Diễn đàn

Bảo đảm độc lập công nghệ thông qua việc làm chủ công nghệ lõi

Trường Thanh 15/04/2025 09:11

Khi các cường quốc trên thế giới bắt đầu bảo vệ chủ quyền lượng tử, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Việt Nam cần bảo đảm được sự độc lập công nghệ thông qua việc làm chủ công nghệ lõi.

Công nghệ lượng tử là một trong những công nghệ chiến lược mà Việt Nam cần ưu tiên đầu tư

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo "100 năm khoa học và công nghệ lượng tử" (chiều 14/4), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cho biết, năm 2025, đúng 100 năm sau sự ra đời của những công trình khoa học đầu tiên về cơ học lượng tử, nhằm nâng cao nhận thức của toàn nhân loại về vai trò và tầm quan trọng của khoa học lượng tử trong mọi mặt của cuộc sống, Liên hợp quốc (UN) tuyên bố là Năm quốc tế về KH&CN lượng tử - International Year of Quantum Science and Technology.

dsc_0531(1).jpg
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn từ cuộc Cách mạng công nghệ lượng tử.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong cuộc Cách mạng công nghệ lượng tử. Chuyển đổi công nghệ thành công sẽ định hình lại căn bản mọi khía cạnh, từ cách thức bảo mật dữ liệu cho đến toàn bộ quá trình khám phá thế giới xung quanh.

Khi các cường quốc trên thế giới bắt đầu bảo vệ chủ quyền lượng tử của họ thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế nghiên cứu, Việt Nam cần bảo đảm được sự độc lập công nghệ thông qua việc làm chủ công nghệ lõi.

“Tính cấp bách của vấn đề này không thể bị đánh giá thấp. Đây không phải là một viễn cảnh xa vời mà là một thực tế hiện hữu, đòi hỏi cần phải có một chiến lược hành động tổng thể ngay lập tức”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, KH&CN lượng tử ở Việt Nam hiện nay cũng giống như công nghệ thông tin (CNTT) trước đây, nếu không có những người tiên phong, nhưng đơn vị nghiên cứu và đào tạo về CNTT thì chúng ta sẽ không thể có được đội ngũ, đơn vị CNTT phát triển như hiện nay.

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã nêu rõ: Công nghệ lượng tử là một trong những công nghệ chiến lược mà Việt Nam cần ưu tiên đầu tư.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một đơn vị, tổ chức nào đầu tư nghiên cứu, đào tạo về công nghệ lượng tử. Vì vậy, chúng ta cần phải bắt đầu, Bộ KH&CN sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức thành lập các đơn vị nghiên cứu và đào tạo cơ bản về công nghệ lượng tử.

Các trường đại học và viện nghiên cứu cần sớm thành lập những nhóm nghiên cứu, kết nối chuyên gia, đề xuất đề tài nghiên cứu, xây dựng đề án đầu tư các phòng nghiên cứu phục vụ đào tạo cơ bản về công nghệ lượng tử để Bộ KH&CN có thể hỗ trợ cả về đào tạo lẫn nghiên cứu phát triển.

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, chúng ta sẽ từng bước tiếp cận công nghệ này theo các hướng ưu tiên ban đầu là mật mã hậu lượng tử, tiếp theo là truyền thông lượng tử và máy tính lượng tử. Do đó, sẽ cần có thời gian nhiều hơn và từng bước tiếp cận.

dsc_0541.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Nâng cao nhận thức về vai trò và tiềm năng của KH&CN lượng tử

Nhân dịp năm 2025 được Liên hợp quốc chọn là Năm Quốc tế về KH&CN lượng tử, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN (VNU-HUS) tổ chức khóa học ngắn và hội thảo "100 năm Khoa học và Công nghệ lượng tử", diễn ra từ 10 -14/4/2025 tại VIASM, Hà Nội.

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tiềm năng của KH&CN lượng tử trong thế kỷ 21, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn như điện toán, bảo mật và cảm biến lượng tử. Đồng thời, sự kiện đặt mục tiêu định hình chiến lược phát triển năng lực quốc gia trong lĩnh vực công nghệ lượng tử.

Sự kiện còn là cơ hội để kết nối các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách, cung cấp kiến thức nền tảng và cập nhật từ các nhà khoa học công nghệ lượng tử hàng đầu, khơi dậy cảm hứng và tạo động lực học tập, nghiên cứu cho thế hệ trẻ.

dsc_0548(1).jpg
Thứ trưởng Bùi Thế Duy chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời, chuyên gia, nhà khoa học.

Trong đó, khóa học ngắn "100 năm khoa học và công nghệ lượng tử", tập trung vào việc lập trình trực tiếp một thuật toán lượng tử quan trọng có tên là Grover Search. Thuật toán này tận dụng các hiện tượng lượng tử như chồng chập và vướng víu lượng tử để khám phá nhiều giải pháp cùng lúc.

Đồng thời, thuật toán cho phép tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu không được sắp xếp nhanh hơn rất nhiều (quadratic speedup) so với bất kỳ thuật toán cổ điển nào. Sự tăng tốc này mang lại những lợi ích đáng kể trong các ứng dụng như mật mã và tối ưu hóa, nơi khả năng tìm kiếm nhanh chóng có thể dẫn đến hiệu quả tính toán vượt trội.

Khoá học đã thu hút hơn 50 học viên tham dự, bao gồm từ học sinh cấp 3, sinh viên, các nhà nghiên cứu, tới các nhà đầu tư đến từ doanh nghiệp.

Chỉ trong 2,5 ngày, các học viên được giới thiệu các nền tảng căn bản của tính toán lượng tử, tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất nhằm mục tiêu lập trình được thuật toán Grover. Sử dụng nền tảng giáo dục của QWorld, các học viên trực tiếp sử dụng phần mềm giả lập Qiskit và làm quen với các khái niệm như cổng Hadamard, cổng 2 qubit, hoặc thuật toán khuếch đại biên độ.

Hội thảo "100 năm khoa học và công nghệ lượng tử" kỷ niệm 100 năm ngày Heisenberg công bố công trình về hệ thức bất định trong cơ học lượng tử, qua đó cộng đồng công nhận năm 1925 là năm khai sinh của vật lý lượng tử.

Tại sự kiện, các chuyên gia đã cung cấp bức tranh toàn diện về lĩnh vực công nghệ lượng tử bao gồm: Tổng quan bức tranh công nghệ lượng tử toàn cầu; Bối cảnh công nghệ truyền thông lượng tử; Cộng đồng lượng tử toàn cầu; Cộng đồng lượng tử châu Á và Đông Nam Á; Bối cảnh công nghệ tính toán lượng tử toàn cầu; Công nghệ lượng tử với an toàn thông tin…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm độc lập công nghệ thông qua việc làm chủ công nghệ lõi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO