Kỳ họp có sự tham gia của các quan chức cấp cao phụ trách viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông chủ chốt thuộc 6 nước tiểu vùng sông Mekong gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào.
Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác tăng cường xây dựng Xa lộ thông tin và ứng dụng CNTT tại tiểu vùng sông Mekong được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng sông Mekong lần thứ 4 được tổ chức hồi tháng 12/2011, thời gian qua, 6 quốc gia tham gia dự án Xa lộ thông tin tiểu vùng sông Mekong đều đã triển khai kết nối viễn thông, thông tin liên lạc trên một mạng lưới hạ tầng chung tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế. Hiện nhiều kênh kết nối quốc tế quan trọng như TP.HCM - Phnompenh (Campuchia), Phnompenh - Bangkok (Thái Lan), Lao Bảo - Dansavanh (Lào)… đều đã thiết lập được
VNPT là doanh nghiệp duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia xây dựng hệ thống Xa lộ thông tin tiểu vùng sông Mekong. Ông Hồ Công Lâm, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I) cho biết, Xa lộ thông tin tiểu vùng sông Mekong là dự án rất quan trọng nhằm tăng cường thiết lập một hạ tầng chung, tạo thuận lợi cho việc hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước. 7 lĩnh vực mà dự án tập trung triển khai bao gồm: Ứng dụng điện tử đối với các dự án quốc gia và khu vực (Bao gồm Chính phủ Điện tử, Thương mại điện tử); Ứng dụng phát triển nông thôn (giáo dục, y tế, cộng đồng nông thôn); An ninh mạng và an ninh thông tin; Phát triển nguồn nhân lực; Khai thác thị trường các nước thứ ba; Các dịch vụ CNTT; Quản lý CNTT trong cơ quan nhà nước.
Với sự tích cực tham gia của cả 6 quốc gia, hiện đã thiết lập được hệ thống mạng lưới tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng các yêu cầu kết nối băng thông quốc tế. Cụ thể, việc kết nối viễn thông, thông tin liên lạc giữa các nước được thực hiện chủ yếu trên hệ thống này, kết nối Internet băng thông rộng cũng được đầu tư triển khai trên hệ thống. Đường kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế qua hệ thống kết nối do VNPT thiết lập với đối tác Trung Quốc đang lên đến hàng chục Gigabit/giây, với Campuchia thì đáp ứng nhu cầu khoảng 10 Gigabit/giây, còn với Lào là 5 Gigabit/giây,…
Để Xa lộ thông tin thực sự phát huy hiệu quả rất cần phải có sự đầu tư hợp tác chia sẻ thông tin, nội dung về các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… trên nền hạ tầng kết nối chung giữa các quốc gia tham gia dự án. Do vậy, Thứ trưởng Bộ TT&T Nguyễn Minh Hồng đã đề nghị các đại biểu tham gia Kỳ họp lần này cần tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm như: Hợp tác triển khai các ứng dụng điện tử đối với các dự án quốc gia và khu vực, an ninh mạng và an ninh thông tin, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các dịch vụ CNTT, khai thác thị trường các nước thứ 3…
Trần Việt