Lợi thế từ quyết tâm chuyển đổi của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang
Hội thảo có sự tham gia của ông Đồng Anh Quân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển DN, đại diện Nền tảng quản trị DN Base.vn và gần 20 DN nhỏ và vừa (SME) tiên phong trên địa bàn tỉnh, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau với quy mô chủ yếu từ 50 - 200 nhân sự. Theo đó, tất cả các đơn vị này đều đang quan tâm và tìm hiểu về quy trình triển khai công nghệ vào vận hành trong kỷ nguyên số.
Hội thảo xoay quay 4 chủ đề chính: Tổng quan về CĐS và các giải pháp hỗ trợ nền tảng số; Phân tích tình huống ứng dụng phần mềm Base cho DN sản xuất và DN thương mại; Các tài liệu hỗ trợ SME tiên phong thực hiện CĐS trong năm 2022; và Trải nghiệm trực tiếp phần mềm.
Bắc Giang đẩy mạnh CĐS trên địa bàn, hướng tới mục tiêu 800 DN số năm 2025
Tại hội thảo, ông Đồng Anh Quân, bày tỏ mong muốn tháo gỡ những khúc mắc còn tồn tại trong DN, nhấn mạnh mục tiêu là hỗ trợ DN tiếp cận gần hơn với các thông tin thực tế, có tính ứng dụng cao về CĐS thay vì những thông tin chỉ mang tính lý thuyết. Đồng thời, ông Quân chỉ ra ba thách thức chính đối với DN, đó là chi phí, thay đổi tư duy và công nghệ.
Trước đó, hiểu được những thách thức và cả cơ hội mà cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh phải đối mặt trong thời đại mới, ngày 18/02/2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định 180/QĐ-UBND về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và giao chi tiết kinh phí hỗ trợ DN.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển DN được giao một phần kinh phí và "trọng trách" hỗ trợ DN tiên phong CĐS. Chính sự quan tâm này của ban lãnh đạo tỉnh đã trở thành một lợi thế giúp DN trên địa bàn số hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Thách thức của DN tỉnh
Hiểu rõ những khó khăn mà cộng đồng DN Bắc Giang gặp phải, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Dự án Phát triển Kinh doanh Khu vực Phía Bắc của Base.vn, nêu rõ chính sách hỗ trợ từ phía công ty này đối với các DN trên địa bàn: "Chúng tôi tập trung hỗ trợ DN theo hai hướng: Tặng ưu đãi để giảm áp lực tài chính khi DN quyết định CĐS, đặc biệt khuyến khích DN đồng hành và cam kết dài hạn; và Thiết kế lộ trình tư vấn, đồng hành cùng DN để DN tự tin trong quá trình CĐS".
Đại diện Base cho biết thêm, do đặc thù về địa lý nên các DN địa phương thường gặp nhiều hạn chế hơn trong việc tiếp cận công nghệ, nhiều tổ chức, đơn vị chưa thực sự hiểu rõ về khái niệm CĐS, dẫn tới tình trạng chuyển đổi nửa vời, rời rạc, không nhất quán.
"CĐS là chuyển đổi và số hóa. Trên hành trình ấy, DN phải đối mặt với 4 bài toán: Chi phí vận hành và tốc độ vận hành; Tính kế thừa và phát triển tri thức; Chi phí cho chiến lược CĐS; và Sự thống nhất, mở rộng và phát triển trong tương lai", bà Hạnh nói.
Nhiều DN chưa thực sự hiểu rõ về khái niệm CĐS
Tương ứng với những bài toán ấy là 4 chiến lược mà Base đã vạch ra cho DN: Áp dụng công nghệ để chuyển đổi phương thức làm việc; Áp dụng công nghệ để kế thừa trí tuệ và di sản dữ liệu; Lựa chọn những thứ DN cần chuyển đổi; và CĐS trên một nền tảng có khả năng mở rộng và tích hợp.
Đồng thời, đơn vị này cam kết đồng hành cùng các DN trên suốt chặng đường CĐS tối thiểu 3 năm, nghiêm túc thực hiện lộ trình tư vấn chuyển đổi chuyên sâu, bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ và hệ thống; Phân công nhân sự triển khai và tham vấn phù hợp với quy mô và lộ trình đồng hành; Xử lý các phản hồi, yêu cầu đề xuất trong giờ hành chính; và Phối hợp với Ban Chuyên trách tư vấn tối ưu hệ thống quản trị vận hành nội bộ.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác chiến lược thúc đẩy CĐS toàn diện giữa Tập đoàn FPT và Bắc Giang, trong đó Base phụ trách các hạng mục CĐS dành cho DN tại địa bàn. Dự án nhằm giúp tỉnh đạt được những mục tiêu chiến lược, cải thiện các chỉ số kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Về phía địa phương, đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển DN cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Base tiếp cận cộng đồng DN và triển khai, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công cuộc CĐS và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh./.