9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ

An Nguyễn| 03/12/2022 09:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua” là câu nói quen thuộc mỗi khi về với mảnh đất Tổ Phú Thọ. Chúng tôi tìm đến vùng Xuân Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ - mảnh đất được mọi ngừơi giới thiệu là nguồn cội của món đậc sản thịt chua trứ danh.

Đến nơi, không khó để thấy những cửa hiệu bày bán thịt chua ở hai bên đường và cả trong hệ thống các siêu thị, nhà hàng. Khi được hỏi đến sản phẩm thịt chua nổi tiếng tại đây, ai nấy cũng đề xuất “Thịt chua Trường food” và cái tên Nguyễn Thị Thu Hoa.

Nguyễn Thị Thu Hoa - cô gái người Mường năm nay tròn 30 tuổi,  mới chỉ tốt nghiệp THPT nhưng nhờ bản lĩnh dám làm, dám tìm tòi, dám đổi mới và kiên định với những gì đã chọn nên Hoa đã đạt thành công với món đặc sản thịt chua, từ đó tạo công việc cho hàng trăm người lao động ở khu vực Phú Thọ.

Chia sẻ về hành trình đưa thịt chua Phú Thọ sang trang mới, chị Hoa cho biết sau khi tốt nghiệp THPT thì lập gia đình. Lúc đó, chị chỉ mong có được một nghề để trang trải cuộc sống. Bản thân chị đã tìm kiếm, làm đủ mọi nghề nhưng chưa thấy nghề nào phù hợp. 

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 1.

Để có được thành công như bây giờ, hành trình khởi nghiệp của cô gái trẻ vô cùng gian nan, vất vả

Cơ duyên đến với nghề cũng thật tình cờ, chị Hoa được mẹ chồng truyền lại cho cách làm thịt chua truyền thống của gia đình, thời điểm đó ở Phú Thọ mới có rất ít nhà làm thịt chua. Nhận thấy đây là cơ hội trước mặt, Sau khi tìm hiểu kỹ, năm 18 tuổi, chị quyết định sẽ khởi nghiệp với thịt chua, một đặc sản của quê hương.

Thời gian đầu tiên, Thu Hoa gặp rất nhiều khó khăn. Vì mẹ chồng chỉ hướng dẫn cách sản xuất thịt chua truyền thống với quy mô nhỏ không có công thức,  nên sản phẩm có không đạt chuẩn vị, không đón nhận được sự quan tâm của khách hàng.“Lúc đó, mỗi ngày gia đình chồng tôi chỉ làm có vài chục hộp và làm thịt chua không có công thức. Tôi được truyền cho nghề làm thịt chua nhưng chỉ được áng công thức theo kiểu "1 nắm, 2 nắm, 1 bốc, 2 bốc. Chính vì không có công thức nhất định nên chất lượng không được đồng đều, lúc thì bị khách hàng kêu hộp thịt nhạt quá, rồi chua hay hơi ngọt.” 

Chị Hoa nói: “Tôi nghĩ rằng muốn làm lâu dài thì chất lượng phải ổn định và tôi bắt đầu tập trung toàn bộ nguồn lực cũng như thời gian để tìm công thức chuẩn cho thịt chua hàng loạt nhưng phải giữ được hương vị truyền thống”.

Và chị Hoa đã mất gần 2 năm và phải đến vài chục lần thay đổi công thức cũng như gia vị. Trong quá trình này không biết bao nhiêu đêm thức trắng, không biết bao mẻ thịt đổ đi vì sản phẩm thử nghiệm làm ra không ăn nổi, thậm chí cho những người nuôi cá họ cũng không muốn lấy.

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 2.

Sau nhiều lần phải đổ thịt đi vì thử nghiệm không thành công thì chị Hoa cũng tìm ra công thức chuẩn

Sau nhiều năm cố gắng, đến năm 2012, chị đã tìm ra được công thức sản xuất thịt chua như ngày nay mà không thay đổi chất lượng, khẩu vị gốc. Nhờ đó, sản lượng sản xuất đã tăng lên gấp 3 - 4 lần, sản lượng trung bình là 200 hộp/ngày. Nhưng với mong muốn để đưa thịt chua tiến xa hơn, chị Hoa mạnh dạn từ bỏ thương riêng của nhà chồng để tự gây dựng thương hiệu mới của cá nhân với tên gọi mới Trường Foods mang ý nghĩa ẩm thực trường tồn.

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 3.

Nguyên liệu thịt chua Trường Food sản xuất là thịt lợn sạch được nuôi theo tiêu chuẩn VietGap.

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 4.

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 5.

Theo chị Hoa, thịt nạc mông và nạc thăn để làm thịt chua là có chất lượng tốt nhất.

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 6.

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 7.

Chế biến thịt chua.

Sau khi cải tiến chất lượng một thách thức nữa lại đến với Hoa, khi số lượng sản xuất ngày càng nhiều mà chưa có phương thức để bảo quản sản phẩm. Bởi đại lý, nhà phân phối phản ánh khi nhập sản phẩm về chỉ được khoảng 6 - 7 ngày thì hàng bắt đầu mốc, không bán được. 

"Tôi đã thử dùng đến hơn 10 loại chất bảo quản. Tuy nhiên, mỗi lô sản phẩm tôi thử đều thấy thay đổi mùi vị. Đồng thời, tôi cũng lo sợ, khi không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng quay lưng", chị Hoa chia sẻ.

Sau khi cân nhắc, chị Hoa đã không lựa chọn chất bảo quản thực phẩm cho thịt chua. Thay vào đó, chị dành thời gian để tìm hiểu cách bảo quản của các sản phẩm khác. Bởi chị thấy rằng, nhiều sản phẩm có thể bảo quản được rất lâu.  Sau cùng, chị đã phát hiện và ứng dụng màng seal. Đây là một miếng dán được dùng để lót hoặc làm kín miệng lọ, hộp. Lớp màng seal này giúp tăng thời gian bảo quản thịt chua lên 2 tháng đúng như kỳ vọng.

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 8.

Qua nhiều lần cải tiến chất lượng, mẫu mã đến nay thịt chua Trường Food cũng đã có chỗ đứng trên thị trường

Sau bao thời gian đương đầu với khó khăn thử thách, cuối cùng Thu Hoa cũng tìm ra được cách làm và gây dựng nên Trường Foods hôm nay. Thương hiệu Thịt chua Trường Foods đã có chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng, mang đậm hương vị thịt chua truyền thống. Hiện cơ sở của chị có khoảng 80 công nhân, sản phẩm có mặt tại 7.000 điểm bán hàng với 10.000-15.000 nghìn sản phẩm được sản xuất mỗi ngày.

9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ - Ảnh 9.

Thịt chua của cô gái trẻ 9x tạo công việc cho hàng trăm người lao động ở khu vực Phú Thọ.

Vừa qua, dự án "Mang thịt chua Đất Tổ đến mọi miền tổ quốc" của Nguyễn Thị Thu Hoa đã đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
9X người Mường thu về hàng tỷ đồng mỗi năm với món đặc sản Đất Tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO