Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là những vấn đề được Chính phủ ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới này. Trong đó, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững được triển khai, đặc biệt là tập trung đảm bảo về mặt y tế, an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh để tạo thêm công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Để đạt được các mục tiêu an sinh xã hội và lao động việc làm, đất nước cần có lực lượng lao động chất lượng cao, làm chủ khoa học công nghệ. Và để như vậy, cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Mới đây, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, thể chế hỗ trợ và thực hiện hiệu quả. Vừa qua, để hỗ trợ người dân phục hồi sau đại dịch COVID-19, 87.000 tỷ đồng đã được chi hỗ trợ với 56 triệu lượt người và trên 730.000 người sử dụng lao động được hưởng lợi từ các chính sách. Đây là những chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ.
Đối với vấn đề phát triển lực lượng lao động, giáo dục nghề nghiệp, thực tế thời gian khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế dần mở cửa đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động. Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tại phiên thảo luận, hiện nay thị trường lao động Việt Nam đạt quy mô 51,9 triệu người, tăng cao hơn 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 2,28%, thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Công tác giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô và chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng lên, chất lượng đào tạo cũng được chú trọng và thực chất hơn. Kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã được cải thiện với số lượng lao động làm việc, đảm nhận nhiều vị trí đòi hỏi kỹ năng cao đã tăng lên. Nhiều lao động Việt Nam nắm giữ những công việc quản lý tại các doanh nghiệp FDI, trong đó nhiều công việc phức tạp trước đây đều do các chuyên gia nước ngoài phụ trách, thì này người lao động Việt Nam đã có thể đảm đương. Trong cuộc thi tay nghề thế giới tổ chức tại Đức với gần 100 quốc gia tham gia vừa qua, Việt Nam giành được 2 huy chương bạc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt thành tích tốt như vậy từ trước đến nay.
Thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và xã hội sẽ tiếp tục tham mưu về việc tăng cường sự lãnh đạo, sát sao của các ban, ngành đối với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và phát triển. Các nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng thị trường lao động sẽ được ban hành theo định hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt gắn kết phù hợp giữa nguồn cung và nhu cầu về lao động. Các chương trình đầu tư công, phát triển trường học, trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao sẽ được tăng cường./.