Diễn đàn

Cần chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội phát triển công nghiệp công nghệ số

Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức 30/11/2024 13:55

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sáng 30/11, nhiều đại biểu cho rằng, để công nghiệp công nghệ số phát triển, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm - vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi - vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS), các đại biểu đánh giá cao các quy định tại dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước để phát triển CNCNS, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công nghiệp công nghệ thông tin và cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực để phát triển hiệu quả tiềm năng của ngành CNCNS trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Cần cơ chế khuyến khích, ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm

Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ CNCNS, cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai, hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNCNS nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết phát triển hệ sinh thái.

202411301005024843_z6083127537319_1ed6ef4658c22093235bb19ee38bd179.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu thực tế, các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới. Tuy nhiên, đối với chính sách phát triển CNCNS, đại biểu cho rằng, bên cạnh các chính sách ưu đãi, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng; đặc biệt, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm - vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi - vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin.

CNCNS là một ngành cần sử dụng nhiều tài nguyên, hóa chất và tác động lớn đến môi trường. Chính vì vậy, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mang tính đặc thù, vượt trội - cần đi kèm với các cam kết, nghĩa vụ - đặc biệt về bảo vệ môi trường. Cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về xử lý, thu hồi các sản phẩm bị đào thải trong CNCNS - buộc các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số phải chấp hành nghiêm các quy định về môi trường; sử dụng năng lượng xanh, sạch, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên - góp phần phát triển bền vững CNCNS.

Bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa

Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần 1/2 tổng số lao động và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo, điện - điện tử và công nghệ thông tin.

202411301005024687_z6083116024207_5b0c07276cace74cbae2c8056d838dd4.jpg
Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa. Theo đó, cần quy định cụ thể các chính sách ưu đãi: hỗ trợ về thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính: thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định, việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng.

Bên cạnh các chính sách phát triển dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, bảo đảm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “make in Việt Nam”.

202411301007494170_z6083142850258_0bbaa48121e32a9fb93b78f4609cfa90.jpg
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về CNCNS, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về CNCNS; đồng thời nghiên cứu, quy định cụ thể tại dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định: Trường hợp nào thì tạm đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về CNCNS; Trường hợp nào thì đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về CNCNS; Trường hợp nào thì thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về CNCNS và Thời hạn tạm đình chỉ, thời hạn đình chỉ giấy chứng nhận về CNCNS.

Theo quochoi.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Việt Nam tăng cường hợp tác phát triển công nghệ số với Burundi và NIPA
    Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Số quốc tế 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Đa phương tiện Burundi Léocadie Ndacayisaba và ông Hur Sung Wook, Chủ tịch Cục Xúc tiến Công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội phát triển công nghiệp công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO