Các xu hướng công nghệ nhìn từ Giải thưởng Sao Khuê 2025
Các giải pháp công nghệ từ Giải thưởng Sao Khuê đang trực tiếp góp phần chuyển đổi số, thông minh hóa các quy trình nghiệp vụ và thủ tục hành chính, giải quyết các bài toán của Chính phủ, chính quyền trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Sao Khuê 2025 góp phần minh chứng cho sự bứt phá của ngành CNTT Việt Nam
Với 198 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc trải rộng 9 nhóm lĩnh vực được vinh danh, Sao Khuê 2025 đã góp phần minh chứng cho sự bứt phá của ngành CNTT Việt Nam, đồng hành cùng mục tiêu đưa kinh tế số đạt 20% GDP năm 2025.
Theo thống kê, các doanh nghiệp (DN) công nghệ đã trực tiếp đóng góp vào tỷ trọng kinh tế số 18,3% GDP năm 2024 với tốc độ tăng trưởng 20%. Trong bức tranh chung đó, số liệu mà Sao Khuê năm nay ghi nhận được cho thấy: doanh thu năm 2024 của 198 đề cử đoạt Giải đạt khoảng gần 48.000 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD), chiếm gần 20% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2024.
Hơn thế, các giải pháp này đang trực tiếp góp phần chuyển đổi số (CĐS), thông minh hóa các quy trình nghiệp vụ và thủ tục hành chính, giải quyết các bài toán của Chính phủ, chính quyền trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Từ đó không chỉ mang lại tiện ích cho người dân và DN trong nước mà còn phục vụ phát triển thị trường quốc tế.
Năm 2025, Giải thưởng Sao Khuê có đến 102 hồ sơ đề cử đăng ký vào nhóm Các dịch vụ giải pháp Đổi mới sáng tạo (ĐMST), Giải pháp mới, với kết quả 53 đề cử đạt giải, 5 giải pháp được xếp hạng 5 sao. Các ứng dụng và giải pháp trong lĩnh vực này đều ứng dụng các công nghệ mới như AI, AI agent, AI vision, blockchain, robot... với nhiều yếu tố ĐMST được đưa vào nhằm tối ưu hiệu quả phục vụ người dùng và DN. Qua đó, khẳng định những nỗ lực sáng tạo không ngừng, tinh thần dấn thân, vươn mình của DN công nghệ số để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ban tổ chức Giải thưởng Sao Khuê kỳ vọng, với những chính sách đột phá của Đảng, Chính phủ, các Giải thưởng Sao Khuê sẽ tiếp tục là ngọn lửa truyền cảm hứng, kéo theo hàng ngàn DN vừa và nhỏ, tạo nên một hệ sinh thái công nghệ bền vững, tham gia giải quyết những bài toán lớn của đất nước, cùng nhau đi ra quốc tế, và góp phần hình thành nên những DN lớn, DN dân tộc, sở hữu những công nghệ lõi, đóng góp vào sự phát triển liên tục của nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), khẳng định: “Các DN công nghệ Việt Nam không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa mà còn mang trí tuệ Việt ra thế giới. Các giải pháp về AI, blockchain, và điện toán đám mây được vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2025 đã được đưa vào những hợp đồng lớn tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu và Bắc Mỹ. Những thành tựu này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm cung cấp dịch vụ số, trung tâm ĐMST trong khu vực và trên toàn cầu. Nghị quyết 57-NQ/TW đang tạo ra một động lực rất lớn, đất nước đang đòi hỏi nỗ lực sáng tạo công nghệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Ông Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh: "Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là “kim chỉ Nam” mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ để ngành CNTT Việt Nam sáng tạo vươn mình, tự chủ và dẫn dắt trong nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS - những yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia".
Các xu hướng công nghệ nhìn từ Giải thưởng
Quản trị thông minh nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh khối DN
Đây là lĩnh vực luôn có số lượng đề cử và được giải nhiều nhất. Năm nay, 34 dịch vụ, giải pháp thuộc nhóm này đã góp phần hoàn chỉnh tất cả các nghiệp vụ quản trị DN, giúp cải tiến quy trình, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các công ty công nghệ Việt Nam đã nắm bất rất sớm phát triển hoàn thiện nhiều AI Agents cho từng nghiệp vụ của DN, từ kế toán, nhân sự, bán hàng, đến quản trị, vận hành sản xuất. Một vài con số minh chứng về hiệu quả mang lại từ các giải pháp này như:
Ajinomoto giảm 85% khối lượng giấy tờ, rút ngắn 70% thời gian phê duyệt, giảm 50% lỗi do con người chỉ sau 6 tháng triển khai Tasken eOffice.
Flamingo Redtours CĐS giảm 40% xử lý đơn đặt hàng, tiết kiệm 25% chi phí nhân sự.
MISA đã hỗ trợ 18.000 hộ kinh doanh giải quyết bài toán kế toán và khai thuế.

Nhiệt điện Uông Bí, Bất động sản Tập đoàn TNTech đang tiết kiệm nhiều tỷ đồng với hệ thống bảo trì dự đoán tiên tiến…
Phát triển Chính phủ, chính quyền số, xã hội số
Năm 2024, Việt Nam đã tăng 15 bậc trong Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) lên vị trí 71/193, và 2 bậc Chỉ số ĐMST Toàn cầu (GII) xếp 44/133. Điều này phản ánh chân thực sự tiến bộ trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN lên đến hơn 50%, và dự kiến đạt 70% vào năm 2025.
Trong khuôn khổ Giải thưởng Sao Khuê 2025, 24 đề cử được trao giải trong nhóm lĩnh vực này cho thấy nỗ lực của DN công nghệ số trong việc sát cánh cùng Chính phủ, chính quyền giải quyết các bài toán lớn của đất nước. Cùng đó, cho thấy rõ xu hướng khối chính phủ, chính quyền đang đẩy nhanh ứng dụng AI nhằm tối ưu nguồn lực, tăng chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý.
Đặc biệt, 19/24 Giải thưởng Sao Khuê 2025 của nhóm lĩnh vực này tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế, tài chính, giao thông... giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, người dân, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Chuyển đổi số: không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đầu tư mạnh mẽ cho AI và hạ tầng số
Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của mùa giải năm nay là sự bứt phá trong nghiên cứu và ứng dụng AI. GenAI không chỉ để tối ưu hóa vận hành mà còn tạo ra những AI Agent với năng lực vượt trội: Tự động hóa toàn trình các quy trình nghiệp vụ trong DN, trong các ngành tài chính, bảo hiểm, y tế, logistics…; cá nhân hóa sâu trải nghiệm người dùng; phân tích và dự báo sản xuất, bảo trì dự đoán chủ động.
Không chỉ là xu hướng, GenAI đang định hình lại bản chất của các dịch vụ số, đưa Việt Nam bước vào giai đoạn "tăng trưởng bằng tri thức" thay vì "tăng trưởng bằng tài nguyên và lao động giá rẻ". Minh chứng, 100% trong số 54 đề cử của nhóm Sản phẩm mới, ĐMST đều đưa AI vào ngay từ khi phát triển.
Cùng đó, CĐS và sự bùng nổ phát triển, ứng dụng AI đang tạo ra nhu cầu hạ tầng số lớn hơn bao giờ hết. Các tập đoàn lớn như VNPT, FPT, Viettel đang đầu tư hạ tầng trung tâm tính toán, những siêu trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Năm nay, 26 giải pháp được trao giải trong lĩnh vực này, tập trung ở một số lĩnh vực về hạ tầng số, bảo mật, an toàn thông tin… phục vụ cho cả đối tượng các cơ quan nhà nước và DN. Một số giải pháp được tích hợp vào VNeID và các giải pháp thanh toán của các DN, ngân hàng, ngăn chặn hàng trăm ngàn lượt tấn công, bảo vệ hơn 100 triệu thiết bị di động, giảm lỗi thiết bị từ 20% xuống 5%, tăng hiệu quả công việc lên 30 - 50%, tiết kiệm chi phí 20 - 40%.../.