6 tháng đầu năm 2021: Hơn 12 triệu lượt ký số trên thiết bị di động

Bích Thủy| 19/07/2021 19:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là số liệu do Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ theo dõi và thống kê qua Hệ thống giám sát chữ ký số toàn quốc của Cục.

Đảm bảo cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP; Chỉ thị số 02/CT-TTg, Nghị quyết 17/NQ-CP, các văn bản pháp luật có liên quan, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước tích cực triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức bảo đảm cung cấp gần 100.000 chứng thư số (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2020); gần 14.000 chứng thư số ký số trên thiết bị di động (tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2020). Cục cũng đã triển khai sản xuất và cung cấp gần 37.000 thiết bị PKI Token và 11.000 thiết bị ký số trên di động cho Bộ Công an, phục vụ công tác triển khai Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo thống kê trên hệ thống giám sát chữ ký số toàn quốc, trong 6 tháng đầu năm, có trên 12 triệu lượt ký số, gần 450.000 chữ ký số trên thiết bị di động. Thống kê trung bình hàng ngày có khoảng trên 1 triệu lượt truy cập sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin đã triển khai hệ thống thông tin quản lý cấp phát chứng thư số, phân cấp các dịch vụ giám sát, quản lý chữ ký số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên môi trường điện tử, đáp ứng về thời gian cấp phát, hỗ trợ tối đa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai, sử dụng chữ ký số. Phân cấp, ủy quyền một số dịch vụ về giám sát, quản lý chữ ký số cho một số Bộ, ngành, địa phương, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định an toàn, sẵn sàng 24/7.

Trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã đẩy mạnh triển khai quản lý, điều hành, văn bản điện tử có chữ ký số. Điển hình như Bộ Y tế, các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục, Vụ và tương đương đã sử dụng nhiều chữ ký số cho văn bản điện tử; các tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh trong thời gian giãn cách xã hội cũng đã sử dụng triệt để các văn bản điện tử và chữ ký số.

Các kết quả trên cho thấy việc triển khai chữ ký số có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước trong đại dịch covid, góp phần đẩy lùi đại dịch covid.

Triển khai Trung tâm Chứng thực chữ ký số của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an

Trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chỉ đạo và giúp Cục Viễn thông và Cơ yếu/Bộ Công an, Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ chứng thực chữ ký số cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; phân cấp, ủy quyền tối đa các dịch vụ chứng thực chữ ký số để các Cục có thể chủ động quản lý, cấp phát chứng thư số cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Triển khai Hệ thống chứng thực chuyên dùng Chính phủ phục vụ Căn cước công dân, Hộ chiếu điện tử

Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng để xây dựng phương án kỹ thuật triển khai hệ thống chứng thực phục vụ cấp phát và quản lý Hộ chiếu điện tử (dự kiến sẽ triển khai trong tháng 8/2021).

Về triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ quản lý cấp phát căn cước công dân có gắn chip điện tử: Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để triển khai và cung cấp chứng thư số, phục vụ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân có gắn chip.

Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp gần hàng chục chứng thư số phục vụ ký số cấp phát hơn 15 triệu căn cước công dân có gắn chíp điện tử, dự kiến đến tháng 9/2021, Bộ Công an sẽ sản xuất hơn 50 triệu căn cước công dân có gắn chip điện tử. Ban Cơ yếu Chính phủ đang nâng cấp bổ sung các thành phần kỹ thuật Hệ thống chứng thực chuyên dùng Chính phủ để phục vụ triển khai Hộ chiếu điện tử, Căn cước công dân gắn chip điện tử, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai đảm bảo cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan Đảng, Nhà nước triển khai chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đảm bảo hệ thống kỹ thuật an toàn, hiệu năng, hiệu quả; Nâng cấp hệ thống chứng thực chuyên dùng Chính phủ đáp ứng yêu cầu về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và triển khai Hộ chiếu điện tử, Căn cước công dân có gắn chip điện tử, nâng cấp các thuật toán mật mã của hệ thống chứng thực; Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số và cơ sở dữ liệu quốc gia về chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 (Hộ chiếu Vaccine điện tử).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
6 tháng đầu năm 2021: Hơn 12 triệu lượt ký số trên thiết bị di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO