Ngày 6/6/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã họp sơ kết công tác đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 2 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 3. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chủ trì buổi họp. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ và các doanh nghiệp (DN) viễn thông.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì Hội nghị
Giai đoạn 2 đã thực hiện chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định của 23 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Bắt đầu chuyển đổi từ 0h ngày 15/4/2017, kết thúc quay số song song vào 23h59 ngày 14/5/2017 và kết thúc thời gian duy trì âm thông báo từ 23h59 ngày 16/6/2017.
Tại Hội nghị, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, toàn bộ quá trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 2 ở 23 tỉnh, thành trên cả nước từ ngày 15/4 đã diễn ra suôn sẻ, liên lạc thông suốt.
Theo số liệu báo cáo của các DN viễn thông, tổng số cuộc gọi liên mạng, liên tỉnh theo mã vùng mới trong giai đoạn 2 là hơn 13,4 triệu, chiếm tỉ lệ trung bình toàn mạng khoảng 42% (con số này ở giai đoạn 1 là 5,6 triệu cuộc gọi, tương đương 40%). Đối với cuộc gọi quốc tế chiều về, tỉ lệ cuộc gọi quay theo mã vùng mới trong giai đoạn 2 chiếm khoảng 15% trung bình toàn mạng, tăng cao so với giai đoạn 1 (8%).
Theo ông Trần Mạnh Tuấn, đạt được các kết quả trên trên nhờ nhiều yếu tố, đặc biệt là việc lãnh đạo Bộ TT&TT đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình triển khai chuyển đổi giai đoạn 2. Công tác thông tin, tuyên truyền đã được Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Viễn thông và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo, hướng dẫn một cách kịp thời, liên tục. Bên cạnh đó, sự vào cuộc rất tích cực để đưa tin, bài của các cơ quan báo đài từ Trung ương tới địa phương cũng góp phần, nên sự đồng thuận của người sử dụng dịch vụ và toàn xã hội.
Các DN viễn thông đã chủ động, tích cực thông tin tuyên truyền liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, do đã rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1 nên các biện pháp, giải pháp về thử nghiệm kỹ thuật đã được các DN viễn thông thực hiện khoa học, nhanh chóng và hiệu quả hơn trong giai đoạn 2.
Theo kế hoạch, giai đoạn 3 bắt đầu từ 0h ngày 17/06/2017 áp dụng cho 23 tỉnh, thành phố cuối cùng bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai,Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh. Đây là các tỉnh/thành phố có số lượng thuê bao nhiều nhất trong 3 giai đoạn với số lượng là 3,07 triệu thuê bao, tương đương với 58% tổng số thuê bao cả nước.
Thời gian quay số song song từ 17/6/2017 đến 16/7/2017. Thời gian duy trì âm báo từ 17/7/2017 đến 31/8/2017. Các mã vùng mới của 23 tỉnh thành chuyển đổi giai đoạn 3 được quy định như sau:
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi GĐ 3 diễn ra thành công.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: "Các số liệu báo cáo và dư luận phản ánh tích cực trên báo chí, truyền thông là minh chứng rõ ràng cho thấy chúng ta đã triển khai tốt giai đoạn 1 và 2 của việc đổi mã vùng điện thoại. Đây là những tiền đề để chúng ta tiếp tục hoàn thành tốt quá trình chuyển đổi giai đoạn 3".
Để giai đoạn 3 được thực hiện thành công, Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các đơn vị tham gia tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền. Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Viễn thông phối hợp với Cục PTTH & TTĐT gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh thành tiếp tục chỉ đạo các đài truyền hình, báo chí địa phương cùng các cơ quan, thông tấn báo chí TƯ tuyên truyền nhắc lại về mục đích, lợi ích của chuyển đổi mã vùng điện thoại, danh sách mã vùng mới và đặc biệt hướng dẫn cách quay số mới, nhấn mạnh đến việc phải quay số 0 để kết nối cuộc gọi thành công. Ngoài các phương tiện truyền thông chính thống như thông báo qua tin nhắn, tờ rơi, hóa đơn thông báo cước, trang web, trang fanpage, ... các doanh nghiệp viễn thông cũng cần sử dụng thêm những phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội để thông tin đến khách hàng về kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng giao cho Cục Viễn thông và VNPT, DN có số lượng thuê bao cố định lớn nhất cả nước chủ trì, thống nhất đầu số thử nghiệm cũng như phân lịch thử nghiệm liên mạng về chuyển đổi mã vùng vào tối 8/6. Song song với đó, các DN cũng cần chủ động, tích cực thử nghiệm chuyển đổi nội mạng, không được chủ quan và phối hợp chặt chẽ với các DN khác để tránh xảy ra sự cố khi chính thức triển khai giai đoạn 3 vào ngày 17/6.
Các DN viễn thông cũng cần lưu ý rà soát lại các đối tượng khách hàng là các bộ, ngành, tổ chức, DN đang sử dụng tổng đài cũ, thông báo và phân tích cho họ thấy lợi ích cũng như yêu cầu cấp bách phải nâng cấp tổng đài và chuyển đổi sang mã vùng điện thoại mới. Các DN tập trung hướng dẫn, đào tạo cho lực lượng cán bộ kỹ thuật bổ sung, đồng thời rà soát kỹ lưỡng để tránh gây bức xúc cho khách hàng về vấn đề giá cước trong thời gian tới.