Đời sống xã hội

Báo động nguy cơ cháy nổ tàu cá

Khánh Huyền 11/12/2023 16:12

Đã có nhiều vụ cháy tàu cá xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thiệt hại về tài sản của người dân rất lớn. Mới đây nhất ngày 7/12, tại Bình Thuận đã xảy ra vụ cháy thiêu rụi 11 tàu cá, tổng thiệt hại lên tới vài chục tỷ đồng.

Cháy 11 tàu cá ở Bình Thuận

Ngày 10/12, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy xảy ra tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết vào ngày 7/12 vừa qua.

433-202312101914421.jpg
Vụ cháy tàu cháy tàu cá tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể là khoảng 14h30 ngày 7/12, nhóm thợ của Công ty TNHH Sửa chữa đóng tàu Phan Thiết trong lúc hàn pô tàu BTh 99897 TS đã để bắn muội xỉ hàn vào dầu dưới hầm máy làm lửa bốc cháy. Các thợ hàn xịt nước nhưng lửa không tắt, cùng lúc này có gió mạnh nên cháy lan sang nhiều tàu cá đang đậu cạnh đó.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Thuận đã điều hàng chục xe chữa cháy đến hiện trường. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận cũng huy động hàng chục chiến sĩ đến phối hợp với cảnh sát chữa cháy, công an địa phương khống chế ngọn lửa.

Nhưng cho đến khi ngọn lửa được khống chế đã có 11 tàu cá bị cháy hoàn toàn trong vụ hỏa hoạn này. Các chủ tàu cá bị cháy cho biết trị giá mỗi chiếc khoảng 3,7 tỉ đồng (tổng thiệt hại ban đầu hơn 40 tỉ đồng).

Các ghe tàu bị cháy đều thuộc loại lớn, có chiều dài từ 17 - 22m, công suất từ 360 - 730CV.

Trong công văn, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND TP Phan Thiết khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại vụ cháy tàu, để điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, phương tiện, phân công lực lượng trong công tác tổ chức chữa cháy vừa qua để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Nhiều vụ cháy tàu gây thiệt hại tài sản người dân

Trước đó đã có nhiều vụ cháy tàu cá xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thiệt hại về tài sản của người dân rất lớn. Khoảng 17h ngày 2/8, một tàu du lịch đang hành trình từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sang Hải Phòng thì bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Cụ thể, một tàu du lịch đang đi chuyển đến khu vực xã Phù Long (huyện Cát Hải, Hải Phòng) thì phần đuôi tàu bị bốc cháy. Ngay lập tức, thuỷ thủ trên tàu đã sử dụng bình chữa cháy nhưng không thể xử lý được nên thuyền trưởng đã đánh lái vào bờ khu vực rừng phòng hộ ở Đầu Chu (xã Phù Long, huyện Cát Hải, Hải Phòng).

Nhận được thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hải Phòng đã điều động tàu, xuồng và cán bộ chiến sỹ đến chữa cháy. Được biết, khi xảy ra cháy, trên tàu có 6 thuyền viên đã kịp thời nhảy xuống nước và được các lực lượng cứu vớt an toàn.

tr3-1.jpg
Tàu CSB 4036 và tàu SAR 411 tham gia chữa cháy tàu cá bị nạn. Ảnh: Đức Tĩnh.

Một vụ cháy khác ở Nghệ An xảy ra khiến 5 tàu cá bị cháy vào đêm 28/7/2023. Cụ thể, vào khoảng 19h30 ngày 28/7, trong lúc đang neo đậu tại cảng cá Lạch Quèn xã Quỳnh Thuận thì tàu cá NA-99699-TS của ông Bùi Xuân Xin trú tại xã Quỳnh Long bất ngờ bốc cháy. Sau đó, tàu cá này trôi theo dòng chảy làm ngọn lửa lây lan sang 4 tàu khác đang neo đậu gần đó. Vụ cháy ước tính thiệt hại ban đầu hơn 20 tỷ đồng.

Sau thời gian xác minh, nguyên nhân ban đầu gây ra vụ cháy 5 tàu cá tại Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu trong tối 28/7, được cơ quan chức năng xác định là do chập điện trên tàu cá.

Danh sách 5 tàu bị cháy: Tàu cá NA-99699-TS của chủ tàu Bùi Xuân Xin ở xã Quỳnh Long; Tàu cá NA-97777-TS của chủ tàu Hồ Đình Việt ở xã Sơn Hải; Tàu cá NA-99919-TS của chủ tàu Đào Xuân Thắng ở xã Sơn Hải; Tàu cá NA-95656-TS của chủ tàu Trần Văn Đoàn ở xã Sơn Hải; Tàu cá NA-90636-TS của chủ tàu Trần Văn Tấn ở xã Quỳnh Long. MTTQ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã hỗ trợ cho mỗi gia đình có tàu cá bị cháy là 20 triệu đồng/1 tàu cá. Số tiền này được trích từ Quỹ cứu trợ của huyện.

Một vụ cháy khác xảy ra vào khoảng 21h đêm 27/1, hai tàu cá bị cháy mang số hiệu QNg 92808 TS (của ông Tạ Đình Trọng trú tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) và QNg 98804 TS (của ông Huỳnh Toàn trú tại xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), 2 tàu cá đang neo đậu ở Âu thuyền Thọ Quang.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, ca nô chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, phối hợp cùng lực lượng Biên phòng, nhanh chóng khống chế dập lửa, không cho lây lan sang hàng chục tàu cá khác. Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, có khoảng hơn 100 tàu cá đang neo đậu gần 2 tàu cá nói trên.

Báo động về nguy cơ cháy nổ tàu cá

Theo thông tin từ Báo Đà Nẵng, Thượng tá Lê Hồng Tư, Phó trưởng phòng Hướng dẫn về chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Đà Nẵng - PCCC) thông tin, khi Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc phòng này kiểm tra các tàu cá công suất 90 CV trở lên trên địa bàn quận Sơn Trà thì hầu hết các tàu đều thiếu hoặc không sử dụng được phương tiện chữa cháy, kiến thức về chữa cháy của thuyền viên rất yếu…

Trước đó, từ cuối tháng 5, tháng 6, Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ trên sông phối hợp với UBND quận Sơn Trà, Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, đồn Biên phòng và Quận Đội Sơn Trà tiến hành kiểm tra công tác PCCC của các tàu cá có công suất 90 CV trở lên trên địa bàn quận Sơn Trà. “Hầu hết các tàu không trang bị bình chữa cháy, có 10/64 chiếc có trang bị trên tàu 1-2 bình chữa cháy nhưng hầu như các bình này đã bị rỉ sét, hết khí trong bình và không sử dụng được”, Thượng tá Lê Hồng Tư cho biết.

Trong khi đó, các tàu đánh bắt cá xa bờ thường đi dài ngày (từ 7 - 15 ngày trở lên) nên trữ một lượng lớn các chất dễ cháy trên tàu như dầu, bình gas, ngư lưới cụ, thùng xốp… Trong khoang chứa của các tàu đều chứa một lượng lớn dầu diezel (phụ thuộc công suất của tàu), 2 - 5 bình gas, máy phát điện, bình acquy, chưa kể mạng lưới điện được đấu nối chằng chịt trong diện tích khoang tàu từ 14 - 16m2 nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Thế nhưng khi trao đổi với ngư dân, hầu như bà con chú tâm nhiều vào chuyện chuyến đi biển ấy đánh bắt có nhiều không, giá cá về bến thế nào, thu nhập của anh em thuyền viên được chừng nào… hơn là chuyện an toàn khi lao động trên biển.

Qua đợt kiểm tra về công tác PCCC trên các tàu cá, mới thấy bà con ngư dân còn thờ ơ với sinh mạng của chính mình, khi bỏ qua một biện pháp phòng tránh và xử lý khi có khả năng cháy xảy ra. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu các chủ tàu trang bị dụng cụ PCCC trên tàu theo đúng quy định; đồng thời nhắc nhở, chỉ rõ cho các chủ tàu thấy nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ và hướng dẫn công tác PCCC như cách sử dụng bình khí CO2 khi xảy ra cháy trên tàu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các ngư dân, giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Theo Thượng tá Lê Hồng Tư, nếu xảy ra cháy nổ trên tàu cá, thiệt hại về người và của là rất lớn; nhất là với hàng loạt tàu thường neo đậu san sát trên sông Hàn.

Theo một cán bộ BĐBP, phần lớn các tàu cá có công suất lớn, hoạt động dài ngày trên biển phải mang theo lượng ngư lưới cụ lớn. Cùng với đó, số thuyền viên đông, buộc các phương tiện hành nghề phải mang theo lượng thực phẩm và đồ sinh hoạt cá nhân khá nhiều. Để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt, khai thác thủy sản trên biển, nhiều chủ tàu cá đã tự đấu nối hệ thống điện, lắp đặt bếp ga ở các khu vực khác nhau trên tàu. Tùy theo công suất, mỗi tàu cá đều còn chở theo hàng nghìn lít dầu diezel và nhiều bình gas trong quá trình đánh bắt trên biển. Những yếu tố trên là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ cháy, nổ trên các tàu cá trong thời gian qua./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo động nguy cơ cháy nổ tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO