Chuyển đổi số ngành Ngoại giao kỳ vọng sẽ trao thêm sức mạnh cho nhà ngoại giao Việt Nam

Phạm Giang| 14/06/2022 14:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngoại giao thời chuyển đổi số khác biệt ngoại giao truyền thống về cả không gian, thời gian, về thông điệp, về phong cách và đặc biệt là vai trò rất quan trọng của công nghệ. Cán bộ ngoại giao thời chuyển đổi số cũng khác biệt với cán bộ ngoại giao thời kỳ trước. Họ vừa là chuyên gia truyền thông, là chuyên gia công nghệ, vừa là chuyên gia an toàn an ninh mạng. Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Ngoại giao cần trao thêm sức mạnh cho nhà ngoại giao Việt Nam. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại Tọa đàm về chuyển đổi số do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 13/6/2022.

Chiều ngày 13/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm về chuyển đổi số của Bộ Ngoại giao. Tham dự về phía Bộ Ngoại giao có Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu và đại diện một số cơ quan liên quan thuộc Bộ. Về phía Bộ TT&TT có Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, đại diện Cục Tin học hóa và Vụ Hợp tác quốc tế.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Bộ Ngoại giao đã giới thiệu khái quát về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ với các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 và năm 2030. Bộ Ngoại giao là một Bộ có nhiều tính chất đặc thù, không giống như những Bộ ngành khác. Các hoạt động của Bộ không chỉ giới hạn trong nước mà còn gắn kết với các cơ quan đại diện tại nước ngoài. Đối tượng phục vụ không chỉ là người dân Việt Nam trong nước mà cả người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài.

Chuyển đổi số là làm khác đi nhờ dữ liệu và sử dụng công nghệ số

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng giới thiệu một số nội dung khái quát về chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số có nghĩa là làm khác đi nhờ dữ liệu và sử dụng công nghệ số.

Chuyển đổi số góp phần tạo ra ba xu hướng, đó là phi trung gian hóa, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa. Phi trung gian hóa là loại bỏ bớt các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa các bên. Phi tập trung hóa nghĩa là có nhiều người hơn, nhiều mắt xích hơn cùng tham gia tạo ra giá trị. Phi vật chất hóa là số hóa các thực thể vật chất hữu hình để tạo ra phiên bản số hoặc tạo ra các thực thể số thuần túy.

Liên quan đến Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Ngoại giao hiện đang trong quá trình hoàn thiện, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT đánh giá cao kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Ngoại giao, về cơ bản kế hoạch này đã bám sát chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số.

Thứ trưởng cho biết, nền tảng mạng xã hội của Việt Nam Zalo hiện đang có 74 triệu người dùng/tháng và đang được người Việt sinh sống, làm việc tại 25 quốc gia trên thế giới sử dụng. Bộ Ngoại giao có thể sử dụng nền tảng này để kết nối với người Việt tại khắp nơi trên thế giới, Thứ trưởng gợi ý.

Ngoại giao thời chuyển đổi số khác gì ngoại giao thời kỳ trước?

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, ngoại giao thời chuyển đổi số khác biệt ngoại giao truyền thống về cả không gian, thời gian, về thông điệp, về phong cách và đặc biệt là vai trò rất quan trọng của công nghệ. Ngoại giao thời chuyển đổi số mở rộng sang không gian mạng, hướng trực tiếp tới người dân của quốc gia cần ngoại giao. Ngoại giao trên không gian mạng diễn ra liên tục, phản ứng tức thời với các diễn biến trên thực tế.

Chuyển đổi số ngành Ngoại giao kỳ vọng sẽ trao thêm sức mạnh cho nhà ngoại giao Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại buổi Tọa đàm

Về phong cách, ngoại giao thời chuyển đổi số có phong cách đa dạng, từ nghiêm túc cho đến phong cách gần gũi cuộc sống. Về thông điệp, ngoại giao thời chuyển đổi số có tính chất cá nhân hóa thông điệp cao theo quốc gia, sự kiện tham dự. Hình thức truyền đạt thông điệp đa dạng: diễn thuyết, hình ảnh, video…

Ngoại giao thời chuyển đổi số đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ với sự hỗ trợ của các kỹ sư, nhà phân tích dữ liệu và chuyên gia truyền thông trên mạng xã hội.

Cán bộ ngoại giao thời chuyển đổi số cũng rất khác biệt với cán bộ ngoại giao thời kỳ trước. Họ vừa là một KOLs (người có ảnh hưởng) trên mạng xã hội, là một chuyên gia truyền thông, là một chuyên gia công nghệ, vừa là một chuyên gia an toàn an ninh mạng.

Phát biểu kết luận sự kiện, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ sự nhất trí cao với những quan điểm, góc nhìn về chuyển đổi số của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng. Bộ trưởng tâm đắc với gợi ý sử dụng nền tảng Make in Việt Nam để kết nối từ người lãnh đạo cao nhất của Bộ đến các cơ quan đại diện của Bộ tại nước ngoài. Bộ TT&TT cần tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Bộ Ngoại giao trong tiến trình chuyển đổi số trong thời gian tới phù hợp với thực tiễn, với đặc trưng riêng có của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ngành Ngoại giao kỳ vọng sẽ trao thêm sức mạnh cho nhà ngoại giao Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO