Bưu điện Việt Nam: khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính quốc gia

03/11/2015 20:24
Theo dõi ICTVietnam trên

ĐƯỢC NHÀ NƯỚC GIAO THIẾT LẬP, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN MẠNG BƯU CHÍNH CÔNG CỘNG, THỜI GIAN QUA, BÊN CẠNH VIỆC CUNG CẤP, ĐẢM BẢO TỐT NHẤT CÁC DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH, BƯU ĐIỆN VIỆT NAM CÒN ĐA DẠNG HÓA CÁC DỊCH VỤ KINH DOANH TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH BƯU CHÍNH VÀ PHÂN PHỐI TRUYỀN THÔNG. QUA ĐÓ MANG LẠI NGUỒN THU ỔN ĐỊNH, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TRÊN TOÀN MẠNG LƯỚI, ĐỒNG THỜI GÓP PHẦN NÂNG CAO HƠN NỮA VỊ THẾ CỦA BƯU ĐIỆN VIỆT NAM.

Truyền thống hào hùng

Trên chặng đường 70 năm qua với biết bao biến cố lịch sử của dân tộc và thế giới, ngành Bưu điện đã vượt qua mọi khó khăn và thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”, toàn thể lực lượng giao liên, điện báo viên, công nhân đường dây, hộ tống viên, bưu tá... với lòng quả cảm và sự hy sinh to lớn đã mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, kiên cường chiến đấu để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Đặc biệt, công tác vận chuyển công văn, báo chí, thư từ, điện báo, đưa đón bảo vệ cán bộ, bộ đội, cùng thiết bị, vũ khí hàng hóa thuốc men cho chiến trường của các chiến sỹ giao liên bưu điện đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Sau chiến tranh, nhất là thời kỳ đổi mới kinh tế đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với phương châm “đi tắt đón đầu”, đổi mới trong quản lý và công nghệ, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bưu điện Việt Nam đã có những bước đi đột phá, tiếp tục ghi vào trang vàng lịch sử của Ngành với những thành tựu to lớn.

Đồng hành trên con đường lịch sử của Ngành, trải qua nhiều dấu mốc phát triển quan trọng, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được hình thành trên trên cơ sở triển khai Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai năm sau đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, ngày 01/01/2008 Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Bưu điện Việt Nam) chính thức được thành lập. Đến ngày 16/11/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông và từ 01/01/2013, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chính thức hoạt động độc lập, tên gọi của Tổng công ty được đổi thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam lấy theo tên gọi truyền thống của Ngành.

Đổi mới hoạt động, nâng cao vị thế

Được Nhà nước giao thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, bên cạnh việc phát triển kinh doanh, thực hiện mục tiêu lợi nhuận, Bưu điện Việt Nam còn đảm đương nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích cũng như các dịch vụ công ích khác theo yêu cầu của Nhà nước.

Mặc dù còn không ít khó khăn, song với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể hơn 4 vạn cán bộ, công nhân viên và người lao động trên toàn mạng lưới, Tổng công ty đã luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Kết thúc năm 2014, năm đầu tiên hoạt động trong điều kiện không còn trợ cấp công ích của Nhà nước, Tổng công ty đạt lợi nhuận xấp xỉ 100 tỷ đồng. Năng suất lao động cũng được nâng lên đạt 85 triệu đồng/người/ năm, tăng bình quân 7%/năm. Thu nhập và việc làm của người lao động được đảm bảo, điều kiện làm việc được cải thiện.

Mạng lưới phục vụ tiếp tục được duy trì ổn định, khai thác tối đa lợi thế rộng khắp để phát triển kinh doanh, đồng thời bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho xã hội. Trong 5 năm, tổng sản lượng lũy kế dịch vụ thư cơ bản đạt 757,4 triệu cái, sản lượng lũy kế dịch vụ phát hành báo chí công ích đạt 826,3 triệu tờ. Hiện nay, số điểm phục vụ được duy trì là 13.021 điểm, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,88 km/điểm, số dân phục vụ bình quân là 7.083 người/điểm. Nếu như năm 2010 doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt 1.697 tỷ đồng, thì dự kiến đến năm 2015 sẽ đạt 3.864 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 18%/năm.

Không chỉ duy trì và phát triển tốt mạng bưu chính công cộng đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước về cung ứng dịch vụ công ích, Bưu điện Việt Nam còn chủ động cung cấp nhiều dịch vụ mới, đặc biệt là các dịch vụ tài chính bưu chính như: thu hộ, chi hộ; đại lý bảo hiểm, đại lý bán vé, dịch vụ ngân hàng bán lẻ; các dịch vụ công như chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, chi trả trợ giúp xã hội... Nhiều dịch vụ liên quan đến dịch vụ hành chính công được triển khai đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và phát huy hiệu quả mạng lưới bưu chính công cộng như: Chuyển phát chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, hồ sơ hành chính, thủ tục nhà đất, kết quả xét nghiệm của các bệnh viện.

Việc tăng cường thực hiện các dịch vụ chuyển phát hành chính công qua mạng lưới bưu điện không chỉ mang lại nguồn thu ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn mạng lưới, nâng cao vị thế của Bưu điện Việt Nam trong toàn xã hội mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính tại Việt Nam.

Với các kết quả đó, Bưu điện Việt Nam cùng với Mobifone là những đơn vị mới nhất được xếp hạng doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt.

Phấn đấu trở thành doanh nghiệp bưu chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á

Nhằm hướng tới việc phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả trong kinh doanh; chủ động phát huy nội lực; quyết tâm đổi mới mọi mặt hoạt động; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư phát triển con người, chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020 của Tổng công ty đã đề ra mục tiêu: đến năm 2020 doanh thu toàn đơn vị đạt 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận phấn đấu đạt 500 - 600 tỷ đồng. Bưu điện Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo và dẫn đầu ngành bưu chính tại Việt Nam và trở thành doanh nghiệp bưu chính quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, Bưu điện Việt Nam sẽ đồng thời thực hiện tốt nhất mọi nhiệm vụ công ích cũng như đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới từng lớp khách hàng. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc triển khai đồng bộ ba trụ cột kinh doanh, phát huy thế mạnh mạng lưới rộng khắp để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn; chuyển nhanh, mạnh tổ chức sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, thương mại điện tử, trở thành nhà phân phối bán lẻ các sản phẩm dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính rộng nhất Việt Nam.

Trong chặng đường phát triển mới, phát huy truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo -Nghĩa tình” kết hợp với sức mạnh đoàn kết, thống nhất trên toàn mạng lưới, Bưu điện Việt Nam sẽ tận dụng triệt để những cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vị thế doanh nghiệp chủ đạo quốc gia trong lĩnh vực Bưu chính, viết tiếp lên những trang sử hào hùng trong lịch sử truyền thống của ngành Bưu điện trong tương lai.

(TCTTTT Kỳ 1/8/2015)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu điện Việt Nam: khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO