Chủ tịch IMF: Chúng ta đang sống trong những ngày tháng đen tối nhất lịch sử, Covid-19 còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng và đại suy thoái!

Hà My| 11/04/2020 19:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch Covid-19 sẽ càn quét kinh tế thế giới và dẫn tới tăng trưởng âm vào năm 2020, gây ra sự sụp đổ tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái năm 1930 đến nay và sẽ chỉ phục hồi một phần vào năm 2021.

Theo đó, Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF đã mô tả bức tranh về tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 cụ thể và chi tiết hơn so với những gì đã đưa ra trước đây sau khi Chính phủ các nước tung ra các gói cứu trợ kinh tế trị giá tới 8 nghìn tỷ USD.

Đại diện IMF cho biết cuộc khủng hoảng này sẽ tác động mạnh nhất tới các thị trường mới nổi – những thị trường này sau đó sẽ cần tới hàng trăm tỷ USD từ viện trợ nước ngoài để có thể hồi phục.

"Chỉ mới 3 tháng trước, chúng tôi còn dự đoán tăng trưởng bình quân đầu người tích cực tại hơn 160 quốc gia thành viên IMF vào năm 2020", đại diện IMF cho biết trong một bài phát biểu ngày 9/4 chuẩn bị cho cuộc họp chính sách mùa xuân giữa IMF và World Bank vào tuần tới.

"Cho tới hôm nay, mọi dự đoán đều đi ngược dòng. Theo số liệu dự báo của chúng tôi, 170 quốc gia thành viên IMF sẽ không thể đạt mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người như mong đợi trong năm nay", bà Georgieva cho biết.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế cũng hi vọng, nền kinh tế thế giới có thể phục hồi một phần vào năm 2021 nếu đại dịch chết chóc này có thể kết thúc vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh hiện tại.

"Tôi xin nhấn mạnh rằng sẽ không có triển vọng tươi sáng nào cho kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, mọi thứ còn có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không kiểm soát tốt dịch bệnh và những tác động xung quanh nó, bao gồm thời gian kéo dài dịch bệnh này", đại diện IMF chia sẻ.

IMF hiện có 189 quốc gia thành viên, dự kiến sẽ công bố dự báo chi tiết về triển vọng kinh tế thế giới vào thứ ba tuần sau (14/4).

Theo số liệu từ Reuters, dịch bệnh Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái và hiện nay đã lây lan ra toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Tính đến ngày 9/4, thế giới đã có hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh và hơn 95.000 người chết vì Covid-19.

"Đại dịch này tấn công cả nước giàu lẫn nước nghèo; trong đó khu vực châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh có nguy cơ tử vong cao hơn do họ có hệ thống y tế yếu kém hơn. Bên cạnh đó, họ cũng khó để thực hiện giãn cách xã hội ở các thành phố đông dân và khu ổ chuột nghèo đói", người đứng đầu IMF nhấn mạnh.

Bà Georgieva tiết lộ, chỉ trong 2 tháng vừa qua, các nhà đầu tư đã rút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư từ các thị trường mới nổi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Con số này lớn gấp 3 lần dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Khi giá hàng hoá giảm mạnh, các thị trường mới nổi và quốc gia đang phát triển sẽ cần tới hàng ngàn tỷ USD để chống lại dịch bệnh và giải cứu nền kinh tế.

"Khi đó, họ cần sự cứu trợ. Hàng trăm tỷ USD sẽ phải được bơm vào từ các nguồn bên ngoài vì Chính phủ các nước này chỉ có thể chi trả một phần chi phí trong khi nhiều nước đã có tỷ lệ nợ công cao", đại diện IMF nói.

Theo bà Georgieva, IMF đang kêu gọi các Chính phủ hành động, hiện tại đã có khoảng 8 nghìn tỷ USD được bơm ra để giải cứu thị trường.

Để đảm bảo nền kinh tế thế giới có thể phục hồi trong tương lai, bà Georgieva kêu gọi Chính phủ các nước cần nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus, cải thiện hệ thống y tế; đồng thời kiểm soát tốt hoạt động xuất khẩu để ngăn dòng chảy xuất khẩu thiết bị y tế và thực phẩm thiết yếu ra bên ngoài.

"Những hành động thiết thực mà chúng ta thực hiện bây giờ sẽ quyết định tới tốc độ và thời gian phục hồi nền kinh tế", bà nói.

Một điều không kém phần quan trọng là Chính phủ các nước cần kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 càng sớm càng tốt như trợ cấp lương, trợ cấp thất nghiệp và điều chỉnh các điều khoản cho vay, giảm bớt áp lực về tài chính.

Bên cạnh đó, các nước cần tăng cường chính sách tài khoá phối hợp, duy trì chính sách tiền tệ ổn định và giữ lạm phát ở mức thấp.

"Những nước có nguồn lực và khoảng không chính sách rộng hơn sẽ cần điều chỉnh nhiều hơn. Trong khi đó, những nước có nguồn lực hạn chế cần sự hỗ trợ từ bên ngoài nhiều hơn", đại diện IMF cho biết.

Bà cũng nhấn mạnh rằng IMF đã chuẩn bị và sẵn sàng tung ra thị trường gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ USD nhằm giải cứu các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Hội đồng điều hành IMF cũng đồng ý thông qua đề xuất tăng gấp đôi gói viện trợ khẩn cấp của mình lên 100 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu của hơn 90 quốc gia thành viên.

Cũng trong bối cảnh này, Quỹ tiền tệ quốc tế tìm cách cung cấp hỗ trợ thanh khoản bổ sung bao gồm việc tạo ra các dòng thanh khoản ngắn hạn mới và các giải pháp cho vay ngay cả đối với các quốc gia có nợ không bền vững.

"Trong cuộc đời tôi, tôi cho rằng đây là những ngày tháng đen tối nhất của lịch sử loài người, một mối lo ngại lớn với toàn nhân loại. Nó đòi hỏi tất cả chúng ta phải đoàn kết và cùng chung tay bảo vệ cộng đồng, bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh hơn chúng ta", lãnh đạo IMF nhấn mạnh.

Chủ tịch IMF: Chúng ta đang sống trong những ngày tháng đen tối nhất lịch sử, Covid-19 còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng và đại suy thoái! - Ảnh 1.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch IMF: Chúng ta đang sống trong những ngày tháng đen tối nhất lịch sử, Covid-19 còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng và đại suy thoái!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO