Chuyển động ICT

39% doanh nghiệp Việt Nam chưa từng nghe nói đến ESG

Anh Minh 21:10 03/10/2024

Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp năm 2024 đã tiến hành khảo sát và đánh giá về mức độ nhận thức và thực hành ESG của các DN Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh những cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng.

Xu hướng “chuyển đổi xanh” đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Một DN thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố E - Môi trường, S - Xã hội, và G - Quản trị DN.

Ba khó khăn lớn nhất DN Việt Nam gặp phải trong thực hành ESG

Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong DN năm 2024 đã tiến hành khảo sát và đánh giá về mức độ nhận thức và thực hành ESG của các DN Việt Nam.

Báo cáo được thực hiện thông qua việc khảo sát diện rộng 1.019 DN và khảo sát chuyên sâu 13 DN tiêu biểu đến từ nhiều tỉnh thành, quy mô, ngành nghề trên khắp cả nước. Báo cáo chỉ ra các thực hành tốt và chưa tốt ở từng khía cạnh ESG, đồng thời đề xuất nhân rộng thực hành tốt và khuyến khích cải thiện những điểm chưa đạt để hướng đến kinh doanh bền vững.

esg7-16.9-2048x1152.jpg
Các giải pháp công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) giúp DN thực hành ESG bằng cách tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh, giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên. Ảnh minh họa

Đối với việc thực hành ESG, công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, trong đo lường và quản lý, công nghệ giúp các DN đo lường và quản lý các chỉ số ESG một cách hiệu quả. Các hệ thống quản lý dữ liệu và phân tích tiên tiến cho phép theo dõi các yếu tố môi trường như lượng khí thải carbon, tiêu thụ năng lượng, và quản lý chất thải.

Trong khi đó, công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chuỗi cung ứng. Điều này giúp đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ tuân thủ các tiêu chuẩn ESG. Các giải pháp công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) giúp tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh, giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Công nghệ cũng giúp cải thiện tương tác xã hội và quản trị DN. Các nền tảng truyền thông xã hội và các công cụ giao tiếp nội bộ giúp DN duy trì mối quan hệ tốt với các bên liên quan và cộng đồng. Công nghệ không chỉ giúp các DN tuân thủ các tiêu chuẩn ESG mà còn tạo ra các cơ hội mới để phát triển bền vững và tăng cường uy tín thương hiệu.

Về phía nhà đầu tư, các công cụ phân tích dữ liệu và AI giúp các họ đánh giá và lựa chọn các DN có chiến lược ESG tốt, từ đó thúc đẩy đầu tư bền vững.

Tuy nhiên, ESG vẫn là một khái niệm mới, đặc biệt đối với các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam. Trong 1.019 DN tham gia khảo sát, có đến 39% chưa từng nghe nói đến ESG và 62% hiện chưa nắm rõ các quy định và chính sách của Việt Nam liên quan đến ESG và kinh doanh bền vững.

Ba khó khăn lớn nhất DN Việt Nam gặp phải trong việc thực hành ESG, là không có hoặc thiếu thông tin về ESG; thiếu các chương trình về giới thiệu và đào tạo ESG; chưa có chính sách cụ thể từ chính phủ về ESG.

Các DN lớn vượt trội hơn hẳn trong việc tiếp cận thông tin, xây dựng các chiến lược và thực hiện các hoạt động liên quan đến ESG. Tuy nhiên, 26 - 30% DN ở từng quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng đang có những bước đi đầu tiên trong việc tìm hiểu và áp dụng các tiêu chí ESG.

Công cụ hỗ trợ thực hành ESG trong DN

Với mục tiêu hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần triển khai Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Phát triển DN được sự hỗ trợ của USAID thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam đã phát động Sáng kiến ESG Việt Nam. Năm nay là năm thứ 2 chương trình được tổ chức với chủ đề “Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh”.

Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 khuyến khích cộng đồng DN gắn kết chiến lược phát triển bền vững với các mục tiêu kinh doanh để đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

img_20241003_153246.jpg
Phiên tọa đàm với chủ đề thực hành ESG trong doanh nghiệp

Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các DN đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư; tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đây là cơ hội tốt để DN biến trách nhiệm tuân thủ trở thành lợi thế cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho DN.

Khởi động từ tháng 1/2024, sáng kiến ESG Việt Nam đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng DN với hàng loạt các sáng kiến hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2024, 10 DN được chọn vào vòng chung kết đã được tiếp nhận đào tạo chuyên sâu và tư vấn 1-1 từ dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam nhằm xây dựng và hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG và chuyển đổi xanh.

Tại sự kiện “Lễ trao giải Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 và Giới thiệu các công cụ hỗ trợ thực hành Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) trong DN” chiều 3/10, Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu các công cụ hỗ trợ thực hành ESG trong DN.

Bộ công cụ đánh giá kinh doanh bền vững theo khung ESG cung cấp cho các DN những thông tin cơ bản nhất về mức độ triển khai ESG thực tế tại DN, qua đó, các DN có thể lên kế hoạch để trở nên sẵn sàng hơn cho việc thực hành theo các khung đánh giá ESG với mức độ chuyên sâu và tiêu chí cao hơn mà các nhà đầu tư, các thị trường và đối tác có thể đòi hỏi.

Ngoài ra, sổ tay Giới thiệu quy định pháp lý về ESG năm 2024 cũng cung cấp các thông tin cơ bản cho DN hoạt động tại Việt Nam về các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực ESG, bao gồm các quy định nổi bật trong nước và quốc tế được cập nhật tới hết tháng 9/2024.

Việc sử dụng sổ tay sẽ giúp DN và các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DN được thuận tiện hơn trong việc tra cứu, tham khảo các quy định về ESG, đặt nền móng vững chắc cho việc tuân thủ ESG và thực hành kinh doanh bền vững tại DN./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
39% doanh nghiệp Việt Nam chưa từng nghe nói đến ESG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO