Chuyện ít biết về bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”

03/11/2015 22:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Gần như ngay sau khi bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” của Việt Nam được phát hành (1988), một nhà sưu tập tem của CHDC Đức (cũ) đã gửi thư tới Bưu điện Khánh Hòa để tìm mua bộ tem này có đóng dấu nhật ấn Bưu cục Trường Sa.

Ông Phạm Khánh Hồng, Phó Chủ tịch Hội tem tỉnh Khánh Hòa cho biết, một trong kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm gắn bó với phong trào sưu tập tem Việt Nam là lần ông với tư cách là người phụ trách Hội tem tỉnh Khánh Hòa cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bưu điện tỉnh Khánh Hòa đáp ứng nguyện vọng của một bạn tem người CHDC Đức (cũ) liên quan đến bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”.

Bộ tem bưu chính tập trung khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được phát hành ngay trước thời điểm Trung Quốc có hành động gây hấn tại Trường Sa năm 1988.

Bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” do họa sĩ Trần Lương thiết kế, được Tổng cục Bưu điện phát hành vào ngày 19/1/1988. Gồm 2 mẫu tem không tràn lề khuôn khổ 43 x 32 mm, có các giá mặt 10 đồng và 100 đồng, bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” thể hiện hình ảnh “Đội Hoàng Sa” - hải đội dưới thời Nguyễn có nhiệm vụ đo đạc, canh giữ chủ quyền Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cùng hình ảnh hai quần đảo này trên các tấm bản đồ cổ.

Theo nghiên cứu của nhà sưu tập tem Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp, mẫu tem “Hoàng Sa và Trường Sa trên các bản đồ cổ”, mẫu tem thứ hai của bộ tem này thể hiện hình ảnh của 2 bản đồ cổ: phần bản đồ lớn bên trái tem là bản đồ của nhà hàng hải Hà Lan tên Jan Huyghen van Linschoten (1563–1611) vẽ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hình lá cờ đuôi nheo với tên I. de Pracel; và phần bản đồ nhỏ bên phải tem là bản đồ Việt Nam thời Nguyễn mang tên “Đại Nam nhất thống toàn đồ” với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông được vẽ thành một dải 29 hòn đảo với tên chung “Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa”.

Tính đến nay, đây là bộ tem duy nhất của Bưu chính Việt Nam tập trung thể hiện hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ tem có giá trị lịch sử to lớn, đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Phạm Khánh Hồng kể: vào ngày 4/3/1988, chỉ sau vẻn vẹn 2 tháng bộ tem bưu chính này được phát hành, Bưu điện Khánh Hòa đã nhận được bức thư của một nhà sưu tập tem người CHDC Đức (cũ) với phần ghi trên địa chỉ người nhận là “Ông giám đốc Bưu điện Trường Sa”. Thời điểm đó, Bưu cục Trường Sa đã được thành lập (từ năm 1985) nhưng có địa chỉ đóng tại Cam Ranh, Khánh Hòa.

Nhận được bức thư của nhà sưu tập tem Đức, ông Vũ Cận, Giám đốc Bưu điện Khánh Hòa thời đó đã nhờ người dịch. Sau khi biết được thông tin nhà sưu tập tem của Đức muốn hỏi mua bộ tem bưu chính “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” của Việt Nam và xin dấu nhật ấn của Bưu điện Trường Sa, ông Vũ Cận đã đến gặp, hỏi ý kiến ông Phạm Khánh Hồng, đại diện Hội tem tỉnh Khánh Hòa. “Tôi và ông Vũ Cận bàn nhau và thống nhất lên hỏi ý kiến Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Khánh Hòa. Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo đơn vị này”, ông Phạm Khánh Hồng chia sẻ.

Từ kết quả hội ý của Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo Bưu điện và Hội tem tỉnh Khánh Hòa, ngay sau đó, anh Võ Chí Trường, nhân viên tổng hợp của Bưu điện Khánh Hòa đã được cử mang bì thư dán bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” vào Cam Ranh để chụp ảnh bưu cục Trường Sa và đóng dấu nhật ấn bưu cục trên bì thư. Bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” cùng thông điệp, sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã được gửi đến bạn tem quốc tế ngay trong năm 1988, thời điểm bộ tem mới được cho ra mắt giới sưu tập tem, người yêu tem trong và ngoài nước.

Bên cạnh bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” tập trung thể hiện hình ảnh về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong Danh mục tem bưu chính Việt Nam, ở mảng đề tài tem về biển, đảo Việt Nam, hình ảnh biển, đảo được thể hiện nhiều nhất trên tem cũng chính là quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và biển Đông. Sở dĩ như vậy là vì hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông luôn gắn liền với bàn đồ Việt Nam; mà bản đồ nước ta lại xuất hiện rất nhiều trên tem bưu chính. Tiêu biểu như các bộ tem: “Việt Nam thống nhất” gồm 1 mẫu tem, do các họa sĩ Đỗ Việt Tuấn và Nguyễn Văn Hiệp thiết kế, phát hành ngày 24/6/1976; “Tem quân đội” gồm 1 mẫu, do họa sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế, phát hành ngày 21/10/1976; “Kỷ niệm 40 năm bầu cử Quốc hội đầu tiên” gồm 2 mẫu, do họa sĩ Đỗ Việt Tuấn thiết kế, phát hành ngày 6/1/1986; “Kỷ niệm 45 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam” gồm 4 mẫu và 1 blốc tem, do họa sĩ Võ Lương Nhi thiết kế, phát hành ngày 1/9/1990; “Thông tin phục vụ đời sống” gồm 2 mẫu, được thiết kế bởi các họa sĩ Trần Thế Vinh và Đỗ Lệnh Tuấn và được phát hành vào ngày 1/3/1993…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bộ KH&CN ban hành Thông tư đầu tiên sau sau hợp nhất
    Ngày 31/3/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT ngày 14/10/2021 quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.
  • Bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính là ưu tiên hàng đầu
    Mới đây, Bộ KH&CN vừa phát hành văn bản số 509/KHCN-BC gửi các doanh nghiệp bưu chính về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính.
  • Tăng cường huy động nguồn lực KOLs trong hoạt động thông tin đối ngoại
    Năm 2024, Cục Thông tin đối ngoại (TTĐN) đã thành công việc đưa TTĐN lên không gian mới - không gian mạng - với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, có việc thí điểm thành công trong huy động những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (MXH) cùng chung tay trong thực hiện nhiệm vụ cơ bản thứ hai của TTĐN đó là quảng bá hình ảnh quốc gia.
  • Tác giả Nhật Bản với những ý tưởng lôi cuốn trẻ đọc sách
    Với máy ảnh bằng bìa giấy, các món đồ chơi hết sức đơn giản bằng kẹp quần áo và giấy màu…, tác giả Yuichi Kimura với mái đầu bạc phơ đã khiến cho khoảng 20 em nhỏ ở nhiều lứa tuổi quên hẳn đi những thiết bị điện tử, game hay những trò giải trí cuốn hút khác từ công nghệ.
  • Microsoft và 15 cột mốc định hình tầm nhìn về AI
    Gã khổng lồ công nghệ Microsoft sắp bước qua cột mốc 50 năm thành lập với nhiều thách thức trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI). Hãy cùng khám phá cách Microsoft sẽ phát triển nền tảng, công cụ và cơ sở hạ tầng AI cho tương lai.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ít biết về bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO