Bộ TT&TT triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc phòng, chống COVID-19

Lan Phương| 11/09/2021 21:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 11/9 và nhấn mạnh thúc đẩy ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng giao Bộ TT&TT chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư.

Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân và giao Bộ TT&TT chỉ đạo việc trang bị ngay điện thoại bàn tại các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch các cấp.

Thủ tướng nêu rõ phương châm truyền thông với mục tiêu "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm". Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh đẩy mạnh truyền thông lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm. "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân". Thủ tướng cũng yêu cầu phải quán triệt tư tưởng này tới toàn hệ thống chính trị và từng người dân.

Thủ tướng giao Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài truyền hình, phát thanh địa phương, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng tăng dung lượng tin bài, thời lượng phát sóng với nội dung phổ biến kiến thức khoa học về phòng chống dịch và hướng dẫn về phòng bệnh, điều trị bệnh cho người dân, các mô hình hay, cách làm tốt…

Theo Bộ TT&TT, trong những ngày qua, việc triển khai công nghệ phòng chống dịch tiếp tục được đẩy mạnh tại các tỉnh/thành phố.

Cụ thể, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả theo phương thức điện tử được triển khai tại một số tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Phú Yên… và đã xây dựng kế hoạch triển khai tại Trà Vinh, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam.

Về nền tảng hỗ trợ tiêm chủng, Bộ TT&TT đã làm việc để triển khai tại địa bàn Quận 7, TP. HCM; đôn đốc Tập đoàn Viettel hỗ trợ các địa phương cập nhật dữ liệu tiêm chủng và khắc phục các lỗi chức năng; triển khai tại một số tỉnh Hậu Giang, Kon Tum, Đắk Lắk.

Về nền tảng quản lý xét nghiệm, vướng mắc hỗ trợ kỹ thuật đã được giải đáp cho các tỉnh đang triển khai như Hà Nội, Quảng Bình, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Phước.

Nền tảng khai báo y tế đang được triển khai tại Quảng Ngãi, Phú Yên. Nền tảng hỗ trợ truy vết đã thống nhất triển khai tại Quảng Ngãi.

Bộ TT&TT cũng đã làm việc với TP. HCM về công nghệ chống dịch, Sở TT&TT TP. Đà Nẵng về việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại Đà Nẵng, bàn phương án cấp thẻ xanh, vàng, đỏ phục vụ sinh hoạt và làm việc trong thời kỳ mới với phương án kết nối với dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm.

Về nền tảng quản lý ra vào bằng mã QR, Bộ TT&TT đã xây dựng tiêu chuẩn chung, thống nhất toàn quốc cho QR cá nhân, nền tảng xét nghiệm; xây dựng hệ thống quản lý QR cá nhân quốc gia, Hoàn thiện hệ thống quản lý chốt kiểm soát dịch; thiết kế hệ thống cấp giấy đi đường không tiếp xúc.

Bộ TT&TT đã demo tính năng giấy đi đường trên Bluezone cho Phú Yên, Đồng Nai, Trà Vinh triển khai áp dụng giải pháp quản lý thông tin người vào ra bằng mã vuông QR Code tại trụ sở cơ quan, địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người; Đà Nẵng hỗ trợ tích hợp dữ liệu quét QR từ ứng dụng Bluezone.

Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương triển khai tốt các nền tảng công nghệ phòng chống dịch, hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả theo phương thức điện tử; hỗ trợ tiêm chủng; quản lý xét nghiệm; khai báo y tế; hỗ trợ truy vết; quản lý ra vào bằng mã QR.

Hôm nay 11/9, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ truy vết F0 cùng một chiến lược bình thường mới với các module bao gồm: Xét nghiệm chốt chặn, Ghi nhận tiếp xúc gần, Kiểm soát vào ra bằng mã QR và Truy vết thần tốc. Chiến lược này được xem như cánh cửa để mở ra giai đoạn "bình thường mới" trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, mà chìa khóa là công nghệ.

Theo đó, mỗi người dân đều có một mã QR cá nhân. Việc ra vào các nơi như cơ quan, công sở, quán ăn, nhà hàng hay các tụ điểm công cộng… đều được kiểm soát bằng mã QR này. Các tiếp xúc gần của từng người cũng được ghi nhận bởi ứng dụng Bluezone trên điện thoại. Tất cả được mã hóa và lưu lại trên hệ thống của Nền tảng hỗ trợ truy vết F0.

Cùng với đó, xét nghiệm chốt chặn tại các bệnh viện trở thành điều kiện bắt buộc khi người dân có biểu hiện ho, sốt và đến khám tại các cơ sở y tế. Dữ liệu xét nghiệm của mỗi người đều được cập nhật lên hệ thống truy vết. Khi phát hiện F0, hệ thống sẽ lập tức tự tìm ra F0 này đã tiếp xúc với những ai, đã đến mốc dịch tễ (nơi F0 từng đến) nào, tại mốc dịch tễ đó có những ai từng có mặt… rồi tự động chuyển những thông tin này về đội truy vết tại các địa phương liên quan.

Quy trình này chỉ mất vài chục giây và hoàn toàn tự động thay vì các nhân viên y tế mất thời gian gọi điện thông báo đến các nơi một cách thủ công. Đối mặt với COVID-19, làm chủ thời gian chính là điều kiện tiên quyết để dập tắt mầm mống của dịch bệnh.

Triển khai công nghệ cho người dân phải đơn giản, dễ dùng

Mới đây, chia sẻ về thúc đẩy ứng dụng công nghệ chống dịch COVID-19, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT cho biết trong quá trình công tác 2 tháng vừa qua tại TP. HCM cho thấy việc triển khai ứng dụng công nghệ cho tất cả người dân thì phải rất đơn giản, dễ dùng, đáp ứng được tất cả các yêu cầu nghiệp vụ. Đây là vấn đề mà các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ số cần phải quan tâm để mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất.

Ông Đỗ Công Anh cũng cho biết khi triển khai nền tảng rộng cho người dân thì cần phải có niềm tin, nhận thức đúng về vai trò của công nghệ. Các nền tảng, công cụ công nghệ chống dịch đưa ra trong khoảng thời gian ngắn nên chưa đạt được đến sự hoàn thiện nhất định, do đó, chưa có sự tin tưởng hoàn toàn, một số nơi còn dè dặt áp dụng. Đây là rào cản mà Cục Tin học hoá cố gắng vượt qua và đã đạt thành công nhất định tại một số địa phương. Hiện Cục đang tiếp tục nỗ lực triển khai nền tảng bắt buộc dùng chung cho toàn quốc.

"Có dùng chung thì mới triển khai nhanh, rộng được, giữ được dữ liệu", Cục trưởng Cục Tin học hoá cho hay.

Cũng theo Cục trưởng Cục Tin học hoá, thời gian qua, diễn biến dịch rất nhanh, thời gian đưa ứng dụng, giải pháp công nghệ vào sử dụng cũng rất nhanh, cùng với đó lực lượng hỗ trợ triển khai giải pháp toàn quốc với nguồn lực của nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ khác nhau nên còn hiện tượng một vài ứng dụng khác nhau gây nhầm lẫn cho người dân ở các địa phương áp dụng. Vì vậy, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia đã cố gắng hợp nhất, liên thông được dữ liệu và giải quyết được các vấn đề này.

Triển khai ứng dụng cho ngành nào thì không thể thiếu được sự phối hợp chặt chẽ giữa lĩnh vực công nghệ và ngành dọc. Ví dụ, trong thời gian qua, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia hoạt động tích cực cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành ở cấp Trung ương là Bộ Y tế và Bộ TT&TT và các đơn vị phòng chống COVID cùng với sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, qua đó hình thành được mạng lưới công nghệ thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Lực lượng đoàn thanh niên cũng đã tích cực tham gia triển khai, hỗ trợ các cán bộ ngành Y các nghiệp vụ nên đã thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ phòng chống dịch.

Bộ TT&TT triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc phòng, chống COVID-19 - Ảnh 1.

"Triển khai thành công, hiệu quả các công cụ, nền tảng công nghệ này không chỉ có ý nghĩa giúp người dân, địa phương chống dịch bệnh, đưa xã hội sớm trở lại bình thường mà chính đây là các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. COVID-19 là cú huých đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số này. Chính nền tảng công nghệ triển khai chống dịch cho người dân trong thời gian vừa qua sẽ góp phần đặt nền móng phát triển thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nâng cao nhận thức của người dân. Người dân đang mong dùng QR Code để kiểm tra, check in trước khi vào những địa điểm công cộng và sau này sẽ dùng QR Code để làm các dịch vụ công và dùng QR code để thanh toán", ông Đỗ Công Anh chia sẻ.

Ông Đỗ Công Anh cũng cho biết đây cũng là nỗ lực của giới công nghệ đang trợ giúp Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia và mong muốn các đồng nghiệp ở các DN công nghệ cùng triển khai các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực y tế, các giải pháp công nghệ nói chung để sớm đưa xã hội trở lại bình thường./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc phòng, chống COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO