Bộ TTTT tích cực làm việc với mạng xã hội giảm thiểu nội dung tiêu cực

Xuân Tuấn| 03/04/2019 10:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là mặc dù kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về các vấn đề xã hội để chúng ta thực hiện đúng mục tiêu kinh tế phát triển bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chiều ngày 2/4/2019, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Cùng dự phiên họp báo có đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và nhiều Bộ, ngành khác.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết về thông tin phiên họp thường kỳ tháng 3/2019 của Chính phủ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2019; tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01, 02, 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và một số báo cáo khác liên quan đến cải cách hành chính quý I/2019…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối.

Thời gian qua có nhiều vấn đề, vụ việc xã hội nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận như vụ việc ở chùa Ba Vàng, tình trạng bạo lực học đường như vụ học sinh cấp II hành hung bạn ở Hưng Yên, tình trạng buôn bán ma túy với số lượng lớn tới hàng trăm kg, dịch bệnh gia súc lây lan ra nhiều địa phương… Đây là những vấn đề cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, không để trở thành vấn đề xã hội lớn.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là mặc dù kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về các vấn đề xã hội để chúng ta thực hiện đúng mục tiêu kinh tế phát triển bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều quan trọng nhất là tập trung nỗ lực vượt bậc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đồng thời giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Chúng ta chú trọng cả ba trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường, thời gian gần đây vấn đề môi trường đã được siết lại, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn với các vấn đề xã hội. Nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2019

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2019, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều được dự báo tăng chậm lại, trong nước những rủi ro về dịch tả lợn châu Phi, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên…

Theo đó, GDP quý I/2019 đạt ở mức cao, tăng 6,79% (tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 tăng 7,45% nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017, năm 2017 tăng 5,15%). Đây là mức tăng cao, thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét hơn, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quý I: năm 2015 tăng 9,3%; năm 2016 tăng 8,2%, năm 2017 tăng 5,1%, năm 2018 tăng 12,7%), trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây).

Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12% (cùng kỳ 2018 là 9,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9%, cao hơn mức 8,9% của cùng kỳ năm 2018. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,40 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 18,9%); 3 tháng đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7%. Tháng 3 xuất siêu 1,56 tỷ USD (con số mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%. Thu hút FDI là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý I với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt, công nghệ tốt, hàm lượng khoa học, công nghệ rất cao. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43.500 doanh nghiệp (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp).

Đời sống dân cư nhìn chung ổn định, thiếu đói trong dân giảm đáng kể (quý I/2019 cả nước có 28.500 lượt hộ thiếu đói, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2018). Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,17%.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những thách thức, khó khăn và tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý I/2018. Vốn trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt là dự án lớn của các bộ: Bộ Giao thông vận tải giảm 58,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 55,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 22,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm 11,8%...).

Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình hạn hán ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại (công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% - cùng kỳ năm 2018 tăng 9,70%; dịch vụ tăng 6,5% - cùng kỳ năm 2018 tăng 6,70%).

Toàn cảnh buổi họp báo

Tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%, trong khi mục tiêu cả năm là 14%, tức là bình quân mỗi quý phải tăng 3,5%. Việc thực thi Luật Quy hoạch tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhiều quy hoạch hết hiệu lực, quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành và dự đoán còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện, ban hành các quy hoạch tích hợp này. Vấn đề môi trường, rác thải nhất là rác thải nhựa là vấn đề lớn cần giải quyết…

Bứt phá hơn, quyết tâm hơn để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bứt phá hơn, quyết tâm hơn để hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đúng như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là năm 2019 phải tốt hơn 2018.

Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong  quý I, Tổ công tác chủ động làm việc với một số hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị. Bước đầu, có 24 vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, rào cản hành chính đang được quy định tại các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, gồm: NN&PTNT (13 kiến nghị), Tài chính (06 kiến nghị), TN&MT (02 kiến nghị); Y tế (02 kiến nghị); KH&CN (01 kiến nghị).

“Tại các buổi làm việc, các Bộ đều nhìn nhận vấn đề khách quan, công tâm, ghi nhận vướng mắc mà các hiệp hội phản ánh, chủ yếu là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ. Một số vướng mắc đã  được tháo gỡ ngay; các vướng mắc khác được các bộ giải trình, nhận diện và cam kết thời gian cụ thể để tháo gỡ”

Cũng trong tháng 3, Tổ công tác của Thủ tướng tập trung kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết; rà soát việc cắt giảm thực chất các quy định gây khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh. Trong quý I, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 4.937 nhiệm vụ. Trong đó, có 885 nhiệm vụ đã hoàn thành, 3.852 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn, 200 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn, chiếm 4,1%.

Về Nghị quyết 01/NQ-CP, trong quý I, các bộ, cơ quan phải hoàn thành 36 nhiệm vụ nhưng đến thời điểm kiểm tra (ngày 14/3/2019), mới chỉ có 2 nhiệm vụ hoàn thành. Ngay sau buổi kiểm tra, các bộ, cơ quan đã rất tích cực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ giao. Đến nay, có thêm 14 nhiệm vụ  được hoàn thành. Như vậy còn 20 nhiệm vụ đang yêu cầu quyết liệt thực hiện.

Về tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, còn 16 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 trở về trước còn nợ đọng, thuộc trách nhiệm của 10 Bộ, cơ quan.

Tích cực làm việc với các mạng xã hội nước ngoài để giảm thiểu nội dung tiêu cực

Trả lời báo chí về quản lý nội dung phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo cũng cho biết: Hiện các hoạt động, diễn biến trên mạng xã hội rất phức tạp, chủ yếu những nội dung phản cảm, khó kiểm soát xuất hiện trên các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Bộ TTTT đang tích cực làm việc với các mạng xã hội nước ngoài để giảm thiểu các nội dung phản cảm, tiêu cực, tục tĩu… Đồng thời, Bộ TTTT đang rà soát các văn bản pháp luật liên quan bảo đảm quản lý được các mạng xã hội nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam theo đúng pháp luật Việt Nam, tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tài chính.

Bộ TTTT cũng đang xây dựng bộ quy tắc khung về ứng xử trên mạng xã hội, kết hợp giữa quy định của pháp luật và các chuẩn mực đạo đức.

Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội đối với vấn đề giáo dục con cái, các bạn trẻ khi tham gia, sử dụng mạng xã hội, nói rõ tác hại, lên án những hành vi sai trái.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TTTT tích cực làm việc với mạng xã hội giảm thiểu nội dung tiêu cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO