Bài 1: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bố sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP

T.H| 26/10/2020 16:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 19/8/2020, dự thảo Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến. Việc bổ sung các quy định quản lý đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam đã trở thành yêu cầu bức thiết trong điều kiện quảng cáo trực tuyến đang ngày càng chiếm tỉ lệ lớn về doanh thu trong thị trường quảng cáo.

Bài 1:

Những điểm mới đáng chú ý

70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thuộc về hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới Google, Facebook. Trong khi đó các quy định hiện hành về quảng cáo chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ.

Sự cần thiết của việc bổ sung quy định về quảng cáo xuyên biên giới

Hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỉ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, 2 nền tảng chủ yếu được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là quảng cáo trên nền tảng của hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới Google, Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.

Trong khi đó, Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo tuy đã có quy định cơ bản điều chỉnh hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam song các quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, đặc biệt về vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ về thuế khi cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam. Các hành vi vi phạm và chế tài xử lý còn thiếu, chưa đủ sức răn đe và chưa khả thi trong thực tế. Ngoài ra, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới chưa rõ ràng, chồng chéo (Bộ Thông tin và Truyền thông được phân công quản lý quảng cáo trực tuyến nhưng quản lý quảng cáo xuyên biên giới lại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý) dẫn đến việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo không thống nhất, đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Đây là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, sửa đổi Điều 13, Điều 14 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Những điểm mới

Dự thảo Nghị định Nghị định 181/2013/NĐ-CP dự kiến sẽ bãi bỏ một số quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định 181/2013/NĐ-CP mà không khả thi và không phù hợp với thực tế như: Quy định các tổ chức, doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (Khoản 2 Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP); Quy định trước khi quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam (Khoản 2 Điều 14);

Các quy định này đã có hiệu lực từ năm 2013, tuy nhiên, qua rà soát cho thấy chưa tổ chức, cá nhân nước ngoài nào khi cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam thực hiện quy định “thông báo bằng văn bản cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước khi quảng cáo 15 ngày”. Thực tế quy định này không khả thi vì mỗi ngày, Google, Facebook ký hợp đồng và thực hiện hàng nghìn sản phẩm quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Trong khi đó, quy định về quảng cáo trên mạng trên trang thông tin điện tử, báo điện tử trong nước cũng không yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thông báo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Như vậy, khó có cơ sở để yêu cầu tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện quy định này vì bị cho là đang phân biệt đối xử, cũng như không khả thi trong tổ chức, thực hiện.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP khi xây dựng phải đạt được các mục tiêu: Thứ nhất, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc để đảm bảo triển khai thi hành Nghị định; Thứ hai, rà soát và cập nhật pháp luật về cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới với các quy định pháp lý có liên quan hiện hành; Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đảm bảo nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức và quản lý.

Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung, điều chỉnh một số quy định mới như: Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và điều chỉnh đầu mối cơ quan quản lý Nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới để đảm bảo thống nhất (Điều 13); Làm rõ hơn trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; bổ sung quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo tại Việt Nam (trang thông tin điện tử, báo điện tử, mạng xã hội, ứng dụng,..), quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo.

(Còn tiếp)

BBT

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bố sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO