Báo chí cần tích cực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá

Lan Phương| 18/11/2016 15:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng đề nghị: “Các cơ quan báo chí tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá nói chung và việc thực hiện mô hình nhà hàng không khói thuốc nói riêng”.

Thực hiện Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016 của Bộ TT&TT, ngày 16/11/2016, Bộ TTTT phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, Tổ chức Campaign for Tobacco - Free Kids, tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về thực thi nhà hàng không khói thuốc.

Chủ trì Hội thảo là ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TTTT. Hội thảo thu hút các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo một số cơ quan đơn vị thuộc Bộ TTTT, lãnh đạo một số sở, ban, ngành và một số chủ nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: “Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh, khiến những người xung quanh tuy không hút thuốc những cũng hít phải khói thuốc lá. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc giao lưu, ăn uống, công tác, hội họp tại các nhà hàng, khách sạn ngày càng trở nên phổ biến, vì vậy việc thực hiện mô hình nhà hàng không khói thuốc là một phần rất quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc”.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đề nghị các cơ quan báo chí tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá nói chung và việc thực hiện mô hình nhà hàng không khói thuốc nói riêng. Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí sẽ có những định hướng, những phương án chỉ đạo để lồng ghép nội dung thực hiện nhà hàng không khói thuốc trong công tác quản lý nhà nước của mình (ví dụ như tổ chức các cuộc thi trên báo chí về thực hiện nhà hàng không khói thuốc; tập huấn kỹ năng viết tin, bài về thực hiện môi trường không khói thuốc; tăng cường sự tham gia của các cơ quan báo chí trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc tại các nhà hàng, khách sạn…”; các chủ nhà hàng, khách sạn sẽ nhận thức rõ được lợi ích và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mô hình nhà hàng không khói thuốc.

Thứ trưởng hy vọng với mục tiêu đẩy mạnh truyền thông giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ đóng góp vào thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với những tổn thất về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây nên.

Toàn cảnh Hội thảo

Bác sĩ, thạc sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết hút thuốc lá là nguyên nhân và tăng nguy cơ của nhiều loại bệnh: đột quỵ, mù, đục, thủy tinh thể, dị tật vùng hàm mặt nếu mẹ hút thuốc, nha chu viêm, viêm đa khớp, chức năng miễn dịch kém, tiểu đường, viêm phổi, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản phụ nữ: giảm khả năng mang thái, chửa ngoài dạ con…

Đặc biệt trong trình bày của mình bà Hoàng Anh nhấn mạnh về tác hại của hút thuốc thụ động, là hít phải khói thuốc trong môi trường không khí, trong đó bao gồm khói thuốc từ đầu điều thuốc đang cháy và khói thuốc do người hút thuốc thở ra.

Theo WHO, khói tỏa ra từ điều thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Trẻ em hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa. Phụ nữ mang thai có thể gây sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non. Còn theo Surgeon general report 2006, người lớn hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch hơn 25 – 30% và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phối hơn 20 – 30%.  

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam năm 2010 – 2015 của Bộ Y tế, tại Việt Nam, nhà hàng là một trong những địa điểm công cộng bị ô nhiễm khói thuốc thụ động cao nhất. Nhà hàng và quán bar/café là những địa điểm bị ô nhiễm khói thuốc thụ động cao nhất trong các địa điểm được điều tra với các tỷ lệ trong hai năm 2010 và 2015 đều trên 80%.

“Tác hại từ khối thuốc thu động rất nguy hiểm. Nó gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe đối với khách hàng và nhân viên của nhà hàng. Nếu nhà hàng thực hiện môi trường không khói thuốc thì sẽ khổng những bảo vệ sức khỏe nhân viên và khách hàng, mà còn giảm thiệt hại kinh tế và thu hút nhiều khách hàng, tăng lợi nhuận. Tạo dựng hình ảnh một nhà hàng sang trọng, văn minh, lịch sự, an toàn đối với thực khách, qua đó góp phần làm tăng sự hài lòng và thu hút khách hàng nhiều hơn”, bà Hoàng Anh nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Hội Y tế công cộng và HealthBridge năm 2009, có tới 89,4% khách hàng không hút thuốc cảm thấy không thoải mái ăn uống nếu hít phải khói thuốc hay nhìn thấy người hút thuốc trong nhà hàng.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế thì lưu ý chỗ nào có vách ngăn có mái chắc chắn là nhà và không được hút thuốc. Nhà hàng quảng cáo thuốc lá, bày bán thuốc lá cũng bị xử phạt, đơn vị truyền thông thuốc lá cũng bị xử phạt. Nhà hàng khi thực hiện mô hình không khói thuốc phải có nội quy bằng văn bản, phải có biển cấm rõ ràng và dễ quan sát và có thể có những thông điệp như có thể ảnh hưởng đến bà mẹ trẻ em, cấm quảng báo, bán sản phẩm thuốc lá, không nhận hỗ trợ từ bán, quảng cáo, khuyến mãi, kinh doanh thuốc lá, có hình thức nhắc nhở nhân viên, không có gạt tàn trong nhà hàng…

Bác sĩ Ngô Thị Thu Hương, Trưởng phòng Y tế Quận Hoàn cho biết trên địa bàn có trên 323 khách sạn, nhà hàng và hơn 3000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong đó có nhiều nhà hàng nổi tiếng như Chả cá Lã Vọng, bún chả Đường Thành, Quán Ngon, nhà hàng Sen, Lẩu Sĩ Phú, Sôi Yến… Đầu năm 2016, Quận Hoàn Kiếm có điều tra đăng ký nhà hàng không thuốc là là 30%, vừa rồi điều tra diện rộng, tỷ lệ nhà hàng, khách sạn 3 sao đăng ký và triển khai mô hình không khói thuốc là 62%, khách sạn là 92%. Những con số này cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng.

Bà Hương cũng nêu khó khăn, tồn tại của việc triển khai phòng chống hút thuốc là ý thức tuân thủ luật pháp về Phòng chống tác hại thuốc lá của 1 bộ phận cộng đồng còn thấp; Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, chủ nhà hàng chưa thực sự quan tâm; Kỹ năng nghiệp vụ xử lý các tình huống vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn hạn chế; Hoạt động kinh doanh buôn bán thuốc lá còn diễn biến phức tạp, giá thấp, quản lý mua bán còn hạn chế dẫn đến mua thuốc lá dễ dàng, kể cả trẻ vị thành niên; Xử lý vi phạm chính chưa hiệu quả, kiểm tra, giám sát chưa tạo sức răn đe; Từ bỏ thói quen hút thuốc lá còn gặp khó khăn, cai nghiện còn hạn chế.

Tại Hội thảo, ông Dương Mạc An Tôn, chủ nhà hàng lẩu Saunna cho hay nhà hàng phải có ý thức thực hiện triệt để dù khó khăn. Việc thực hiện mô hình không khói thuốc ở nhà hàng không làm giảm doanh thu bởi nhận được sự đồng tình của nhiều khách hàng, nhất là phụ nữ và số lượng khách hàng này chiếm tới 80%.

Được biết, Bộ TTTT cũng đã phát động cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cuộc thi sẽ hết hạn nộp bài vào ngày 20/11/2016.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cần tích cực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO