Bộ TTTT triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn vi phạm SHTT trên môi trường số

Lan Phương| 13/03/2018 09:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là khẳng định của đại diện Bộ TTTT tại Hội thảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong thế giới số.

Hội thảo do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Văn phòng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 12/3 tại Hà Nội.

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink và Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ (KHCN) Trần Văn Tùng với đại diện các cơ quan nhà nước, chuyên gia trong khu vực tư nhân đã tham gia thảo luận về những thách thức trong việc triển khai nội dung số, vi phạm trực tuyến đối với hàng hóa vật chất, kinh nghiệm quốc tế cũng như những ví dụ thành công.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh Bảo hộ quyền SHTT là chìa khóa cho phát triển đất nước. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường thương mại điện tử. Những lợi ích từ việc chuyển đổi này là rất lớn, có sức hấp dẫn với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, môi trường kinh doanh này cũng đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có vấn đề bảo hộ, thực thi quyền SHTT.

“Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền SHTT và phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường số tại Việt Nam,” Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo hộ quyền SHTT đã góp phần giúp các DN Hoa Kỳ hoạt động kinh doanh hiệu quả tại thị trường này. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Hoa Kỳ hay các nước khác, vấn đề bảo hộ quyền SHTT là nền tảng xây dựng nền kinh tế tri thức và là nhân tố quan trọng cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Theo AmCham, việc bảo vệ quyền SHTT khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân cùng với thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái công nghệ cao và những công việc thu nhập cao cho lao động có trình độ. Nếu không có việc bảo hộ ý tưởng, DN và cá nhân sẽ không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích từ những phát minh của họ và ít tập trung hơn vào việc nghiên cứu, phát triển.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc AmCham nhấn mạnh việc thực thi có hiệu quả chính là việc phạt những người vi phạm quyền SHTT theo cách thức mà sẽ ngăn họ và những người khác thực hiện hành vi này trong tương lai.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TTTT và đại diện các đơn vị trao đổi về bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số

Đại diện cho Bộ TTTT tại Hội thảo, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TTTT đã có những trao đổi về vai trò của Bộ TTTT và những biện pháp Bộ TTTT triển khai để bảo vệ bản quyền SHTT trong môi trường số.

Ông Đỗ Hữu Trí nhấn mạnh Bộ TTTT có vai trò phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về SHTT trong các tác phẩm báo chí, các chương trình phát thanh truyền hình (PTTH), xuất bản phẩm, tem bưu chính, các sản phẩm - dịch vụ CNTT-TT, các phát minh, sáng chế do Bộ quản lý. Thanh tra Bộ TTTT là cơ quan thực thi pháp luật ở các lĩnh vực trên. Ngoài ra, một số Cục chuyên ngành cũng có chức năng bên cạnh công tác hướng thực thi quyền SHTT, các Cục cũng có trách nhiệm thực thi pháp luật SHTT trong lĩnh vực PTTH.

Các tổ chức trong lĩnh vực môi trường số, các đơn vị, cá nhân bị vi phạm bản quyền có thể gửi đơn phản ánh vi phạm SHTT trực tiếp về Bộ TTTT. Bộ TTTT sẽ giao cho Thanh tra Bộ TTTT, hoặc các đơn vị chuyên ngành liên quan để xử lý. Trước khi gửi đơn về Bộ TTTT, bên vi phạm và bị vi phạm có thể thực hiện hòa giải, trao đổi trước. Còn khi phải gửi đơn phản ánh thì cần cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm vi phạm, hình thức, tổ chức, cá nhân vi phạm…

Theo ông Đỗ Hữu Trí, trong thời gian qua, Bộ TTTT đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn vi phạm SHTT. Về khâu xây dựng chính sách, Bộ TTTT và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Thông tư liên tịch số 07/2012 quy định về trách nhiệm của DN cung cấp dịch vụ trung gian trong việc chống xâm phạm quyền SHTT, quyền tác giả liên quan. Thông tư này rất quan trọng vì đặt trách nhiệm cho DN truyền tải sản phẩm, dịch vụ trên mạng phải thực hiện theo quy định. Theo đó, các DN trung gian là DN viễn thông, Internet, dịch vụ tìm kiếm, trang mạng xã hội, website, DN cho thuê máy chủ… có quyền được phép thiết lập hệ thống để kiểm tra giám sát, xử lý thông tin xâm phạm quyền tác giả và đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với khách hàng phục vụ. Chẳng hạn như quyền của DN cho thuê máy chủ rất lớn như: trách nhiệm lưu trữ, truyền đưa thông tin, bảo đảm kỹ thuật để truyền tải thông tin. DN cho thuê máy chủ phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Thanh tra của hai Bộ về thông tin khách hàng đang thuê chỗ và có biện pháp tạm dừng đường truyền, ngăn chặn nội dung vi phạm bản quyền….

Bộ TTTT cùng với Bộ KHCN cũng đã xây dựng Thông tư liên tịch số 14/2016 quy định về trình tự, thủ tục, thay đổi, hoàn trả tên miền vi phạm quyền SHTT. Thời gian qua, hai Bộ đã phối hợp xử lý 9 tên miền vi phạm SHTT.

Bộ TTTT cũng đã đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật. Một số cơ quan báo chí vi phạm bản quyền, các DN viễn thông có tên tuổi vi phạm bản quyền cũng bị xử phạt. Về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, Bộ hàng năm đều tổ chức chương trình tập huấn cho lực lượng thanh tra TTTT, cho DN TTTT về pháp luật, trong đó có vấn đề SHTT.

Đại diện của Thanh tra Bộ TTTT cũng chia sẻ một số khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân để ngăn chặn vi phạm quyền SHTT. Theo đó, các tổ chức, DN kinh doanh quảng cáo nội dung cần gỡ bỏ nội dung quảng cáo trên các trang web vi phạm bản quyền. Các DN trung gian phải thường xuyên chủ động rà soát thực hiện Thông tư 07 để thông báo cho cơ quan nhà nước có biện pháp xử lý liên quan khi có vụ việc xảy ra. DN cũng cần nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, để xác định, kiểm tra xem có bị xâm phạm bản quyền SHTT… Đồng thời, DN phải chuẩn bị, lường trước các phương án đối phó xâm phạm SHTT. Một điểm đáng lưu ý nữa là DN cần chia sẻ quyền lợi bản quyền với DN khác như trong quá trình phân phối, cũng như bảo đảm giá sản phẩm hợp lý, nếu không, giá cao quá thì sinh ra khả năng vi phạm…

Bộ TTTT cũng đang nghiên cứu phương thức ngăn chặn kênh thanh toán bất hợp pháp qua ngân hàng, đặc biệt qua thẻ điện thoại bởi phương thức này dễ, nhanh và tiện lợi cho thanh toán. Bộ TTTT sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, áp dụng chế tài mạnh như rút tên miền; Tuyên truyền phổ biến pháp luật về SHTT đặc biệt trong tầng lớp sinh viên, học sinh nhằm nâng cao nhận thức, khuyến cáo sản phẩm sử dụng vi phạm bản quyền phần mềm, đặc biệt các sản phẩm CNTT tiềm ẩn rủi ro cao như có thể sản phẩm kèm mã độc, quảng cáo cờ bạc, phát tán virus…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TTTT triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn vi phạm SHTT trên môi trường số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO