có thí sinh lớn tuổi nhất (78 tuổi), khẳng định đam mê công nghệ và ước vọng khẳng định trí tuệ công nghệ Việt.

Tại buổi họp báo, đại diện Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Nhà tài trợ chính VNPT đã cung cấp thông tin về các sản phẩm tham dự Giải thưởng năm thứ 15 cũng như có đánh giá cụ thể, chi tiết về chất lượng sản phẩm tham dự năm 2019 và lịch trình tiếp theo của Giải thưởng.

Hạng mục Khởi nghiệp sáng tạo năm nay có tới 130 nhóm thí sinh tham gia trên tổng số 418 sản phẩm. Nói về việc hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp tham gia dự thi, đại diện VNPT cho biết: Là một tập đoàn lớn với tiềm năng trong lĩnh vực về công nghệ, tài nguyên mạng và cả trong mạng lưới bán hàng cũng như các chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ… nhưng việc tận dụng sự hỗ trợ này của các nhóm sinh thực sự chưa nhiều. Nguồn tài nguyên hỗ trợ rất dồi dào, nhưng mà thực sự chỉ khoảng 20 nhóm cần hỗ trợ trong thời gian vừa qua. Đây cũng là con số nhỏ trong tổng số 130 nhóm đăng ký trong lĩnh vực về khởi nghiệp sáng tạo.

Đại diện Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Nhà tài trợ chính VNPT chia sẻ thông tin chi tiết về quá trình chấm Giải và các sản phẩm dự thi năm nay

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận được những yêu cầu đầy đủ tất cả những lĩnh vực. Ví dụ là vấn đề về hỗ trợ các công nghệ nền tảng, AI, BlockChain và VR, những mảng mà hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ một số thí sinh. Ngoài ra, những tài nguyên của VNPT như hệ thống về CPM, IDC... đã cung cấp miễn phí cho các nhóm thí sinh để cài đặt các giải pháp của mình chạy thử trên hệ thống thật. Ngoài ra, VNPT Media và VNPT IT cũng đã cung cấp các hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ cho những ý tưởng đang thiếu kiến thức về mặt thực tiễn giúp cho ý tưởng ấy tốt hơn. Chúng tôi kỳ vọng rằng, những sản phẩm trong quá trình tham dự được hỗ trợ đó sẽ sớm thương mại hóa với sự kết hợp của các đơn vị trực thuộc Tập đoàn VNPT”, đại diện VNPT chia sẻ.

Năm 2019, ở mỗi hệ thống sản phẩm CNTT, các thí sinh sẽ có cơ hội nhận được 1 giải Nhất trị giá 200 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 100 triệu đồng và 1 giải Ba trị giá 50 triệu đồng cùng các giải thưởng có giá trị khác từ các đơn vị tài trợ.

Qua sự lan tỏa của Nhân tài Đất Việt, những sản phẩm tham dự, đặc biệt là những sản phẩm vào chung khảo có một bệ phóng rất tốt, không chỉ là cơ hội để các nhóm tham dự cuộc thi học hỏi thêm, hoàn thiện sản phẩm của mình và thông qua truyền thông sẽ giúp họ tự tin quyết tâm, khát vọng hơn để hoàn thiện sản phẩm của mình hướng tới thành công.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp, Bưu điện Việt Nam đạt giải Thương hiệu Quốc gia 2024
    Đây là lần thứ 2 liên tiếp Bưu điện Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng danh giá này bởi những thành tựu lớn trong lĩnh vực logistics, bưu chính chuyển phát tại Việt Nam và Quốc tế.
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
  • Malaysia gây “sốc” khi trao giấy phép mạng 5G thứ hai
    Câu chuyện 5G của Malaysia đã có một bước ngoặt bất ngờ khi cơ quan quản lý nước này trao giấy phép triển khai mạng 5G thứ hai cho nhà mạng nhỏ nhất của đất nước là U Mobile.
Đừng bỏ lỡ
19 sản phẩm CNTT xuất sắc vào vòng Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO