Dịch Covid-19 đang gieo rắc nỗi sợ hãi lên mọi mặt của đời sống xã hội. Sức khỏe bị đe dọa, mất việc làm hàng loạt và lệnh cách ly toàn xã hội khiến dân số trên toàn thế giới rơi vào cảnh hoảng loạn, lo sợ.
Đối với dân văn phòng, đại dịch còn khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn khi công việc của phần đông đều bị ảnh hưởng. Tình trạng mất việc làm khiến không ít người rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cung cách hoạt động, từ trực tiếp sang trực tuyến cũng khiến phần đông dân công sở phải tập làm quen lại từ đầu với nhịp sống mới. Điều này tạo ra không ít xáo trộn.
Sự xáo trộn và căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mất ngủ. Và như một vòng luẩn quẩn, khi không được nghỉ ngơi một cách đầy đủ, dân công sở lại kém tập trung, căng thẳng và năng suất làm việc giảm đi.
Vậy làm cách nào để có thể có được một giấc ngủ sâu, êm ái, hồi phục năng lượng cho một ngày mới hứng khởi và hiệu suất. Dưới đây là một số mẹo rất đơn giản mà dân công sở có thể áp dụng:
1. Giảm căng thẳng và giữ bình tĩnh
Thật sự không hề dễ dàng gì để có thể duy trì được trạng thái tĩnh tại trong thời điểm này; tuy nhiên, lo lắng và căng thẳng vốn chẳng giải quyết được vấn đề nên bình tĩnh là giải pháp hữu hiệu nhất.
Các biện pháp như thiền, tập luyện thể dục thể thao, trò chuyện với người thân trong gia đình, viết nhật ký đều đặn mỗi ngày chính là cách giúp chúng ta thoát khỏi những căng thẳng ở thời điểm hiện tại và dễ dàng say giấc hơn.
2. Hạn chế sử dụng caffeine
Trà hay cà phê là những thứ thức uống cần có đối với phần đông dân công sở để có thể duy trì năng lượng và tập trung tinh thần cho một ngày làm việc hứng khởi và năng suất. Tuy nhiên, chúng cũng là kẻ thù của giấc ngủ và chúng ta buộc phải hạn chế nếu muốn có một giấc ngủ sâu cũng như chất lượng.
Hạn chế sử dụng caffeine sau buổi trưa. Nếu cảm thấy khó có thể tỉnh táo và tập trung, hãy thay cà phê bằng một cốc nước lọc, Ngoài ra, chúng ta có thể đứng dậy và đi lại trong nhà hoặc tập một vài động tác thể dục nhẹ nhàng. Trong trường hợp cần thiết, hãy thử một vài ngụm trà thảo mộc chiết xuất từ gừng hoặc hạt tiêu.
3. Tắt điện thoại, máy tính
Giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, ai cũng muốn theo dõi tin tức sát sao để không bị bỏ lẽ bất kỳ một thông tin quan trọng nào. Tuy nhiên, ánh sáng xanh từ màn hình của các thiết bị điện tử lại làm gián đoạn quá trình sản xuất melatonin - một loại hormone cần thiết cho việc ngủ.
Hơn nữa, quá nhiều luồng thông tin, nhất là những tin tức tiêu cực chưa được xác minh cũng dễ khiến chúng ta phân tâm, thậm chí bấn loạn và sợ hãi. Điều này càng có tác động xấu đến giấc ngủ của chúng ta nhiều hơn. Do đó, thay vì cứ dán mắt vào màn hình điện thoại, hãy thử đọc một cuốn sách, tô màu hoặc đan len để cảm thấy thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
4. Tạo lộ trình ngủ
Thói quen chính là thứ khiến chúng ta làm mọi việc một cách tự giác và có kế hoạch hơn và việc ngủ cũng tương tự như vậy. Do đó, hãy tạo cho bản thân một thời gian biểu đi các hoạt động trước giờ đi ngủ để tạo nhịp điệu sinh học cho cơ thể.
Ví dụ, trước giờ ngủ 30 phút, chúng ta phải tắt các thiết bị di động, uống một cốc nước lọc ấm và rồi đọc sách. Thói quen tốt này sẽ khiến việc chìm vào giấc ngủ trở nên dễ dàng hơn.
5. Nói không với rượu bia trước giờ đi ngủ
Nhiều người sử dụng thức uống có cồn để thư giãn và cho rằng khi say chúng ta sẽ dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn chưa chính xác bởi thực chất chúng ta sẽ khó ngủ hơn khi đang say.
6. Không gian, nhiệt độ và sự thoải mái
Melatonin - một loại hormone cần thiết cho việc ngủ sẽ được kích thích trong điều kiện thiếu ánh sáng. Do đó, phòng ngủ càng tối sẽ càng khiến chúng ta dễ say giấc hơn.
Bên cạnh đó, nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến việc ngủ cho nên hãy duy trì một mức nhiệt vừa phải, không quá nóng cũng chẳng quá lạnh để có thể dễ dàng ngủ ngon hơn. Cuối cùng, hãy đảm bảo chúng ta cảm thấy thoải mái trên chiếc giường của mình trong một không gian yên tĩnh nhất có thể.