Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nỗ lực lớn trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Lan Phương| 06/06/2018 13:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là khẳng định và đánh giá cao của Ban điều hành công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Ngày 05/6/2018, tại Hà Nội, Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước do Bộ TTTT làm thường trựcđã có buổi làm việc Kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTTDL). Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban Điều hành và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã chủ trì buổi làm việc, ngoài ra còn có sự tham dự của Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TTTT) Nguyễn Thành Phúc, Phó Trưởng Ban điều hành và đại diện các đơn vị liên quan của hai Bộ.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành  Hưng và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chủ trì buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm CNTT, Bộ VHTTDL đã cho biết các nội dung về hoạt động ứng dụng CNTT của Bộ VHTTDL. Cụ thể, về cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Bộ VHTTDL đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011. Theo đó, Bộ đã xây dựng, duy trì vận hành ổn định Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ http://bvhttdl.gov.vn; đăng tải đầy đủ các thông tin, các báo cáo tổng hợp, thống kê thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, dự thảo văn bản cần xin ý kiến thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ. DVCTT của Bộ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của bộ và trên hệ thống DVCTT của bộ tại địa chỉ http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn. Đến nay, hầu hết các DVCTT mức độ 3, 4 có thời gian giải quyết rất ngắn, đặc biệt với các thủ tục hành chính (TTHC) phát sinh nhiều hồ sơ từ người dân và doanh nghiệp (DN).

Với việc cung cấp DVC trên môi trường mạng đã giảm thiểu được số lần người dân và DN phải đến giao dịch trực tiếp tại cơ quan thực TTHC thuộc Bộ VHTTDL. Trường hợp phải chỉnh sửa bổ sung hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ gọi điện trao đổi và hướng dẫn cách thực hiện, hạn chế việc phải đi lại của người dân và DN.

Ngoài ra, hệ thống DVCTT của Bộ VHTTDL đã kết nối thành công với hệ thống thông tin của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, làm tiền đề cho việc tiếp nhận và trả hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời giúp ích cho người dân và DN rất nhiều trong việc thực hiện TTHC với các cơ quan của Bộ VHTTDL.

Về ứng dụng CNTT trong nội bộ, Bộ VHTTDL đã hoàn thành kết nối, liên thông thành công phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ trong năm 2016. Năm 2017, theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTTDL là một trong hai Bộ, ngành được Văn phòng Chính phủ lựa chọn thí điểm hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ, tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trên trục liên thông. Đến nay, Bộ VHTTDL đã hoàn thành nhiệm vụ liên thông hệ thống quản lý văn bản 4 cấp hành chính trên trục liên thông văn bản của Văn phòng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Bên cạnh đó, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương hoàn toàn dưới dạng điện tử là 30%; Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy là 65%. Thống kê văn bản điện tử đến Quý I/2018, tổng số văn bản thống kê trên hệ thống quản lý văn bản điều hành (QLVBĐH) tại bộ phận Văn thư Bộ là 2284 văn bản điện tử đến và 55 văn bản đi. Tổng số văn bản đi thống kê trên Sổ đăng ký văn bản đi tại bộ phận Văn thư Bộ là 2090 văn bản giấy. Tỷ lệ giữa tổng số văn bản điện tử/tổng số văn bản giấy đạt 53,47%. Chữ ký số trong hệ thống QLVBĐH dùng chung đã được tích hợp. Trong Quý I năm 2018, các văn bản trao đổi điện tử trên hệ thống QLVBĐH chưa sử dụng chữ ký số.

Cũng tại buổi làm việc, Cục Tin học hóa - Bộ TTTT, Thường trực Ban điều hành cho biết trước buổi làm việc này, Thường trực Ban đã có các buổi làm việc với Tổng cục Thể dục thể thao, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Trung tâm CNTT để đánh giá các kết quả và tồn tại trong việc ứng dụng CNTT tại các đơn vị này. Bên cạnh các nỗ lực rất lớn của các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL thì vẫn còn một số khó khăn như hạ tầng CNTT đã đầu tư hàng chục năm, trung tâm dữ liệu rất cũ. Đội ngũ CNTT chưa có chế độ ưu đãi, khen thưởng hạn chế, nhất là các đồng chí chưa được thi nâng ngạch, chuyển ngạch. Kinh phí cho ứng dụng CNTT tại Bộ VHTTDL cũng còn hạn chế.

Toàn cảnh phiên họp

Đánh giá về công tác ứng dụng CNTT tại Bộ, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Trưởng Ban điều hành đánh giá Bộ VHTTDL rất nghiêm túc thực hiện triển khai các nhiệm vụ chính phủ điện tử (CPĐT), nghiêm túc báo cáo về ứng dụng CNTT. Khi triển khai kết nối liên thông cung cấp dịch vụ công qua bưu chính công ích, Bộ VHTTDL là bộ đầu tiên thực hiện và luôn tiên phong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ. Bộ VHTTDL cũng đã thăng hạng cao về Chỉ số cải cách hành chính các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ (PAR Index 2017) do Bộ Nội vụ công bố trong năm 2017, từ vị trí số 19 năm 2016 đã vươn lên vị trí số 8 năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, đối với DVCTT, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến vẫn còn hạn chế, chỉ có 4/34 DVCTT mức độ 3 và 03/04 DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến, chiếm 18,4%. Ngoài ra, do một số khó khăn về kinh phí, Bộ VHTTDL chưa ban hành được kiến trúc CPĐT.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban điều hành đánh giá cao nỗ lực ứng dụng CNTT của Bộ VHTTDL với những bước tiến vượt bậc về chỉ số về hiện đại hóa hành chính trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ.

Liên quan đến các DVCTT có số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh còn hạn chế, Thứ trưởng lưu ý Bộ VHTTDL cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao người dân, DN ít sử dụng dịch vụ này, do khả năng sử dụng CNTT của người dân, DN chưa cao hay do việc sử dụng dịch vụ này không thuận lợi. Đây là một quá trình, vừa làm vừa phải tìm cách “kích cầu” để người dân thích thú và thấy thuận tiện khi sử dụng các DVCTT, vừa triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT diện rộng vừa cải cách hành chính. Bộ VHTTDL cần có tổng kết cách thức triển khai, đánh giá việc sử dụng DVCTT để có điều chỉnh.

Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ VHTTDL cần khẩn trương ban hành khung kiến trúc CPĐT “Đây là vấn đề quan trọng vì giúp tăng cường sự kết nối, liên thông và góp phần giảm các chi phí”.

Cuối cùng, Thứ trưởng lưu ý làm ứng dụng CNTT cũng phải quan tâm đến bảo đảm an toàn thông tin một cách đúng mức, bên cạnh việc thực hiện các đầu tư cho hệ thống thì điểm quan trọng là con người người và quy trình.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nỗ lực lớn trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO