Chuyển đổi số trong báo chí: Sa vào "cuộn chỉ rối" hay bước vào cuộc tái sinh?

Thu Hiền (Thực hiện)| 21/06/2021 20:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số trong báo chí là một trong những vấn đề nóng trong thời gian gần đây.

Chuyển đổi số trong báo chí: Sa vào "cuộn chỉ rối" hay bước vào cuộc tái sinh?Back to top

Chuyển đổi số trong báo chí:
Sa vào
“cuộn chỉ rối”

hay bước vào cuộc tái sinh?

Tuyết Hoa (thực hiện)

Chuyển đổi số trong báo chí là một trong những vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Khi mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, thì nó trở thành điều tất yếu đối với các cơ quan báo chí (CQBC). Để tìm hiểu việc chuyển đổi số trong báo chí thời gian qua đã diễn ra như thế nào và đánh giá về nó ra sao, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Bùi Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí Truyền thông (Đại học KHXH & NV) xung quanh vấn đề này.

Đừng "vĩ mô hóa, lý thuyết hóa" cuộc cách mạng chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong báo chí đã được các nhà quản lý, các chuyên gia và nhiều bài báo nhắc đến trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nhiều CQBC vẫn chưa biết bắt đầu giải bài toán chuyển đổi số từ đâu…

PGS. TS Bùi Chí Trung: Tôi còn nhớ, cách đây 2 năm, trong diễn đàn "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nói, "Chúng ta có hàng ngàn báo và tạp chí. Nếu từng cơ quan này phải đầu tư nền tảng số thì sẽ rất tốn kém, nhiều cơ quan báo chí không có đủ nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực để đầu tư. Nhưng nếu có một Platform để các báo có thể lên đó, tiếp cận người đọc, tiếp cận quảng cáo thì hàng ngàn cơ quan báo chí có thể chuyển đổi sang môi trường số rất nhanh".

Vậy đã có bao nhiêu CQBC mạnh dạn chuyển đổi số? Với góc nhìn không chỉ là người quan sát, góc nhìn của nhà nghiên cứu mà thực sự là một người làm báo, sống bằng tác phẩm báo chí, tôi chưa thể đánh giá về chuyển đổi số báo chí sau 2 năm qua. Cũng chưa có một con số nào thống kê về việc chuyển đổi số trong các CQBC.

Mặt khác, nếu nhìn nhận từ cơ sở, có thể thấy rằng việc "thống nhất một Platform" cho các CQBC, liệu có thích hợp khi mà mỗi CQBC có một chức năng, nhiệm vụ, từ đó đi đến phương pháp hoạt động riêng biệt.

 Thành công của những Start - up lớn trên thế giới và ngay cả Viettel khởi nguồn từ trí tưởng tượng của những con người mà hành trang không có gì ngoài khát vọng làm nên một điều gì đó". Có thể hiểu rằng khi người ta "buộc phải dựa lưng vào tường, phải đổi mới hay là chết?", họ sẽ quyết tâm đổi mới để tồn tại. Vậy trong hành trình chuyển đổi số báo chí này, chúng ta phải chấp nhận rứt lông cánh để tái sinh. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Thử tưởng tượng một câu chuyện đơn giản, như bạn mong muốn xây một ngôi nhà cho riêng mình. Bạn thích mang thiết kế có sẵn áp vào miếng đất của mình hay có kỳ vọng riêng, muốn thổi hồn, muốn đặt để công trình đó theo sở nguyện, theo nhu cầu, công năng và nguồn lực của riêng mình. Tương tự với các CQBC cơ sở, họ sẽ làm thế nào để tuân thủ theo mô hình Bộ đưa ra. Nguồn lực và con đường chuyển đổi số của các CQBC cơ sở có hệt giống nhau hay mỗi nơi có một đặc điểm riêng?

Không thể phủ nhận ý tưởng ban đầu của Bộ là rất tốt, khi muốn tạo điều kiện phát triển cho các CQBC theo một chuẩn mực mới, giảm đi những chi phí hoặc công tác nghiên cứu mà các cơ quan báo chí địa phương không có nhiều cơ hội đầu tư. Tuy nhiên khi đưa ra những quyết sách ấy, chúng ta cũng cần tính đến thực tế ở mỗi địa phương, mỗi tòa soạn... chúng ta không dàn trải một công thức với tất cả các CQBC mà mỗi CQBC nên có một con đường riêng, cách thức riêng để tiếp cận độc giả. Họ có điểm chung là cơ chế chính sách nhưng họ cần có điểm riêng để bước đi bằng đôi chân của chính mình.

Chuyển đổi số là một phần của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số trong báo chí là gì, thưa ông?

PGS. TS Bùi Chí Trung: Nếu nhìn nhận một cách thực chất thì chuyển đổi số phải là một cuộc cách mạng. Cách mạng thì phải có cương lĩnh, có ngọn cờ, có lực lượng và vận hội… Giả thử nếu nhìn lại trong vòng mấy chục năm qua, chúng ta đã có biểu hiện của cuộc cách mạng nào thành công và những bài học của nó giúp ích gì cho việc này. Đơn cử như cuộc cách mạng trong nông nghiệp những năm 80 của thế kỷ XX. Nó xuất phát từ cơ sở, từ việc "phá rào", từ chính những bức xúc của thực tiễn, của người dân. Sau đó, lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nắm bắt, khái quát được vấn đề đó, chuyển tải thành những chủ trương, nghị quyết mới.

 Chúng ta có hàng ngàn báo và tạp chí. Nếu từng cơ quan này phải đầu tư nền tảng số thì sẽ rất tốn kém, nhiều cơ quan báo chí không có đủ nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực để đầu tư. Nhưng nếu có một Platform để các báo có thể lên đó, tiếp cận người đọc, tiếp cận quảng cáo thì hàng ngàn cơ quan báo chí có thể chuyển đổi sang môi trường số rất nhanh. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

So sánh thì khập khiễng, nhưng nhìn vào tiến trình chuyển đổi số hiện nay, chúng ta đang cần nhìn thấy những điểm sáng ở địa phương, dám "phá rào" và là những ngọn cờ, xóa bỏ những điểm nghẽn thì mới có thể nhân rộng. Khi đã nói đến cuộc cách mạng thì bao giờ cũng xuất phát từ cơ sở, từ hạ tầng chứ không thể chỉ đi từ thượng tầng kiến trúc xuống dưới. Tôi cho rằng không nên "vĩ mô hóa" cuộc cách mạng chuyển đổi số này. Hãy cho họ thấy rõ được cái đích đến, hiệu quả trước và sau khi chuyển đổi số, tôi tin chắc họ sẽ thực hiện nhanh chóng.

Cái khó nhất là chuyển đổi chính mình

Như vậy, cần có những giải pháp gì để vượt qua rào cản này?

PGS. TS Bùi Chí Trung: Đầu tiên, chúng ta cần có những mô hình chuẩn hoặc chí ít là khả thi. Từ mô hình sẽ thành điển hình. Từ điển hình, ta có thể nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm với những nơi khác. Tôi cho rằng, Bộ TT&TT nên lựa chọn một số CQBC giống như một sự khảo nghiệm chuyên sâu. Hãy lựa chọn CQBC nào thực sự sẵn sàng làm "đột phá khẩu". Một điều rất thuận lợi là hiện chúng ta đang thực hiện quy hoạch các CQBC. Điều đó cũng có nghĩa là họ phải tái cấu trúc. Hãy lựa chọn thời điểm này để giao nhiệm vụ chuyển đổi số để họ xem bài toán lợi ích sau khi áp dụng công nghệ mới sẽ tiết kiệm được bao nhiêu, nguồn thu tăng thêm như thế nào... Cũng chính điều này buộc các CQBC khác, cũ hơn, "già hơn" cần nhìn nhận và thấy mình phải thay đổi. Tất cả phải minh chứng bằng lợi ích cụ thể. Nếu người làm báo nhìn thấy rõ lợi ích từ chuyển đổi số, tự khắc họ sẽ làm.

 Chúng ta không nên trông chờ vào những "ông lớn công nghệ" mà có thể bắt tay với các doanh nghiệp start - up, cùng chung quyền lợi với mình để tạo ra sản phẩm. 

Thứ hai, chúng ta không nên trông chờ vào những "ông lớn công nghệ" mà có thể bắt tay với các doanh nghiệp start - up, cùng chung quyền lợi với mình để tạo ra sản phẩm. Thứ ba là mô hình kinh doanh. Nếu trả lời được lợi ích của CQBC về nguồn thu, không chỉ từ bán báo đến quảng cáo, mà còn là sự thay đổi về lượng và chất. Chúng ta cần tạo ra cơ chế, chính sách để các CQBC tận dụng. Có thể tôi sai, nhưng xin giả dụ việc Nhà nước có thể đóng vai trò của "Shark Tank" trong show "Thương vụ bạc tỷ", CQBC sẽ trở thành các start-up, mỗi người một vẻ và khi họ thuyết phục thành công thì hãy đầu tư cho họ, đầu tư cả tiền và cả cơ chế, ai xứng đáng thì đầu tư, ai chậm chân và không thuyết phục thì buộc phải đón nhận sự suy thoái tất yếu. Thứ tư, lãnh đạo làm sao, phong trào làm vậy. Nếu lãnh đạo quan tâm đến CNTT, CQBC đó sẽ được ưu tiên về mảng đó. Vì vậy, cái khó nhất là chuyển đổi chính mình.

Ông có thể đề cập một cách rõ ràng hơn ở trong các CQBC?

PGS. TS Bùi Chí Trung: Chúng ta có thể tham khảo những bước tiến mới của Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN). Họ đã thực hiện việc chuyển đổi số từ những hoạt động thực tế nhất, cụ thể nhất. Tất nhiên, một lợi thế của TTXVN là có đội ngũ công nghệ thông tin rất chuyên nghiệp. Họ làm nhiều đề tài mang lợi ích thiết thực như công cụ giám sát thông tin, theo dõi fake news, chuyển ngữ. Thậm chí, họ còn xây dựng được công cụ dịch thuật tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo v.v... Nhưng tại sao họ làm được như vậy?

 So sánh thì khập khiễng, nhưng nhìn vào tiến trình chuyển đổi số hiện nay, chúng ta đang cần nhìn thấy những điểm sáng ở địa phương, dám "phá rào" và là những ngọn cờ, xóa bỏ những điểm nghẽn thì mới có thể nhân rộng. 

Trước tiên là họ xác định được rõ thị trường của mình. Những nghiên cứu chuyển đổi số là để phục vụ ngay cho bài toán của họ. Họ nhìn nhận được những vấn đề đang nóng và xử lý ngay bằng nguồn lực tự thân. Họ cũng nhìn thấy vấn đề lớn hơn là nếu không tự lột xác, họ sẽ không thể cạnh tranh được với các hãng thông tấn nước ngoài. Ngoài TTXVN, VTV cũng có những mô hình cần được nhắc đến như app trên mobile. Tuy nhiên, kết quả chưa nhìn thấy rõ ràng.

So sánh thì khập khiễng, nhưng nhìn vào tiến trình chuyển đổi số hiện nay, chúng ta đang cần nhìn thấy những điểm sáng ở địa phương, dám "phá rào" và là những ngọn cờ, xóa bỏ những điểm nghẽn thì mới có thể nhân rộng.

Trong quan điểm của mình, ông có nêu vấn đề nhận thức bản thân và mong muốn thay đổi chính mình trong công cuộc "chuyển đổi số" ở các CQBC…

PGS. TS Bùi Chí Trung:Tôi cho rằng không chỉ nên bàn mỗi về vấn đề về nhận thức hay công nghệ. Nếu ta hình dung một CQBC thực sự như một doanh nghiệp, bên cạnh chức năng, sứ mệnh quan trọng của nó là thông tin, thông tấn thì nó sẽ tự vận động theo sự thay đổi của thế giới, của thị trường. Khi đó, dù có chuyển đổi số hay chuyển đổi ABCD… gì thì cũng sẽ phải làm được hết. Chúng ta cứ nhìn các doanh nghiệp thời COVID-19 là thấy rõ thôi. Nếu không thích ứng nhanh với thương mại điện tử, với công nghệ 4.0 thì sẽ chết.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thời kỳ là Tổng Giám đốc Viettel từng nói: "Thành công của những start - up lớn trên thế giới và ngay cả Viettel khởi nguồn từ trí tưởng tượng của những con người mà hành trang không có gì ngoài khát vọng làm nên một điều gì đó". Có thể hiểu rằng khi người ta "buộc phải dựa lưng vào tường, phải đổi mới hay là chết?", họ sẽ quyết tâm đổi mới để tồn tại. Vậy thì trong hành trình chuyển đổi số báo chí này, chúng ta đang sa vào cuộn chỉ rối hay buộc phải chấp nhận rứt lông cánh để tái sinh, đó là điều tôi muốn hỏi ngược lại?

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã và đang xây dựng các nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số, tổ chức các diễn đàn, các cuộc hội thảo… Ông có thể đưa ra những đánh giá của mình về sự hỗ trợ này?

PGS. TS Bùi Chí Trung: Tôi biết hằng năm, Bộ TT&TT phối hợp với các tổ chức, cơ quan ban, ngành tổ chức một số diễn đàn lớn và quy mô, quy tụ nhiều nhà quản lý, chuyên gia phân tích báo chí, truyền thông, công nghệ lớn…. Song, tôi nghĩ nên chăng cũng cần ưu tiên vào những diễn đàn nhỏ, hãy bắt đầu từ các nhà báo trẻ và làm thường xuyên liên tục. Nhận thức rằng chuyển đổi số là dành cho tương lai thì nên lấy động lực khai mở ngay những người trẻ trong CQBC, để cho những mô hình trẻ có cơ hội trở thành hiện thực.

Vậy, những người trẻ này được đào tạo từ đâu? Trước tiên, cần phải có không gian mô phỏng (mỗi khu vực Bắc, Trung, Nam chỉ cần xây dựng mô hình) với sự vào cuộc của các nhà quản lý, người làm báo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và sự trợ giúp của những người làm công nghệ giỏi để họ giới thiệu công nghệ, đào tạo phóng viên, tạo cơ hội cho các nhà báo trẻ được sử dụng, trải nghiệm và làm thật. Cạnh đó, Bộ nên có những chương trình nghiên cứu, dự án đầu tư, hỗ trợ cho các trường, cơ sở nghiên cứu, đào tạo báo chí về chuyển đổi số. Khi những người làm báo đã "ngấm", đã có những thứ không thể thiếu như cơm ăn nước uống thì tự khắc, họ sẽ cho ta thấy những biến chuyển không ngờ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Xuất bản: Tháng 6/2021


Chia sẻ bài viết này

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong báo chí: Sa vào "cuộn chỉ rối" hay bước vào cuộc tái sinh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO