Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong các cơ sở đào tạo đại học

TS. Tô Hồng Nam| 31/07/2020 10:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học có rất nhiều đặc thù khác biệt cơ bản so với khối giáo dục phổ thông.

Ở đó các trường có cơ chế tự chủ rất cao (cả về chương trình đào tạo), người học đã trưởng thành, có nhận thức - kiến thức tốt hơn, có khả năng tự học tự nghiên cứu sáng tạo độc lập, mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Do vậy chuyển đổi số trong giáo dục đại học mà trong đó ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản trị nhà trường và trong dạy - học - kiểm tra - đánh giá, trong nghiên cứu khoa học là nòng cốt, cần được nghiên cứu riêng, tách biệt so với giáo dục phổ thông.

Bài viết phân tích sự cần thiết phải ứng dụng CNTT trong các trường đại học như một xu thế tất yếu, phân tích thực trạng, chỉ ra các hạn chế và đề xuất một số giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo đại học ở nước ta.

Tại sao cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục đại học

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ trên thế giới mà ngay cả trong nước, trước yêu cầu của thực tiễn ngày càng cao và chính các lợi ích mà các giải pháp CNTT đem lại đã cho thấy lý do cần đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT trong các trường đại học. Với lợi thế mọi lúc mọi nơi nhanh chóng tiện lợi, họp qua mạng dần lấn áp họp trực tiếp, thư điện tử thay thế thư giấy. Phần mềm quản trị nhà trường đưa vào sử dụng đã giải quyết được bài toán lưu trữ, tìm kiếm, thống kê, báo cáo bằng hồ sơ giấy tờ rất vất vả trước đây. Hơn thế nữa, công nghệ Big Data, Analytics còn giúp phân tích, dự báo hiệu quả tức thời. Giờ đây, các đơn vị đã có thể triển khai văn phòng làm việc không giấy tờ, toàn bộ quy trình xử lý như giao việc, bút phê, ký số có thể được thực hiện từ xa thông qua phần mềm quản trị nhà trường, công việc thông suốt không bị gián đoạn, không phụ thuộc vào vị trí địa lý cho dù ở trong nước hay nước ngoài. Dạy - học, kiểm tra - đánh giá theo hướng sử dụng học liệu số sinh động trực quan (kèm theo media, audio, video) làm tăng hiệu quả truyền đạt kiến thức, từ học tập kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp (blended learning) tiến tới hình thành các đại học ảo (Cyber University). Đặc biệt, với sự hỗ trợ đắc lực của CNTT việc cá nhân hóa học tập được thực hiện ở nhiều mức độ rất cao. Ở đó, mỗi người được học theo một học liệu, một phương thức, một thời gian biểu được thiết kế riêng, phù hợp nhất với điều kiện, khả năng của mình, không giống với bất kỳ ai khác. Ngay cả việc nhận xét, đánh giá giờ đây cũng "mở" hơn, không còn thầy đánh giá trò một chiều như trước mà trò nhận xét trò, trò nhận xét thầy trực tuyến qua mạng. Có thể nói, CNTT giúp người học tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian, hỗ trợ đắc lực người học phát triển nhanh hơn về nhận thức, kiến thức và tư duy sáng tạo. CNTT hỗ trợ đổi mới giáo dục, giảm thuyết giảng sang phát triển năng lực người học; học ở mọi nơi, mọi lúc một cách thuận tiện tạo ra xã hội học tập, học tập suốt đời. Việc truyền kiến thức sẽ do CNTT dần đảm nhận, người thầy tập trung giúp cho người học về phương pháp, tổ chức học tập gắn với thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển tài năng.

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong các cơ sở đào tạo đại học - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng CNTT để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh thế giới "phẳng" như hiện nay. Ứng dụng CNTT giúp chia sẻ học liệu, giáo trình, bài giảng số giữa các trường đại học Việt Nam và quốc tế, giúp cập nhật nhanh chóng kiến thức mới của thế giới. CNTT mở ra cơ hội tham gia học trực tuyến thông qua các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs) toàn cầu uy tín như Coursera hay eDx – mà nhiều chuyên gia đánh giá là "cuộc cách mạng vĩ đại" trong hệ thống giáo dục đại học, có thể phá vỡ hệ thống giáo dục truyền thống. Ứng dụng CNTT là điều kiện bắt buộc để hợp tác đào tạo qua mạng, công nhận tín chỉ đào tạo giữa các trường đại học cũng như tham gia các hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến. Có thể nói, không ứng dụng CNTT thì không thể hội nhập được vào thế giới giáo dục đại học số hóa toàn cầu.

Cuối cùng, tăng cường ứng dụng CNTT trong giáo dục đại học là thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thực hiện hàng loạt văn bản, Nghị quyết1 nhằm triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thực hiện chuyển đổi số Quốc gia một cách đồng bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định đây là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong giai đoạn này để quyết tâm thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả; trong đó, chú trọng các dịch vụ trực tuyến (gồm cả học trực tuyến), giảm thiểu sổ sách giấy tờ, kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu, học liệu.

Trên thực tế không thể không nhắc đến một số nguy cơ có thể xảy ra trong chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong giáo dục đại học. Đó là nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin mạng, hacker có thể tấn công phá hoại dữ liệu, phá lớp học trực tuyến, chiếm quyền quản trị đăng tin thất thiệt, sửa sổ điểm điện tử, thay đổi học liệu số. Mặc dù vậy, vẫn phải khẳng định ứng dụng CNTT là xu thế tất yếu, cần phải tăng tốc thực hiện nhằm đổi mới giáo dục đại học, hội nhập quốc tế.

Thực trạng ứng dụng CNTT trong giáo dục đại học, khó khăn hạn chế

Theo một kết quả khảo sát nhanh về thực trạng ứng dụng CNTT trong các trường đại học toàn quốc cho thấy hạ tầng CNTT các trường khá tốt. Trong đó, 100% các trường có phòng máy, có mạng LAN, Wifi, cổng thông tin điện tử; gần 90% các trường thành lập Ban biên tập cổng, ban hành quy chế về an toàn thông tin. Khoảng 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý đào tạo, gần 80% sử dụng phần mềm quản lý văn bản, gần 60% sử dụng phần mềm quản lý nhân sự và quản lý tài sản, thiết bị.

Trong dạy, học, nghiên cứu khoa học, có khoảng 50% các trường triển khai dạy học trực tuyến ở các mức độ khác nhau, gần 60% các trường triển khai thư viện điện tử, học liệu số và hệ thống thi trắc nghiệm. Kết quả khảo sát sơ bộ trên cho thấy đã có chuyển biến tốt hơn về nhận thức, các trường đã quan tâm và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đạt kết quả tốt hơn. Tỉ lệ các trường ban hành quy chế hoạt động khá cao, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân cho thấy việc triển khai đã bài bản hơn.

Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu nhưng ứng dụng CNTT trong đại học vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa theo kịp yêu cầu của thực tế. Có thể tổng hợp một số nhóm tồn tại cơ bản như sau:

Thứ nhất, lãnh đạo nhiều trường chưa thực sự quan tâm, đánh giá đúng vai trò vị trí của ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy, học, nghiên cứu khoa học cho dù bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.Thứ hai, thiếu giải pháp tổng thể dẫn đến đầu tư nguồn lực không đồng bộ, rời rạc, thậm chí trùng lắp, lãng phí. Thực tế, trong khi nguồn lực còn hạn chế nhưng nhiều nơi các phần mềm được đầu tư tự phát, thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu, phải nhập liệu nhiều lần, lãng phí nguồn lực. Chưa kể đến nhiều trường hợp, các ứng dụng được phát triển tự phát từ nhiều nhà cung cấp khác nhau ở các phòng, khoa, viện khác nhau của trường độc lập, khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, nhiều trường thông tin trùng lắp (ví dụ, thông tin cán bộ giảng viên không đồng nhất giữa phần mềm quản lý của phòng tổ chức, phòng tài chính kế toán - phục vụ trả lương và phòng đào tạo - bố trí kế hoạch dạy).

Thứ ba, thiếu quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT dài hạn, trung hạn và hàng năm, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, nguồn lực (gồm cả nguồn lực tài chính), phân công tổ chức thực hiện. Dẫn đến nhiều trường bị động trong bố trí nguồn lực, kinh phí, đầu tư nhỏ giọt, manh mún, không đồng bộ, hiệu quả đầu tư kém.

Thứ tư là các hạn chế liên quan đến nguồn lực: (i) Nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp dẫn đến hạ tầng CNTT (như mạng LAN, Wifi, máy chủ, đường truyền) thiếu đồng bộ, phân tán, đặc biệt chưa chú trọng đến phần kinh phí duy trì, vận hành hệ thống; (ii) Nguồn nhân lực chuyên trách CNTT chưa được bố trí đầy đủ, hợp lý (ngay cả trường hợp thuê dịch vụ CNTT vẫn cần bố trí đầu mối quản lý, giám sát của trường), chưa phân biệt được chức năng của bộ phận tham mưu và bộ phận vận hành hệ thống CNTT (thông thường bộ phận vận hành ít có khả năng tham mưu chiến lược, kế hoạch dài hạn và trung hạn); (iii) Năng lực sử dụng CNTT cơ bản, sử dụng các ứng dụng chưa đồng đều giữa các cán bộ, giảng viên, giữa các đơn vị trong trường nên chưa phát huy hết hiệu quả - nhiều trường chưa chú trọng khâu tổ chức bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT cho cán bộ, giảng viên.

Thứ năm là thiếu các quy chế, quy định trong triển khai các ứng dụng CNTT (có thể đơn giản như quy chế sử dụng thư điện tử của trường); chưa thực sự chú trọng công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

Giải pháp ứng dụng CNTT trong cơ sở giáo dục đại học

Về nguyên tắc chung, ứng dụng CNTT trong trường đại học phải đảm bảo hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng sức "cạnh tranh" của trường. Cụ thể, để làm được điều đó, trước tiên các ứng dụng CNTT phải đáp ứng các yêu cầu quản lý - dạy - học phù hợp với đặc điểm của trường; phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật và phải đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Đối với giáo dục đại học, nhiệm vụ ứng dụng CNTT có thế mạnh hơn hẳn khối phổ thông, đó là các trường có cơ chế tự chủ cao, có nguồn thu sự nghiệp và có thể chủ động triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT. Hơn nữa, bối cảnh hiện nay mang lại cơ hội rất tốt để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đại học nói chung. Đó là bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số Quốc gia, hệ thống văn bản pháp lý dần hoàn thiện, nhận thức được nâng cao, quyết tâm mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo cao nhất và áp lực của hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, cũng còn có tâm lý ngại thay đổi, lo sợ vấn đề bảo mật dữ liệu, mất an toàn trong một bộ phận cán bộ giảng viên; nguồn lực tài chính, nhân lực đầu tư cho các hệ thống CNTT hạn chế; kỹ năng sử dụng CNTT của một số cán bộ giảng viên chưa đáp ứng, chưa đồng đều. Bên cạnh đó là thách thức từ phía công nghệ thay đổi rất nhanh và chi phí đầu tư ứng dụng CNTT không nhỏ. Đó là các yếu tố tác động cần nghiên cứu, tính đến trong quá trình triển khai hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ sở giáo dục đại học nói chung.

Về cơ sở pháp lý, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai ứng dụng CNTT trong cơ sở giáo dục đại học đã dần được hoàn thiện cơ bản, có thể liệt kê một số văn bản chính như: Nghị định 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước 2016 - 2020, Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 về tăng cường ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo, Quyết định 6200/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT 2016 - 2020, Thông tư số 15/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT, văn bản số 4966/BGDĐT-CNTT ngày 31/10/2019 hướng dẫn nhiệm vụ CNTT các trường đại học.

Từ các phân tích trên, bài viết đề xuất một số giải pháp triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả và bền vững trong các cơ sở giáo dục đại học cụ thể như sau:

Một là xây dựng giải pháp tổng thể ứng dụng CNTT của nhà trường bao gồm đồng bộ 4 nhóm chủ yếu sau: (i) Nhóm hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo, gồm hạ tầng CNTT, thiết bị và an toàn thông tin; bồi dưỡng nguồn nhân lực sử dụng CNTT; công tác thể chế, quy chế; (ii) Nhóm các ứng dụng CNTT và cơ sở dữ liệu, gồm ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành nội bộ nhà trường; ứng dụng hỗ trợ đổi mới nội dung, phương phương dạy - học - kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học; (iii) Nhóm các dịch vụ trực tuyến như đăng kí học, đăng kí luận văn, chuyển lớp, nghỉ học, nộp học phí…; (iv) Nhóm kênh giao tiếp thông qua cổng thông tin điện tử của trường, thư điện tử… Việc xây dựng giải pháp tổng thể có thể do nhà trường tự thực hiện hoặc thuê tư vấn xây dựng để đảm bảo chất lượng. Trong giải pháp tổng thể, lưu ý một số nội dung sau:

Triển khai hệ thống đăng nhập một lần (Single sign on - SSO); dùng chung nền tảng hoặc có giải pháp kết nối liên thông (qua các danh mục dùng chung); lộ trình triển khai theo các mô đun; đảm bảo hạ tầng thông suốt và an toàn thông tin.

Hạ tầng CNTT, an toàn thông tin triển khai kết hợp giữa tự đầu tư hoặc thuê dịch vụ (gồm máy chủ, đường truyền, data center, rà quét bảo mật, sao lưu dữ liệu…), trong đó ưu tiên đầu tư các phòng Lab, phòng máy tính đa năng, cung cấp Wifi trong khuôn viên trường.

Triển khai một số mô đun phần mềm quản lý chuyên môn cơ bản (như quản lý đào tạo, quản lý đội ngũ, quản lý thư viện), mô đun phần mềm quản lý hành chính - quản trị nhà trường (như cổng thông tin điện tử, quản lý văn bản, quản lý ký túc xá), mô đun cung cấp dịch vụ trực tuyến (như tuyển sinh, đăng kí tín chỉ), các mô đun phục vụ dạy - học - nghiên cứu khoa học (như thư viện số, học liệu số, LMS, eLearning courses, câu hỏi thi trắc nghiệm).

Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT, an toàn thông tin cơ bản cho cán bộ, giảng viên toàn trường để sử dụng hiệu quả các hệ thống CNTT đã được đầu tư, trong đó ưu tiên bồi dưỡng qua mạng kết hợp với trực tiếp.

Hai là đưa vào quy hoạch phát triển của trường nội dung về ứng dụng CNTT, đồng thời chính thức hóa thông qua các kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm và hàng năm được lãnh đạo nhà trường phê duyệt. Nội dung kế hoạch bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kinh phí, phân công tổ chức thực hiện.

Ba là triển khai các điều kiện đảm bảo, trong đó ưu tiên kiện toàn đội ngũ chuyên trách CNTT, giao trách nhiệm cho một đơn vị đầu mối và phân công một lãnh đạo nhà trường chịu trách nhiệm chỉ đạo nhiệm vụ ứng dụng CNTT; phân tách giữa nhiệm vụ tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch và nhiệm vụ thực hiện duy trì, vận hành hệ thống CNTT; đồng thời cần thể chế hóa công tác ứng dụng CNTT, ban hành các quy chế quản lý vận hành, khai thác hệ thống ứng dụng CNTT, quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để thực hiện đồng bộ trong toàn trường.

Trên đây bài viết đã phân tích sự cần thiết tất yếu tăng cường ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục đại học, phân tích thực trạng, khó khăn vướng mắc và chỉ ra nguyên nhân; rà soát điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức khi triển khai ứng dụng CNTT trong các trường đại học. Từ đó, bài viết vạch ra giải pháp, lộ trình triển khai ứng dụng CNTT trong các nhà trường từ kiến trúc tổng thể, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai. Đó là khung định hướng chung triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong cơ sở giáo dục đại học nói chung. Đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học nói riêng, với các đặc thù riêng cần tiếp tục cụ thể hóa, chi tiết thành các kế hoạch hành động cụ thể để triển khai hiệu quả trên thực tế.

Tài liệu tham khảo

1 Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 và 17/NQ-CP ngày 7/3/2019

2. Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo.

3. Các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (văn bản số 6200/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2016 và số 4966/BGDĐT-CNTT ngày 31/10/2019 và GDTrH; các Thông tư số 15/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT).

3. Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT và các tài liệu khác tham khảo khác trên Internet.

(Bài đăng tạp chí TT&TT Số 7+8 Tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • ‏FPT nhận chứng nhận CREST, củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ SOC‏
    Mới đây, FPT chính thức đạt chứng nhận quốc tế CREST cho dịch vụ giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin 24/7 (dịch vụ SOC), khẳng định cam kết của FPT với khách hàng về chất lượng dịch vụ an toàn thông tin đạt chuẩn thế giới.‏
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
  • Bưu điện hợp tác với công ty hàng đầu Hàn Quốc về công nghệ, sàn giao dịch dữ liệu
    Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Công ty DataStreams Corp (DataStreams) hợp tác trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu nhằm khai thác sức mạnh dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong các cơ sở đào tạo đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO