Chuyển đổi số nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao

PV| 23/09/2022 09:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm (2021-2030).

"Từ những cơ chế, chính sách và sự quan tâm của các cấp, các ngành, khu vực KTTT, HTX có chuyển biến tích cực về chất và lượng; về cơ bản, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân", Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, những năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực KTTT, đặc biệt là HTX vận tải, du lịch và các HTX nông nghiệp sản xuất nông sản; hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của thành viên và HTX. Ngoài những khó khăn truyền thống, các HTX hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới như: cạnh tranh gay gắt, thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, về bảo mật thông tin và dễ bị tổn thương từ những tác động bên ngoài.

Thứ trưởng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong giai đoạn trung và dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính chiến lược, như: (1) Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; (2) Nghị quyết số 134/NQ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị; (3) Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 340/QĐ-TTg, ngày 12/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030; số 1318/QĐ-TTg, ngày 22/7/2021 Phê duyệt Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025; số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025; số 167/QĐ-TTg, ngày 03/02/2021 phê duyệt Đề án "Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025".

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trong 20 năm qua, Chính sách, pháp luật về KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển. Khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, nhưng khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX đề ra: Tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT chỉ bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của KTTTvào GDP cả nước giảm từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020. Nhiều HTX tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã; các quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối trong nhiều HTX còn biểu hiện xa rời bản chất và các giá trị của KTTT.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa những giải pháp đã được thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ phát triển HTX gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là công khai, minh bạch, bình đẳng, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.

"Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Chúng ta không quyết liệt đổi mới gắn với chuyển đổi số đối với mô hình KTTT, HTX, thì mô hình này sẽ tụt hậu và không thích ứng được với nền kinh tế hiện đại, kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

"Tinh thần là chuyển đổi số một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình thích hợp", Thủ tướng nói.

Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, chúng ta phải đổi mới tư duy, bắt đầu từ nhận thức; Có tầm nhìn xa, tổng thể; Phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác. Xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

"Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; Làm phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, đi từ nhỏ đến lớn, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đối số, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hiện nay, hoạt động chuyển đổi số ở một số nơi còn mang nặng tính hình thức, phong trào, chưa thực chất, hiệu quả. Chưa xác định chuyển đổi số là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công hoặc kém hiệu quả của mô hình kinh tế này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO