Cần lan tỏa giá trị các tác phẩm văn chương Việt ra nước ngoài

PV| 11/12/2022 09:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Các tác giả Việt Nam nên nghĩ đến việc làm sao để viết hay nhất có thể, còn những giải thưởng sẽ đến sau. Giải Nobel hay rất nhiều giải thưởng văn học danh giá khác chỉ như một biểu tượng, sự thừa nhận từ thế giới. Và muốn được như vậy, trước hết phải để tác phẩm đủ sức lan tỏa đến nước ngoài, mà cụ thể là các nước phương Tây

Ngày 10/12, Công ty sách Đông A đã tổ chức tọa đàm "Trăm năm Nobel", với sự tham gia của các khách mời là dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, dịch giả Nguyễn Quí Hiển, biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân. Tại chương trình, các khách mời đã cùng nhau chia sẻ về giải Nobel Văn học, cũng như cơ hội của văn chương Việt đối với giải thưởng danh giá này.

Tọa đàm "Trăm năm Nobel" dựa trên tủ sách cùng tên, do Đông A khởi động từ năm 2021, nhằm tôn vinh những tác giả từng nhận giải Nobel Văn học. Đến nay, tủ sách đã xuất bản được 4 ấn phẩm, gồm: Thi khúc & Thi phẩm của Sully Prudhomme (Nobel Văn học năm 1901); Tội ác của Sylvestre Bonnard & Đảo chim cánh cụt của Anatole France (Nobel Văn học năm 1921); Lịch sử La Mã (tập I) của Theodor Mommsen (Nobel Văn học năm 1902); Tuyển tập kịch Jacinto Benavente (Nobel Văn học năm 1922).

Cần lan tỏa giá trị các tác phẩm văn chương Việt ra nước ngoài - Ảnh 1.

Các khách mời đã có những chia sẻ thú vị về giải Nobel Văn học

Tại Tọa đàm, các khách mời đã có những chia sẻ thú vị về giải Nobel Văn học cũng như về nội dung, điểm đặc sắc và quá trình chuyển ngữ một số tác phẩm sang tiếng Việt. Đặc biệt, một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại tọa đàm là cơ hội đoạt giải Nobel Văn học của các nhà văn Việt Nam, khi Ủy ban Nobel gửi thư đến người đại diện của Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị đề cử tác giả xét giải Nobel Văn học vào đầu năm nay.

Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân chia sẻ: Bản thân tôi cũng hy vọng Việt Nam sớm sẽ có người được ghi danh trong bảng Khôi nguyên của giải Nobel. Để làm được điều đó, đầu tiên, bản thân mỗi độc giả Việt Nam cần dành mối quan tâm sâu sắc hơn cho các nhà văn của chúng ta, làm sao để giúp các nhà văn không phải làm gì nữa mà chỉ cần tập trung vào sáng tác thôi thì may ra mới có những tác phẩm tốt. Muốn đạt được như vậy thì một tác phẩm của nhà văn bán ra, trong dân số 100 triệu chúng ta chỉ cần bán được 10 triệu bản. Khi nào có một số lượng phát hành như vậy, chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam sẽ sớm có một nhà văn lọt vào tầm quan tâm của thế giới.

Còn dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, người đã từng dịch một số tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel Văn học như Kazuo Ishiguro hay Kawabata Yasunari sang tiếng Việt, cho rằng, mong muốn nhận giải văn học với các nhà văn là hoàn toàn chính đáng. Theo ông, là một người viết văn, bạn không thể không mong muốn tác phẩm của mình được nhiều người biết, thậm chí không chỉ trong một quốc gia.

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cũng bày tỏ: "Các tác giả Việt Nam nên nghĩ đến việc làm sao để viết hay nhất có thể, còn những giải thưởng sẽ đến sau. Giải Nobel hay rất nhiều giải thưởng văn học danh giá khác chỉ như một biểu tượng, sự thừa nhận từ thế giới. Và muốn được như vậy, trước hết phải để tác phẩm đủ sức lan tỏa đến nước ngoài, mà cụ thể là các nước phương Tây"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần lan tỏa giá trị các tác phẩm văn chương Việt ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO