Các tỉnh miền núi phía Bắc phải hỏa tốc ứng phó với tình hình mưa lũ

Bình Minh| 11/10/2021 20:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão Kompasu, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai vừa yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc phải hỏa tốc ứng phó với tình hình mưa lũ.

Các tỉnh miền núi phía Bắc phải hỏa tốc ứng phó với tình hình mưa lũ - Ảnh 1.

Lũ quét, sạt lở đất là nguy cơ thường trực với các tỉnh miền núi phía Bắc thời điểm này. (Ảnh: Bình Minh). 

Yên Bái cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Trước dự báo thời tiết nguy hiểm liên tiếp có thể xảy ra, nhất là với cơn bão Kompasu một số tỉnh miền núi phía Bắc đã khẩn trương lên các phương án ứng phó.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, ngày 11/10, mực nước trên các sông suối trong tỉnh đang lên nhanh. Trên sông Thao tại Yên Bái lúc 07h00 ngày 11/10 là 27,68m (dưới báo động 1: 2,32m); trên sông Ngòi Thia là 43,98m (dưới báo động 1 là 0,52m). Trên sông Thao, trong 6-12 giờ tới, mực nước sẽ lên nhanh và đạt mức 30,20m, trên mức báo động báo động 1: 0,20m. Trong 12-24 giờ tới, mực nước tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 30,80m vào sáng ngày mai (12/10), dưới mức báo động 2: 0,20m. Mực nước trên sông Ngòi Thia tiếp tục lên, mực nước đỉnh lũ khả năng trên mức báo động 1 (44,5m) vào chiều nay, sau dao động ở mức cao.

Tỉnh Yên Bái nhận định, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trong tỉnh Yên Bái (đặc biệt là ở các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Yên Bình), ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông suối. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1.

Lào Cai lên phương án ứng phó với thiên tai ảnh hưởng bão Kompasu

Trong khi đó, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Văn bản số 4862/UBND-NLN ngày 11/10/2021 về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai ảnh hưởng của bão Kompasu xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Văn bản của tỉnh Lào Cai nêu rõ, trước những diễn biến bất thường về thời tiết trong những ngày tới, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 07 vừa qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to trong 02 ngày 09-10/10/2021. Đồng thời, hiện nay cơn bão có tên quốc tế Kompasu đang hoạt động ở ngay khu vực biển phía Đông Philippines, từ ngày 11/10/2021 bão có thể vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh nhất trên biển có thể tới cấp 10-11, giật cấp 13 và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, gây gió mạnh, mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trong một vài ngày tới. Đây là tình huống thiên tai nguy hiểm liên tiếp (nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ) nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, đá.

Để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Ban chỉ huy về phòng, chống thiên tai của tỉnh, các Sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó.

Trong đó UBND các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020-2021, sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ. Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, hồ đập; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố. Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải – Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ: tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; chỉ đạo công tác vận hành bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; thu hoạch lúa và hoa màu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Tiếp đó, Văn phòng Thường trực BCĐ phòng chống thiên tai tỉnh Lào Cai phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; báo cáo, tham mưu cho Trưởng ban chỉ đạo xử lý những tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ.

Chiều 11/10/2021, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai ban hành Công văn số 464/VPTT gửi BCH PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ.

Để chủ động ứng phó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai 6 nội dung:

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; tránh chủ quan, bất cẩn gây thiệt hại đáng tiếc về người như đã xảy ra.

Thứ hai, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn. Chú ý đối với những khu vực tổ chức sơ tán dân phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Thứ ba, rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông.

Thứ tư, kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ đã đầy nước, hồ xung yếu, hồ đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Thứ năm, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Thứ sáu, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai.

Như vậy, với những dự báo về tình huống thiên tai nguy hiểm liên tiếp (nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ) nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, đá...Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai đã kịp thời chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động các giải pháp để hỏa tốc ứng phó. Trong khi đó, một số tỉnh tại khu vực này cũng đã nâng mức cảnh báo về các nguy cơ, đồng thời yêu cầu các Sở, ngành thuộc tỉnh khẩn trương vào cuộc để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy đến.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh miền núi phía Bắc phải hỏa tốc ứng phó với tình hình mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO