Bảo vệ môi trường khi khai thác, chế biến khoáng sản

TC| 30/10/2022 11:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Một số các giải pháp giúp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn khi vận hành hồ, đập để khai thác quặng đuôi đã được đưa ra, như tái sử dụng chất thải mỏ, tái sử dụng nước thải; tái sử dụng chất thải rắn...

Theo kết quả điều tra, thống kê của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cả nước có 16 tỉnh, thành phố có hồ chứa quặng đuôi đang hoạt động. Phần lớn các hồ, đập chứa quặng đuôi nằm ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai. Tổng cộng, có khoảng 120 hồ chứa quặng đuôi đang hoạt động ở nước ta.

Các hồ chứa có dung tích đa dạng, từ vài chục nghìn đến hàng triệu m3. Quy mô dung tích tuỳ thuộc vào công suất khai thác mỏ. Trong số 120 hồ chứa quặng đuổi, có 10 hồ có dung tích trên 1 triệu m3. Ngoài ra, 38% các đập khảo sát được xây dựng bằng đất, 32% sử dụng kết hợp các vật liệu như đất, đá, bê tông. Số lượng các đập xây bằng bê tông chỉ chiếm 5% và các đập xây bằng đá hộc chiếm 3%. Có 20 trong số 120 đập chắn được nâng chiều cao nhưng 70% đập được nâng chiều cao không lập phương án thiết kế. 39% doanh nghiệp không lập kế hoạch vận hành, bảo trì đập và hồ chứa trong quá trình sản xuất.

Thực tế cho thấy, có nhiều sự cố về an toàn lao động và môi trường xảy ra trong quá trình vận hành hồ, đập chứa quặng đuôi. Đáng lưu ý, doanh nghiệp, cơ quan quản lý gần như đều bị động khi xảy ra sự cố, không phân định rõ trách nhiệm quản lý và cũng không có phương án kịp thời chủ động ứng phó sự cố.

Nhằm nâng cao ý thức cũng như giải quyết một số vấn đề trong khai thác quặng đuôi, mới đây, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, đã tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường trong quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản”. Các vấn đề về khai thác an toàn quặng đuôi cũng như sự cố xảy ra, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý an toàn các hồ chứa quặng đuôi đã được đưa ra bàn thảo.

Một số các giải pháp giúp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn khi vận hành hồ, đập để khai thác quặng đuôi đã được đưa ra, như tái sử dụng chất thải mỏ, tái sử dụng nước thải; tái sử dụng chất thải rắn. Nước thải đã qua xử lý được tái sử dụng vào các dây chuyền sản xuất. Sau khi xử lý, nguồn nước tái sử dụng có thể phục vụ chủ yếu cho công tác sàng tuyển, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị.

Các giải pháp xử lý nước thải sản xuất nhà máy tuyển và các loại chất thải rắn như đất đá thải cũng được các chuyên gia chia sẻ. Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh đến yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế hồ thải, như xem xét bố trí xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc trong quá trình vận xây dựng để theo dõi; giám sát chất lượng thi công; bố trí các thiết bị theo dõi, đo đạc, kiểm soát chất lượng công tác xây dựng, kiểm soát hoạt động dịch chuyển và biến dạng lún đập thải, độ lỗ rỗng thân đập…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường khi khai thác, chế biến khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO