Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo
Ngày 21/12/2016, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã tổ chức Hội thảo Ngày Internet 2016 (Internet Day 2016) lần thứ 5 với chủ đề “Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế Internet”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tới dự và phát biểu. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các Bộ ngành, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, các công ty kinh doanh thiết bị, hạ tầng, nội dung trên Internet trong nước và quốc tế. Đặc biệt tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thương mại và BCVT gồm: Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá, trong gần một thập kỷ qua, ngành công nghiệp nội dung số (CNNDS) Việt Nam "đã có những bước phát triển vượt bậc”, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu toàn ngành CNTT. Trong giai đoạn 2008 – 2014, doanh thu ngành CNNDS đã tăng từ 480 triệu USD lên hơn 1,4 tỷ USD, đạt mức mức tăng trưởng gần 20%/năm. Ngành CNNDS Việt Nam hiện đang thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia sản xuất và tạo ra việc làm cho hơn 70.000 lao động.
Thứ trưởng nhận định, Việt Nam đã xây dựng được ngành CNNDS phong phú, đa dạng với các sản phẩm về giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến, nội dung cho thiết bị di động…. Đã có công ty Việt Nam lọt vào tốp 5 doanh nghiệp nội dung số lớn nhất của Đông Nam Á, đủ sức cạnh tranh và thâm nhập vào các thị trường trong khu vực.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý rằng, kết quả đạt được của ngành CNNDS “chưa tương xứng với tiềm năng”. Nội dung số vẫn chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong cơ cấu thu nhập toàn ngành CNTT. Số lượng công ty nhiều nhưng chủ yếu là công ty có quy mô nhỏ và vừa; Các sản phẩm đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường vẫn còn khiêm tốn.
Thứ trưởng khẳng định: “Nền kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hòa”. Ứng dụng sâu rộng của CNTT trong mọi hoạt động của nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn, tối ưu hơn đã hình thành một nền kinh tế “không biên giới” mang lại giá trị lợi nhuận cao. Hiện nay, “nhiều quốc gia đã xác định kinh tế số là động lực phát triển mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên quy mô toàn cầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp cho dù mới hình thành nhưng với nền tảng kinh doanh CNTT-TT đã đạt được bước phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn, đạt giá trị hàng tỷ USD, cạnh tranh được với những tập đoàn lớn và chiếm lĩnh thị trường thế giới - Thứ trưởng cho biết thêm.
Thứ trưởng nhận định, Việt Nam với các lợi thế như: nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; chi phí nhân công cạnh tranh; số lượng điện thoại thông minh và thuê bao 3G tăng mạnh theo từng năm; hạ tầng Internet và hạ tầng di động băng rộng phát triển rộng khắp sẽ là “thị trường tiềm năng của ngành CNNDS” và đây cũng là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội và không gian phát triển rộng lớn nhưng cũng cạnh tranh gay gắt hơn, để tận dụng được những lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông cần tập trung phát triển hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng viễn thông, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, chất lượng cao, đảm bảo an toàn, cung ứng dịch vụ tới người dân trên mọi miền đất nước. “Đây là điều kiện quan trọng để tạo nên nền tảng cho nền kinh tế số Việt Nam”.
Thứ trưởng lưu ý, các doanh nghiệp viễn thông cần phải thay đổi quan điểm phát triển dịch vụ của mình trong bối cảnh các dịch vụ truyền thống đã được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT đưa về mức giá 0 đồng, các dịch vụ giá trị gia tăng truyền thống đang suy giảm. Thứ trưởng đặt câu hỏi: Các nhà mạng đã làm gì để chuẩn bị cho kỷ nguyên số? Sau 10 – 15 năm triển khai mạnh mẽ hạ tầng viễn thông, các nhà mạng đã hiểu biết gì về người dùng của mình, đã biết gì về thói quen của người dùng? Nói rộng hơn, doanh nghiệp Việt Nam nào hiểu rõ nhất về người dùng? VNG, VC Corp hay FPT? Trên thực tế, các công ty quốc tế như Google, Facebook … mới là doanh nghiệp hiểu rõ người dùng Việt Nam hơn cả.
Trước tình hình ấy, Thứ trưởng thúc giục các nhà mạng cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh tốc độ phát triển, nâng cao chất lượng, hạ tầng, tập trung tạo dựng các hệ sinh thái trên nền tảng hạ tầng, trên nền tảng đó cho phép các doanh nghiệp nội dung số khác tự do sáng tạo. “Thay vì cạnh tranh với những doanh nghiệp nội dung số nhỏ lẻ, hãy xây dựng một thị trường cạnh tranh lớn trên nền tảng của mình. Chính điều này sẽ mang đến cơ hội phát triển bền vững, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt sẵn sàng bước chân vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Thứ trưởng cũng cho rằng, các doanh nghiệp nội dung số hàng đầu Việt Nam hiện nay là những người đi tiên phong và đã đạt được những thành công nhất định. Vì vậy, họ hiểu rõ thị trường nội dung số Việt Nam đang ở đâu, thiếu cái gì. Thứ trưởng đánh giá, thị trường nội dung số Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé so với khu vực và thế giới. Do đó, các doanh nghiệp này không nên tự hài lòng với chính mình, cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, chuẩn bị sẵn sàng hành trang bước ra khu vực và quốc tế. Thứ trưởng dẫn chứng, Viettel là doanh nghiệp viễn thông lớn đã có thành tựu đáng kể khi đầu tư ra nước ngoài, VNG với Zalo – một sản phẩm OTT đứng đầu thị trường Việt Nam đã có 2 triệu người dùng ở Myanmar. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp Việt có tiếng tăm trên thế giới trong một số lĩnh vực hẹp khác.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Giám đốc, sáng lập viên của các doanh nghiệp nội dung số tiên phong trên thị trường Việt Nam cần quan tâm, phát triển các thế hệ kế tiếp của ngành nội dung số Việt thông qua việc truyền lửa, chia sẻ kinh nghiệm tạo lập các co-working spaces, các thương vụ M&A, các cuộc thi startup …. “Hãy xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của các bạn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, tại Hội thảo này, các doanh nghiệp hãy tích cực đưa ra các kiến nghị về những rào cản pháp lý, những thách thức đang phải đối đầu đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi trong cơ chế chính sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, nhiều tham luận quan trọng đã được trình bày như: Chính sách thúc đẩy công nghiệp nội dung số, dịch vụ gia tăng trên mạng và kinh doanh xuyên biên giới trên Internet….
Trong phiên họp buổi chiều với chủ đề “Dịch vụ nội dung số và sự hội tụ”, các bài tham luận của CMC Telecom, VTC Telecom, Alphabooks tập trung vào các chủ đề được nhiều người quan tâm như: Xuất bản sách – Con đường số hóa và thách thức ở Việt Nam; Thách thức và hướng đi của dịch vụ truyền hình truyền thống, Tương lai của ngành Game.../.