Cần khuyến khích sử dụng điện toán đám mây trong CQNN

Lan Phương| 02/06/2017 08:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại phiên họp họp Hội đồng Giám đốc CNTT của CQNN khối các cơ quan Trung ương ngày 31/5/2017, đại diện của Cơ quan chuyên trách CNTT Ngân hàng nhà nước (NHNN) đề xuất cần khuyến khích các CQNN sử dụng điện toán đám mây (ĐTĐM) vì hiệu quả và tiện ích mà nó mang lại

Cụ thể, tại phiên họp, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Cục CNTT – NHNN, cho biết: CNTT luôn luôn được ngành Ngân hàng coi là một trụ cột quan trọng trong việc quản trị và cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại. Hoạt động triển khai ứng dụng CNTT trong ngành Ngân hàng tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm chính là: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động ngân hàng; Nâng cao chất lượng và tiện ích các dịch vụ ngân hàng điện tử; Đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục cho hệ thống CNTT của các ngân hàng; Đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về CNTT trong hoạt động ngân hàng.

Một trong các chỉ tiêu quan trọng để đáp ứng nhiệm vụ “Đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục cho hệ thống CNTT của các tổ chức tín dụng” là định hướng triển khai các hệ thống CNTT theo mô hình tập trung và ứng dụng xu hướng phát triển công nghệ ĐTĐM.

Tại sao ngành Ngân hàng lại lựa chọn ĐTĐM? Theo ông Hưng phân tích, ĐTĐM ra đời từ giữa năm 2007. Thời gian đầu một số hãng công nghệ lớn chưa quan tâm, thậm chí còn hoài nghi xu hướng phát triển của ĐTĐM. Tuy nhiên, qua thời gian phát triển và thực tế đã chứng minh ĐTĐM là xu hướng tất yếu vì những ưu điểm nổi trội mà ĐTĐM mang lại đó là: cắt giảm chi phí đầu tư, thời gian triển khai các hệ thống CNTT và đơn giản hóa việc quản trị hạ tầng CNTT. Nắm bắt xu hướng phát triển ĐTĐM là xu thế tất yếu, ngành Ngân hàng định hướng và nắm bắt cơ hội để tận dụng, triển khai hiệu quả hoạt động ngân hàng trên nền tảng ĐTĐM.

Ông Hưng cho biết trong lĩnh vực hoạt động tài chính, ngân hàng với đặc thù mang tính hệ thống cao với mức độ an ninh mạng yêu cầu nghiêm ngặt, hầu hết các ngân hàng lớn đều có các Trung tâm dữ liệu của riêng mình với các trang thiết bị CNTT hiện đại. Việc ứng dụng ĐTĐM trong hoạt động ngân hàng không mạnh mẽ như các lĩnh vực khác, thực tế này không chỉ đúng với Việt Nam mà đúng với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo khảo sát của NHNN, đến Quý I/2016 có 25% tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã từng bước triển khai công nghệ ảo hóa và ĐTĐM cho hạ tầng CNTT.

Một số ngân hàng tại Việt Nam đã tiên phong trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai dịch vụ ĐTĐM công cộng, cụ thể:

-  Với dịch vụ IaaS và PaaS: một số ngân hàng đã sử dụng cho môi trường phục vụ phát triển, kiểm thử các sản phẩm mới, môi trường phục vụ đào tạo.

-  Với dịch vụ SaaS: một số ngân hàng triển khai các dịch vụ thư điện tử, môi trường làm việc cộng tác; thử nghiệm các sản phẩm như: quản lý quan hệ khách hàng (CRM), phân tích dữ liệu nghiệp vụ (BI)…

Các ngân hàng đã áp dụng ĐTĐM đánh giá rất cao những lợi thế mà ĐTĐM mang lại như: Giảm thời gian triển khai dịch vụ, dự án CNTT, điều này mang lại ý nghĩa quan trọng trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh và yêu cầu khách hàng ngày càng cao; Giảm chi phí đầu tư cho các dự án CNTT (nhu cầu sử dụng đến đâu trả tiền đó); Được tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới của thế giới như big data, machine learning… một cách nhanh chóng, thuận lợi với chi phí hợp lý (nếu triển khai theo phương thức truyền thống rất khó để thực hiện); Giảm thiểu công sức trong việc quản trị, vận hành hạ tầng CNTT. 

Ông Hưng cho biết xu thế tất yếu và ý nghĩa của việc ứng dụng ĐTĐM trong ngành Ngân hàng đã được nhận thức. Ngân hàng nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng sử dụng ĐTĐM. Để đảm bảo quản lý các rủi ro, NHNN sẽ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng dịch vụ ĐTĐM trong ngành Ngân hàng. Hiện tại, Quy chế đang được lấy ý kiến góp ý trực tiếp từ đối tượng chịu tác động là các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch, NHNN sẽ hoàn thiện và ban hành Quy chế vào tháng 6/2017. Quy chế sẽ gồm 3 nội dung chính: Các hoạt động, dịch vụ ngân hàng được đưa lên ĐTĐM; Tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM; Quản lý các dịch vụ ĐTĐM. Quy chế vừa là cơ sở pháp lý và cũng là văn bản hướng dẫn chi tiết trình tự các bước mà các ngân hàng cần thực hiện khi triển khai ĐTĐM từ bước lập kế hoạch, chuẩn bị nội dung ký kết hợp đồng dịch vụ, quản lý sử dụng dịch vụ và kết thúc sử dụng dịch vụ.

Ông Hưng cũng nhấn mạnh “Sự ra đời của Quy chế quản lý và sử dụng dịch vụ ĐTĐM trong ngành Ngân hàng sẽ là một bước đánh dấu sự phát triển đáng kể của việc ứng dụng ĐTĐM trong hoạt động ngân hàng, khai thác những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để ngành Ngân hàng đóng góp hơn nữa cho nền kinh tế - xã hội”.

Triển khai ĐTĐM là phù hợp với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch ứng dụng CNTT ngành Ngân hàng giai đoạn 2017 – 2020, theo đó ngành Ngân hàng tập trung nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ CNTT phù hợp với việc triển khai dựa trên nền tảng ảo hóa và ĐTĐM để mang lại hiệu quả sử dụng tối ưu.

Với những lợi thế của ĐTĐM, ông Hưng đã đề xuất Hội đồng Giám đốc CNTT của CQNN khối các cơ quan Trung ương cần khuyến khích sử dụng ĐTĐM trong CQNN.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo mạo danh mùa lễ hội
    Các chiêu trò lừa đảo mạo danh nhằm chiếm đoạt tài sản vẫn liên tục diễn ra và tăng cao, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.
  • Báo chí trước ngưỡng tự chủ tài chính: Nhìn từ năng lực marketing và truyền thông
    Báo chí Việt Nam đang tiến đến một ngưỡng quan trọng, khi Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu 100% cơ quan báo chí tự chủ tài chính vào năm 2025 [1]. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tự tạo ra nguồn thu nhập từ hoạt động của mình, mà không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Nói một cách dễ hình dung hơn, báo chí phải tự vận hành như một doanh nghiệp thực thụ.
  • Đưa công nghệ vào thực hiện quy trình khám, chữa bệnh cho người dân
    Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị bệnh viện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân có bước phát triển quan trọng. Ðiều này đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
  • Phát triển hạ tầng số - yếu tố then chốt trong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số
    Những năm trở lại đây, Việt Nam đặt ra những kỳ vọng lớn trong việc phát triển nền kinh tế dựa trên yếu tố công nghệ và dữ liệu số. Theo đó, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là yếu tố then chốt, đặc biệt quan trọng.
  • 5 xu hướng công nghệ hàng đầu cho Đông Nam Á năm 2025
    Đông Nam Á đang chuẩn bị đón nhận một số xu hướng công nghệ mang tính chuyển đổi vào năm 2025. Với tầng lớp trung lưu đang tăng lên, sự thâm nhập Internet mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ của chính phủ, Đông Nam Á đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho đổi mới và áp dụng công nghệ.
Đừng bỏ lỡ
Cần khuyến khích sử dụng điện toán đám mây trong CQNN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO