Các cán bộ kỹ thuật của VNPT - Net đang thực hiện quá trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định.
Việc đổi số được thực hiện vào ban đêm để làm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, công tác CĐMV cơ bản hoàn thành không ảnh hưởng nhiều dịch vụ của khách hàng.
Chuyển đổi trong 15 phút
Là doanh nghiệp (DN) đang chiếm giữ hơn 90% thị phần thuê bao cố định (khoảng 4,5 triệu thuê bao) trên thị trường hiện nay, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tiến hành CĐMV từ rất sớm, nhiều lần quá trình thử nghiệm. Với các phương án kỹ thuật được chuẩn bị và triển khai nhanh chóng, kỹ lưỡng, quá trình CĐMV đã hoàn thành trước thời gian dự kiến, cơ bản không ảnh hưởng đến dịch vụ của khách hàng. Theo đó, VNPT dự kiến sẽ hoàn thành việc đổi số chính thức từ 0 đến 2 giờ ngày 11-2, song tại thời điểm 0 giờ 15 phút, các cuộc gọi thử nghiệm đã diễn ra bình thường.
Hiện tại, thông tin liên lạc tại các tỉnh theo mã vùng mới đã thông suốt. Hệ thống tổng đài đã được cập nhật để đáp ứng khả năng quay số song song theo mã vùng cũ và mới trong vòng 30 ngày, sau đó phát âm thông báo thay đổi mã vùng cho từng tỉnh trong 30 ngày tiếp theo. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của VNPT sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc gọi thử nghiệm liên tục tới tất cả các tỉnh, thành phố, trên tất cả các loại hình thuê bao cố định, với tất cả đối tác để bảo đảm không ảnh hưởng tới khách hàng.
Được biết, trong đêm 10-2, đoàn làm việc của Cục Viễn thông (Bộ TTTT) do Cục trưởng Nguyễn Đức Trung đã kiểm tra việc thực hiện đổi số của VNPT tại Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net). Tại đây, Phó Tổng Giám đốc VNPT Tô Mạnh Cường cho biết, do có nhiều loại hình thuê bao cố định (thông thường, IMS, Gphone, VSAT) cho nên việc đổi số không chỉ thực hiện tại mỗi trụ sở của VNPT-Net mà cả 63 chi nhánh đang cùng trực của VNPT trên cả nước để cùng khai báo và cập nhật mã vùng mới. Cũng nhờ chuẩn bị kỹ cho nên VNPT đã hoàn toàn sẵn sàng. Kết quả cho thấy, các cuộc gọi kết nối từ di động VinaPhone tới các số cố định VNPT (theo mã vùng mới) đã hoàn toàn thông suốt từ 0 giờ 15 phút ngày 11-2.
Ít gây ảnh hưởng
Ghi nhận tại các địa phương cũng cho thấy, việc CĐMV cơ bản không gây nhiều xáo trộn. Tại tỉnh Quảng Bình, có hai nhà mạng thực hiện CĐMV, trong đó Viễn thông Quảng Bình có 23.620 thuê bao, Viettel Quảng Bình có 2.176 thuê bao. Theo Viễn thông Quảng Bình, lúc 23 giờ ngày 10-2, đơn vị đã phối hợp các đơn vị thuộc VNPT tiến hành khai báo dữ liệu đồng thời tại hai tổng đài Host AXE-810 Đồng Hới và Ba Đồn. Sau khi hoàn thành khai báo dữ liệu đổi mã vùng mới, Viễn thông Quảng Bình cho gọi thử từ điện thoại cố định, điện thoại Gphone, điện thoại IMS đến 12 tỉnh đổi mã vùng mới trong đợt một, đồng thời gọi thử đến tất cả các dịch vụ của DN viễn thông khác như Mobifone, Viettel… đều thành công.
Viễn thông Quảng Bình đề nghị các DN viễn thông khác gọi thử đến tất cả các dịch vụ điện thoại cố định của đơn vị đều thành công và kết thúc lúc 2 giờ 30 phút ngày 11-2. Theo Thiếu tá Nguyễn Phi Long, Phó Giám đốc kỹ thuật Viettel Quảng Bình, toàn bộ máy chủ của Viettel Quảng Bình đều đặt tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội ở Hà Nội, do đó công việc CĐMV được Tập đoàn thực hiện chung trên toàn quốc. Viettel Quảng Bình chỉ thực hiện công tác tuyên truyền, theo dõi và kiểm tra chất lượng cuộc gọi. Đơn vị đã kiểm tra gọi chéo các mạng di động, mạng cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các cuộc gọi đi, gọi đến được kết nối thành công.
Giám đốc Sở TTTT Quảng Bình Hoàng Việt Hùng cho biết: Để thực hiện tốt việc CĐMV, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, trên phiếu báo cước tháng 12-2016 và tháng 1-2017 cũng như trên các trang thông tin điện tử; nhắn tin tới các đầu số thuê bao; niêm yết tại các điểm giao dịch… Sở TTTT họp với các DN viễn thông, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chuyên môn để thực hiện khai báo lập trình trên các tổng đài nhằm cho phép quay số song song mã vùng cũ và mới trong thời gian cho phép.
Hiện nay, Quảng Bình đã hoàn thành việc CĐMV từ 052 sang 232 với chất lượng các cuộc gọi đi và gọi đến được kết nối thành công, bảo đảm chất lượng theo quy định. Anh Nguyễn Văn Hải, trú tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: Do quy định người dùng gọi điện thoại theo cả mã số cũ và mới trong thời gian một tháng rồi tiếp tục được tổng đài báo thông báo CĐMV mới trong tháng tiếp theo cho nên người dân không gặp khó khăn gì lớn khi sử dụng dịch vụ điện thoại cố định.
Tại TP Đà Nẵng, đã có gần 130 nghìn thuê bao cố định được chuyển đổi từ mã vùng 511 sang 236. Trước đó, Sở TTTT Đà Nẵng đã tổ chức tuyên truyền trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở, trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Đáng chú ý, Trung tâm Thông tin Dịch vụ công TP Đà Nẵng (PSC) đã thực hiện 20 nghìn tin nhắn với nội dung thông báo kể từ ngày 11-2 sẽ CĐMV điện thoại cố định trên địa bàn từ 511 thành mã vùng mới 236; thiết lập đường dây nóng; tuyên truyền thông qua việc giải đáp thông tin trên Tổng đài Dịch vụ công 1022;… Bên cạnh đó, các nhà mạng viễn thông cũng đã thực hiện tin nhắn đến các thuê bao di động về thông tin CĐMV theo kế hoạch.
Trong sáng 11-2, PSC cũng đã tổ chức chạy xe máy cổ động về việc CĐMV trên nhiều tuyến đường của thành phố. Theo Sở TTTT thành phố Đà Nẵng, quá trình CĐMV có xáo trộn và ảnh hưởng một phần đến người dân, tổ chức. Để hạn chế những ảnh hưởng này, Sở TTTT chủ động triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức cá nhân sử dụng dịch vụ. Nhiều DN tại Đà Nẵng khi thực hiện việc CĐMV điện thoại cố định sang mã mới đều bày tỏ chia sẻ về chủ trương của Nhà nước, là việc nên làm nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước.
Trao đổi với phóng viên sáng 11-2 sau khi mã vùng điện thoại đã được chuyển đổi, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Ta-xi Tiên Sa cho biết: Khi nhận được chủ trương CĐMV điện thoại cố định của Bộ TTTT, DN hoàn toàn ủng hộ. Trước khi triển khai kế hoạch này, Bộ TTTT đã có những nghiên cứu, đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm cũng như mức độ ảnh hưởng tới cá nhân, DN.
Riêng đối với Ta-xi Tiên Sa, mặc dù để triển khai thực hiện việc chuyển đổi này, DN tốn một khoản chi phí không hề nhỏ khi phải thay mới hoàn toàn tất cả các thông tin của DN, thay mới đề-can cả nghìn chiếc xe, in ấn lại hàng nghìn tấm danh thiếp... Riêng tại thị trường Đà Nẵng, gần 500 đầu xe đã bắt đầu được thay mới đề-can. Nhưng nhìn về tương lai, DN sẵn sàng chia sẻ để công tác CĐMV được thuận lợi. Hiện DN đang tiến hành thay dần số điện thoại trên đề-can xe, trong vòng một tháng sẽ lưu hành song song hai số điện thoại mã cũ và điện thoại mã mới.
Kết thúc giai đoạn 1 của Kế hoạch CĐMV điện thoại cố định, 13 tỉnh, thành phố sẽ có mã vùng mới, lần lượt là: Sơn La có mã mới là 212, Lai Châu là 213, Lào Cai là 214, Điện Biên là 215, Yên Bái là 216, Quảng Bình là 232, Quảng Trị là 233, Thừa Thiên - Huế là 234, Quảng Nam là 235, Đà Nẵng là 236, Thanh Hóa là 237, Nghệ An là 238 và Hà Tĩnh là 239. Người dân cũng có thể sử dụng ứng dụng VNPT Update Contacts để cập nhật mã vùng tự động trong danh bạ điện thoại thông minh một cách thuận tiện, nhanh chóng hơn. |
ANH ĐÀO, HƯƠNG GIANG và VIỆT HẢI