Số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau...
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Bạo lực học đường - Ba mẹ đang ở đâu?” do MESSY BOOKS và Trung tâm sức khỏe gia đình và Phát triển công đồng- CFC Việt Nam tổ chức mới đây, chuyên viên tư vấn học đường Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng - CFC Việt Nam Hoàng Anh... đã chia sẻ cùng độc giả những vấn đề về bạo lực học đường dưới góc độ gia đình. Các chia sẻ cũng đã giúp cho ba mẹ có thể hiểu hơn về diễn biến tâm lý của con, từ đó có biện pháp đúng đắn, cách thức phù hợp để đồng hành cùng con, cho dù con mình là người bị bắt nạt hay đi bắt nạt bé khác, giúp các bé có thể phát triển, trưởng thành cả về thể chất và tâm lý, thành những công dân tốt, những con người hòa bình trong tương lai.
Theo các chuyên gia: “Sự quan tâm và giáo dục của gia đình chính là yếu tố then chốt cho sự phát triển tính cách và nhận thức của trẻ”.
Nhân dịp này, Chương trình cũng đã ra mắt cuốn sách "Marion - Mãi mãi tuổi 13" - cuốn sách gây chấn động nước Pháp về nạn bạo lực học đường. Cuốn sách là câu chuyện của một người mẹ viết về cái chết của cô con gái bé bỏng mới 13 tuổi - Marion.
Sách khắc họa chi tiết nỗi đau khổ của người mẹ khi chứng kiến cảnh con gái mình tự tử vì bạo hành tại trường học. Những tháng ngày cô cố gắng tìm câu trả lời cho cái chết của Marion, cũng là khoảng thời gian cô phải chịu đựng sự xa lánh của các gia đình khác và giáo viên trong trường. Gia đình cô phải chịu những tin đồn vô căn cứ xung quanh việc tử tự của con gái. Nhưng người mẹ ấy không chọn cách bỏ cuộc, vì đứa con thân yêu và vì hàng vạn những em nhỏ ngoài kia, với mong muốn ngăn chặn nỗi đau do bạo lực học đường gây ra. Người mẹ đau khổ mà can đảm ấy không chỉ đấu tranh cho gia đình mình mà còn đấu tranh vì rất nhiều gia đình khác nữa. Trên tất cả, không thứ gì có thể ngăn cản tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con của mình, cho dù đứa con ấy còn sống hay đã mất.
Cuốn sách không chỉ là nỗi đau bàng hoàng mất con mà còn là cuộc chiến của người mẹ tìm lại công lý cho con gái mình. Cuốn sách gây tiếng vang lớn tại Pháp năm 2015, mở ra cuộc chiến đấu của những phụ huynh cũng chịu chung nỗi đau âm ỉ - có con cái bị quấy rối.