Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ tính riêng trong tháng 8/2021, khu vực vùng núi phía Bắc có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150mm-250mm/đợt, riêng Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh cục bộ trên 250mm/đợt (thời gian xảy ra mưa to tập trung cao điểm vào đêm và sáng); nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Để chủ động ứng phó thiên tai nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là trong trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, các địa phương và các ngành chức năng đã tăng cường năng lực dự báo, chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhận thức rõ thiên tai tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các tỉnh đều xác định "lấy phòng ngừa là chính", từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ", tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo.
Trước mùa mưa bão năm 2021, tỉnh Lào Cai lắp đặt, thuê dịch vụ thêm 20 trạm đo mưa tự động, hai hệ thống dự báo, cảnh báo thời tiết, triển khai lắp đặt 63 biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang đã cắm biển cảnh báo ở hơn 550 khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để người dân nhận biết và phòng tránh, lắp đặt hoàn thiện 20 trạm đo mưa tự động tại khu vực trọng điểm. Các trạm đo mưa sẽ tự động thông báo dữ liệu về máy điện thoại của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, từ đó có những dự báo, khuyến cáo cho chính quyền địa phương, người dân chủ động phòng tránh.
Tỉnh Bắc Kạn đã lắp đặt 21 trạm đo mưa tự động và tiếp nhận 20 trạm được hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai cộng đồng (2018 - 2020) lắp đặt ở các xã, phục vụ công tác cảnh báo sớm. Các địa phương cũng thông báo đến người dân cài đặt phần mềm theo dõi lượng mưa trên điện thoại cá nhân, theo dõi trang Facebook phòng, chống thiên tai của tỉnh.
Cùng với đó, các địa phương tăng cường lực lượng tại chỗ để kịp thời ứng phó, khắc phục khi thiên tai xảy ra. Tỉnh Lào Cai tập trung củng cố, kiện toàn 152 đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, phường, thị trấn. Mỗi đội có từ 60 đến 120 thành viên là hội viên các tổ chức, đoàn thể ở địa phương làm lực lượng nòng cốt trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ cơ sở. Khi có nguy cơ xảy ra mưa lũ, các thành viên tổ xung kích đến từng nhà dân kiểm tra, sơ tán, di chuyển những hộ dân nhà ở cạnh suối để phòng ngừa lũ quét, ngập úng, sạt lở đất; trường hợp xảy ra sự cố thì cứu hộ, giúp dân ổn định cuộc sống và sản xuất.
Tỉnh Hà Giang cũng đã có nhiều mô hình hay trong việc giảm thiệt hại do thiên tai, như huyện Quản Bạ là địa bàn thường xuyên xảy ra mưa đá, gió lốc. Trước kia, cứ đến mùa mưa bão là nhà ở các hộ dân thường bị tốc mái, sạt lở tường. Huyện đã vận động người dân thực hiện gia cố, chằng néo mái nhà bằng lưới sắt B40. Ðến nay, huyện đã có 312 công trình công cộng, cơ quan, trường học, trạm y tế và hơn 2.000 hộ dân thực hiện chằng néo, gia cố, nẹp mái nhà để phòng, chống gió lốc. Cùng với đó là tuyên truyền người dân trát chân tường nhà đối với những nhà làm bằng đất để đề phòng sạt tường.
Cùng với những biện pháp phòng ngừa, việc cần kíp nhất hiện nay là di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Năm 2020, tỉnh Lào Cai đã di dời hơn 100 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; bảy tháng đầu năm 2021, di dời được hơn 50 hộ. Hiện tại, tỉnh còn 423 hộ trong vùng nguy hiểm cần phải di dời. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm ở các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và thị xã Sa Pa…