Các ngân hàng Đông Nam Á cần nắm bắt cơ hội từ công nghệ số

Lan Phương| 28/07/2017 08:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành ngân hàng khu vực Đông Nam Á cần nắm lấy cơ hội từ cuộc cách mạng số, công nghệ số, để đáp ứng các khách hàng có thu nhập trung bình khá đang ngày càng tăng trong khu vực.

Lãnh đạo các doanh nghiệp đã nhấn mạnh nội dung trên tại một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan trung tuần tháng 7/2017.

Tại Hội thảo thuộc Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu Nikkei A300, Chủ tịch ngân hàng Kasikorn, Pipit Aneaknithi cho biết: "Một trong những chìa khóa thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của khu vực này là sự gia tăng của các khách hàng tầng lớp trung lưu". Theo Aneaknithi, các ngân hàng trong khu vực ASEAN đang ở trong một “giai đoạn chuyển tiếp” và phải cung cấp các dịch vụ chất lượng hơn cho một thế hệ khách hàng mới có khả năng tiêu thụ lớn hơn. “Độ tuổi trung bình của tầng lớp này ở ASEAN là 29. Tiềm năng thị trường khách hàng của chúng ta đang mở rộng”.

Hiện nay, với sự sẵn sàng của công nghệ, các ngân hàng có thể đưa ra các mô hình kinh doanh chi phí thấp cho các khách hàng mới, và thanh toán số là một cơ hội kinh doanh lớn. Ngân hàng Kasikorn đã phát triển một hệ thống có tên K-Pay đang được thử nghiệm tại hàng loạt nhà hàng và cửa hàng ăn.

Tuy nhiên, Aneaknithi cho biết các ngân hàng vẫn khá chậm chạp trong việc thích ứng với thay đổi và không thể cập nhật được mọi thứ chính các ngân hàng cần. Một thách thức nữa là phải xây dựng được đội ngũ vừa có thể hiểu lĩnh vực ngân hàng vừa thạo về lĩnh vực công nghệ. Theo đó, Aneaknithi kêu gọi một sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các nước trong khu vực.

Đồng ý kiến, Frederic DyBuncio, chủ tịch của SM Investments, công ty mẹ của ngân hàng lớn nhất Philippine là BDO Unibank, cho biết công ty của ông đang khai thác các cơ hội từ công nghệ ngân hàng. Công nghệ ngân hàng là “một thứ chúng ta chưa muốn khởi động”, Frederic DyBuncio, đồng thời là cựu giám đốc ngân hàng JPMorgan Chase cho biết. Theo ông ,SIM Investments muốn “bắt tay” với một đối tác có kinh nghiệm và tài năng trong lĩnh vực này, “theo đó chúng tôi có thể khởi động số cho quá trình này”.

Sự hợp tác và phát triển các ngân hàng mới sẽ giúp phát triển ngành này. Các ngân hàng lớn của Thái Lan như Kasikorn và Bangkok Bank gần đây đã thiết lập một quỹ tài chính chung để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ ngân hàng với số vốn 1 - 2 tỷ baht.

Kesara Manchusree, Chủ tịch Thị trường chứng khoán Thái Lan cho biết thị trường chứng khoán này đã sẵn sàng hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghệ cao và khởi nghiệp. Gần đây, thị trường này đã ra mắt một nền tảng kêu gọi hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và được trông đợi sẽ chính thức đưa vào vận hành cuối năm nay. "Chúng tôi đang thúc đẩy nền tảng này để trở thành một thị trường số. Chúng tôi rất nỗ lực. Chúng tôi đã có hơn 600 doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì tốt nhất”, Manchusree cho biết về nền tảng mới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng Đông Nam Á cần nắm bắt cơ hội từ công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO