CNTT-TT góp phần phát triển vùng sâu, vùng xa
Những năm gần đây, phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa ngày càng được các nước thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) quan tâm bởi sự đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong bối cảnh của APEC, vùng sâu, vùng xa không chỉ được hiểu là khu vực nông thôn, các thành phố cũng có thể được coi là vùng sâu, vùng xa nếu không thể hoặc gặp khó khăn khi kết nối với các mạng lưới kinh tế và không thể tận dụng các cơ hội kinh tế.
Với cách tiếp cận bao quát này, các vấn đề của vùng sâu, vùng xa có thể được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau, không chỉ giới hạn ở việc cung cấp hỗ trợ hoặc trợ cấp mà còn tập trung vào việc khai thác "tiềm năng kinh tế, cải thiện kết nối và làm cho các vùng này có thể trở nên tự chủ hơn".
Tại Hội thảo APEC về "Thúc đẩy cơ hội kinh doanh thông qua CNTT-TT ở vùng sâu, vùng xa" do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức vào ngày 29 và 30/11/2022, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn về mặt khoảng cách địa lý, tiếp cận dịch vụ, những hạn chế về nguồn vốn, nguồn nhân lực.
Theo đó, ông Quang cho biết nếu tập trung vào các tiềm năng phát triển kinh tế của vùng sâu, vùng xa sẽ đóng góp một cách đáng kể về bền vững, tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế. Các khu vực này có thể tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có và phát triển các ngành nghề công nghiệp đa dạng, thúc đẩy du lịch, nông nghiệp, phát triển đặc khu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Để vùng sâu, vùng xa phát triển, "CNTT-TT sẽ đóng vai trò thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp (DN), hỗ trợ, đóng góp tích cực vào sự tham gia và chuyển đổi nền kinh tế, tham gia nền kinh tế số, từ đó giảm bớt tác động đói nghèo, tình trạng thiếu kết nối, thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế dài hạn", ông Quang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quang, hậu đại dịch COVID-19, các nền kinh tế đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa rõ ràng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nhưng đồng thời cũng có nhiều cơ hội khai thác CNTT-TT, qua đó nắm bắt hiện thực hóa cơ hội kinh tế. "Thông qua phát triển CNTT-TT ở vùng sâu, vùng xa cũng sẽ thu hẹp khoảng cách, sự chênh lệch giữa các vùng miền".
3 xu hướng số APEC cần quan tâm
Để thúc đẩy kết nối số, ông Arndt Husar, chuyên gia quản lý chính sách công, cho biết có 3 xu hướng số các tổ chức, DN APEC cần quan tâm. Xu hướng đầu đầu tiên là các dòng dữ liệu đang ngày càng tăng lên, tốc độ tăng lên, độ trễ thấp hơn, kết nối hiệu quả hơn.
Trước COVID-19, trung bình lượng dữ liệu được người dân sử dụng 1 - 5 GB/tháng. Trong và sau COVID, làm việc từ xa, học trực tuyến, chăm sóc sức khỏe từ xa và nhiều hoạt động phổ biến hiện nay có thể sử dụng hơn 1 GB/ngày. Nền tảng cộng tác trực tuyến có thể được sử dụng tới 1 GB/giờ, thậm chí một số nền tảng còn hơn mức đó. Mức tiêu thụ dữ liệu di động trung bình toàn cầu vượt quá 10 GB/tháng vào năm 2021. Theo dự báo của Ericsson, đến năm 2026, người dùng ở châu Á có thể sẽ tiêu thụ trung bình 40 GB dữ liệu di động/tháng.
Ông Arndt Husar cho rằng việc tăng cường dòng chảy dữ liệu là vô cùng quan trọng. Nhiều công nghệ mới có thể giải quyết xu hướng này, trong đó có sự hỗ trợ của chùm vệ tinh phi địa tĩnh (NGSO) thu thập dữ liệu, đáp ứng độ phủ sóng rộng. Trong khi đó, các công ty viễn thông (telco) tập trung nhiều cho việc triển khai dịch vụ 5G, giúp giải quyết thách thức mạng ở vùng sâu, vùng xa.
Xu hướng số thứ hai là trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu. Ngày nay học máy có thể mang lại nhiều cơ hội cho các DN.
Xu hướng ba là những công nghệ mới nổi, đột phá như là fintech (ví, ngân hàng số và hệ thống thanh toán giá trị thấp); tự động hóa và robot (được kích hoạt bởi điện toán phổ biến, công nghệ đám mây và AI); công nghệ không gian (giảm chi phí phóng, xây dựng nhanh chóng các chùm vệ tinh quỹ đạo trái đất thấp, độ trễ thấp; sự tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ khí hậu, bao gồm các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tăng hiệu quả lưu trữ năng lượng, tư vấn cây trồng thông minh…
Trước các xu hướng số này, ông Arndt Husar cho biết các DN trong các lĩnh vực đã thúc đẩy CĐS mạnh mẽ như nông, ngư nghiệp và lâm nghiệp (canh tác chính xác (máy bay không người lái, IoT….), chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc thực phẩm); chế tạo; thương mại, thương mại, bán lẻ; du lịch và khách sạn (đặt phòng trực tuyến, tiếp thị kỹ thuật số, tham quan ảo,...); các ngành công nghiệp sáng tạo (sản xuất, tiếp thị và bán hàng thủ công mỹ nghệ, di sản văn hóa, v.v.); hợp đồng với khu vực công (ví dụ: giải pháp số cho y tế, giáo dục, giao thông, nước…).
Tuy nhiên, ông Arndt Husar cũng lưu ý với việc số hóa ngày càng tăng, mức độ phơi nhiễm và rủi ro tăng lên, mối quan tâm về quyền riêng tư của dữ liệu và rủi ro an ninh mạng.
Nhiều sáng kiến, kết nối hợp tác phát triển vùng sâu, vùng xa trong APEC
Phát triển và hội nhập vùng sâu, vùng xa ngày càng được quan tâm trong APEC trong những năm gần đây. Trong Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm 2017 tại Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo APEC đã kêu gọi thúc đẩy hợp tác về các sáng kiến kết nối khác nhau, và nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập ở vùng sâu, xa, nông thôn trong khu vực.
Việc ưu tiên và cam kết này được hiện thực hóa trong các hoạt động của Diễn đàn và nhóm công tác APEC, trong đó có việc phát triển và thực hiện các sáng kiến, lộ trình kinh tế kỹ thuật số và Internet APEC (AIDER) và Khuôn khổ tạo thuận lợi cho thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, trong đó hướng tới đảm bảo kết nối, bền vững và phát triển bao trùm thông qua "thu hẹp khoảng cách số, xây dựng năng lực kỹ thuật số cho tất cả mọi người, đồng thời tạo ra môi trường để thúc đẩy nền kinh tế số".
Với mục tiêu này, nhiều quốc gia trong APEC đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy kết nối vùng sâu, vùng xa phát triển.
Bà Sungeun Park, Giám đốc Văn phòng phát triển TMĐT toàn cầu của cơ quan DN nhỏ và vừa (SME) và khởi nghiệp (KOSME), Hàn Quốc chia sẻ nước này có nền tảng GobizKOREA là nền tảng xuất khẩu trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc (B2B), nơi người mua ở nước ngoài có thể dễ dàng tìm kiếm và giao dịch các sản phẩm của SME trực tuyến hàng đầu của Hàn Quốc.
Hàn Quốc có 99,7% dân số tiếp cận Internet, các thiết bị số. Năm 2021, doanh thu TMĐT của Hàn Quốc đạt 92 tỷ USD. KOSME thúc đẩy kinh doanh trực tuyến, theo đó, các DN B2C (DN đến khách hàng) tiếp cận các nền tảng TMĐT, thiết lập cửa hàng trực tuyến để bán hàng. KOSME cũng có chương trình hỗ trợ SME mới tham gia TMĐT, cung cấp đại lý giúp SME tham gia chương trình tiếp thị trực tuyến, liệt kê các sản phẩm trên sàn, sử dụng công nghệ hiệu quả trên thị trường toàn cầu và hỗ trợ giá logistics trong thời gian ban đầu.
Đến từ Indonesia, bà Ari Soegeng Wahyuniarti, Trưởng phòng dịch vụ CNTT và xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ nước này có lộ trình CĐS với 6 định hướng chiến lược để kết nối miền Đông và miền Tây của Indonesia trên hạ tầng số toàn diện, an toàn, tin cậy với các dịch vụ chất lượng cao. CĐS Indonesia tập trung 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, công dân số. Indonesia có 70% dân số, tương đương 210 triệu người đang sử dụng Internet nhưng vẫn còn khoảng trống cần thu hẹp. Theo đó, Indonesia có chương trình không để ai để lại phía sau, cung cấp Internet ở vùng sâu, xa khó khăn.
Indonesia cũng thực hiện dự án BAKTI là dự án cung cấp cơ sở hạ tầng CNTT-TT và trao quyền cho các hệ sinh thái bằng cách quản lý quỹ phổ cập dịch vụ (USO) với sự tham gia của các nhà mạng và khai thác viễn thông. Đến năm 2021, BAKTI Kominfo được ủy thác sử dụng Ngân sách Nhà nước (APBN).
Cụ thể, dự án thúc đẩy sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ vệ tinh phủ sóng ở các làng xã, nông thôn… từ đó tăng tỷ lệ tiếp cận Internet để thúc đẩy các dịch vụ giáo dục, y tế từ xa… BAKTI cũng thúc đẩy xây dựng các trạm BTS, phủ sóng 4G đến hàng ngàn làng xã để người dân được tiếp cận Internet. Trong giai đoạn 2019 0 2021, dự án cũng tập trung cho các hệ sinh thái, thúc đẩy khả năng số cho các SME nông nghiệp, nông thôn; phát triển, tích lũy tài sản số…
Indonesia cũng có nền tảng cửa hàng trực tuyến BUMDesMart. Mục đích của chương trình này là khuyến khích các cửa hàng và DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong làng số hóa DN của họ, mở rộng thị trường và sử dụng cơ sở hạ tầng do BAKTI xây dựng một cách hiệu quả BUMDesMart cũng thực hiện kiến thức kỹ thuật số, vận hành các cửa hàng trực tuyến, tiếp thị sản phẩm, đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho các trang web dịch vụ…
Theo chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu CNTT - Điện tử Trung Quốc, bà Zhuofan Yang, CĐS đã trở thành động năng tăng trưởng kinh tế. COVID-19 là con dao hai lưỡi, một mặt gây bất lợi cho MSME ở mọi nền kinh tế, mặt khác, nó cũng thúc đẩy mọi nền kinh tế đẩy nhanh quá trình số hóa.
Ngày càng có nhiều DN bắt đầu sử dụng kỹ thuật số như một nguồn của khả năng phục hồi và đổi mới, điều này được thể hiện trên toàn khu vực khi các dịch vụ và giải pháp mới được phổ biến rộng rãi. Để ứng phó với đại dịch, các nền kinh tế trên toàn cầu đã đưa ra nhiều biện pháp chính sách khác nhau để hỗ trợ các SME.
Bà Zhuofan Yang cũng thông tin năm 2021, doanh số bán lẻ trực tuyến ở nông thôn của Trung Quốc đạt 2,05 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 11,3% so với năm 2020 và tốc độ tăng trưởng tăng nhanh 2,4%. "Thông qua chuỗi cung ứng, nền tảng số của DN đầu ngành có thể mở ra cho SME, từ đó giảm chi phí, giúp SME tham gia vào quá trình chuyển đổi, nâng cấp số"./.