Cùng tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân; các nhà báo lão thành; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam.
“Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí, vừa phải đảm bảo quyền tự do báo chí, ngôn luận của người dân”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin về sự kiện này; đặc biệt, đến dự buổi gặp mặt có sự tham gia của lãnh đạo 112 cơ quan thông tấn, báo chí đại diện cho đội ngũ báo chí cả nước.
Phát biểu chào mừng buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Hiện nay, cả nước có 849 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm; 66 Đài Phát thanh - Truyền hình với hơn 100 kênh truyền hình, hơn 90 kênh phát thanh trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài phát tại Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, chúng ta có hệ thống truyền dẫn phát thanh truyền hình đa dạng: Analog, cáp, vệ tinh, số mặt đất và mạng Internet. Cả nước hiện có 98 báo chí điện tử, 250 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí, hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp.
Đồng chí Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - điểm lại quá trình phát triển của nền báo chí Việt Nam và nhận xét hoạt động báo chí trong nước hiện nay.
Tương ứng với hệ thống báo chí nêu trên, đội ngũ những người làm báo Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh. Hiện có hơn 3 vạn người đang làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó có hơn 20.000 trực tiếp là phóng viên, biên tập viên, 18.000 người đã được cấp thẻ nhà báo; hơn 95% những người làm báo có trình độ đại học, trên đại học. Không chỉ năng lực nghiệp vụ mà phẩm chất chính trị, đạo đức cũng ngày càng được nâng cao.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước đang chịu nhiều tác động bởi truyền thông, số hóa, sự bùng nổ thông tin đòi hỏi các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, những người làm báo Việt Nam hơn lúc nào hết cần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trau dồi nghiệp vụ và đạo đức, đấu tranh với các luận điệu sai trái, định hướng dư luận xã hội, giới thiệu quảng bá điển hình tiên tiến trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nghiêm khắc với hạn chế, yếu kém của chính mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Tại buổi gặp mặt, đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của nhà báo lão thành Hữu Thọ; Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi trẻ, VietNamNet… Các ý kiến phát biểu tập trung vào một số nội dung như: truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam; đạo đức người làm báo trong thời đại bùng nổ thông tin; Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Luật Báo chí; Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các cơ quan quản lý báo chí nghe những kiến nghị, đề xuất từ lãnh đạo các báo
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự phát triển của báo chí nước nhà: “Báo chí nói chung và đội ngũ làm báo đã lớn mạnh, trưởng thành, cả về trình độ chính trị, ý thức chính trị, cả về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ công nghệ, trong điều kiện phải hội nhập nhanh với thế giới. Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, đánh giá cao đóng góp, nỗ lực của báo chí vào thành tựu chung của đất nước”.
Nhà báo lão thành Hữu Thọ nói về vấn đề đạo đức người làm báo
Một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được quan tâm, mong chờ nhất hiện nay là vấn đề liên quan đến Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục đích của Quy hoạch là để báo chí làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, để báo chí phát triển nhanh và vững chắc hơn. Quy hoạch đã được lấy ý kiến địa phương, bộ, ngành, các cơ quan báo chí và đã 03 lần trình xin ý kiến Bộ chính trị, sau đó trình lên Trung ương. Kết luận của Trung ương về cơ bản đồng tình với Đề án và giao Chính phủ triển khai phê duyệt Quy hoạch.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần là chấp hành chủ trương của Trung ương để báo chí làm tốt nhiệm vụ, chức năng, phát triển tốt hơn, đội ngũ người làm báo phát huy tốt hơn. Hiện có 35.000 người làm báo, 18.000 nhà báo. Khi sắp xếp, không thể đẩy họ ra đường. Mong các đồng chí vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp”.
Thủ tướng trao quà tặng là những chiếc bút tới các nhà báo lão thành
Thủ tướng cũng đã tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo các báo. Chẳng hạn, về hạn chế trong cung cấp thông tin cho báo chí, đúng là hiện nay còn chậm, như vấn đề biển đảo, chủ quyền quốc gia. Thủ tướng chỉ đạo: để đảm bảo thông tin vừa nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, vừa đảm bảo yêu cầu chính trị đối ngoại thì rất khó, nhưng phải cố gắng cao nhất để thực hiện.
Hoặc về vấn đề đưa báo tới nhân dân vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có chương trình tài trợ đưa báo về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Chính phủ đã giao Bộ TT&TT và Ủy ban Dân tộc đánh giá lại chương trình đã triển khai thời gian qua để tiếp tục thực hiện chương trình đưa báo tới người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh cùng Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý: “Trong bối cảnh mới, báo chí phải hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh rất gay gắt, kinh phí Nhà nước không thể bao cấp. Báo chí vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa phải có thu nhập để tồn tại, phát triển. Các đồng chí cần suy nghĩ, đề xuất giải pháp để báo chí vừa thực hiện được vai trò, chức năng báo chí cách mạng, tuyên truyền thông tin định hướng đường lối chính sách của Đảng, vừa có nguồn thu, thu nhập. Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí, vừa phải đảm bảo quyền tự do báo chí, ngôn luận của người dân”.
Minh Thiện