Cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” mang bản chất đột phá sáng tạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tóm tắt:
Bài báo tập trung vào việc Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội đã cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH, CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia như thế nào.
Các điểm nổi bật của Nghị quyết 193 bao gồm:
- Mở rộng đối tượng áp dụng: Không chỉ áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong nước mà còn cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực KH, CN tại Việt Nam.
- Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp (DN): Cho phép các tổ chức khoa học công lập, trường đại học được thành lập DN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
- Miễn trách nhiệm trong nghiên cứu: Các nhà khoa học được miễn trách nhiệm nếu kết quả nghiên cứu không như dự kiến, giúp khuyến khích nghiên cứu mạo hiểm.
- Cấp kinh phí theo cơ chế quỹ: Ưu tiên cấp kinh phí thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN).
- Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng: Cho phép các tổ chức tự chủ sử dụng kinh phí, điều chỉnh nội dung chi cho phù hợp.
- Quyền sở hữu kết quả nghiên cứu: Các tổ chức được sở hữu kết quả nghiên cứu mà không cần thực hiện thủ tục hành chính phức tạp.
- Thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Cho phép các tổ chức tự quyết định trong việc sử dụng tài sản từ kết quả nghiên cứu.
- Ưu đãi về thuế: Các khoản tài trợ, chi phí cho nghiên cứu được khấu trừ thuế, thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ khoa học được miễn thuế thu nhập cá nhân.
- Hỗ trợ CĐS: Sử dụng ngân sách trung ương để phát triển các nền tảng số dùng chung, cho phép chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số.
- Hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghệ: Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai mạng 5G, phát triển cáp viễn thông quốc tế, và sản xuất chip bán dẫn.
Bản chất đột phá, sáng tạo đó đòi hỏi phải rất đột phá sáng tạo để có cách tiếp cận, tầm nhìn, cách luận giải mới và phải được cụ thể hóa thành những chính sách đặc biệt mang tính vượt trội mới.
Và mới đây nhất, Nghị quyết số 193/2025/QH15, ngày 27/2/2025 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH, CN, ĐMST và CĐS quốc gia” là một sự hiện thực hóa, cụ thể hóa cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đặc biệt này. Điều đó được thể hiện và minh chứng trên những phương diện sau:
Một là, đặc biệt, vượt trội về chủ thể thực hiện
Theo đó, Nghị quyết này áp dụng không chỉ “đối với tổ chức, cá nhân trong nước” mà còn áp dụng cho cả những “tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia hoạt động KH, CN, ĐMST và CĐS quốc gia tại Việt Nam” [1].
Hai là, đột phá, vượt trội về việc thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Nghị quyết cho phép tổ chức KH&CN công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập, tham gia thành lập DN, tham gia góp vốn vào DN; đồng thời, cho phép viên chức quản lý làm việc tại tổ chức KH&CN công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành DN, làm việc tại DN do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng [2].
Ba là, đột phá, vượt trội trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - chấp nhận rủi ro trong nghiên cứn khoa học và phát triển công nghệ
Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước nếu đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Còn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình triển khai nếu đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến [3].
Bốn là, đột phá, vượt trội trong việc cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ
Trước đây, việc cấp kinh phí cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thường theo kế hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo các chương trình thực hiện đề tài (từ cấp Nhà nước đến cấp cơ sở); theo các dự án, đề án được phê duyệt,... Nghị quyết lần này nêu rõ: ưu tiên cấp kinh phí từ NSNN để triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ phát triển KH&CN.
Các quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước được thành lập theo quy định của Luật KH&CN bao gồm: Quỹ phát triển KH&CN quốc gia do Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản của cơ quan, đơn vị được giao quản lý quỹ này; Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của cơ quan, đơn vị được giao quản lý quỹ này [4].

Năm là, đột phá, vượt trội về khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Trước đây, việc chi, tiêu trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phải thực hiện trên cơ sở giải ngân cho từng hạng mục công việc qua từng giai đoạn theo kế hoạch chi khoán đã được phê duyệt. Lần này, Nghị quyết đã quy định rõ, nhiệm vụ KH&CN được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN có cam kết về sản phẩm của nhiệm vụ với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được.
Theo đó, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; được quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm bảo đảm việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chịu trách nhiệm giải trình khi cơ quan chức năng yêu cầu [5].
Sáu là, đột phá, vượt trội về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN
Theo đó, đối với nhiệm vụ KH&CN mà tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ là cơ quan nhà nước; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp (gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị): Tài sản được trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sau khi hoàn thành mục đích sử dụng không cần chờ đến thời điểm kết thúc nhiệm vụ được xác định là tài sản được Nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng mà không cần thực hiện thủ tục giao quyền sử dụng và bàn giao tài sản.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị này có quyền quản lý, sử dụng kết quả của nhiệm vụ KH&CN không thuộc phạm vi bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ của người khác mà không cần thực hiện thủ tục về việc giao quyền quản lý, sử dụng.
Còn đối với nhiệm vụ KH&CN do tổ chức chủ trì khác thực hiện nhiệm vụ: Tài sản được trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi hoàn thành mục đích sử dụng không chờ đến thời điểm kết thúc nhiệm vụ được xác định là tài sản được Nhà nước giao cho tổ chức chủ trì quyền sở hữu mà không cần thực hiện thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và bàn giao tài sản. Các tổ chức này có quyền sở hữu quyền tài sản đối với các kết quả của nhiệm vụ KH&CN không thuộc phạm vi bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ của người khác mà không cần thực hiện thủ tục về việc giao quyền sở hữu [6].
Bảy là, đột phá, vượt trội trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ: tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được sử dụng là tài sản riêng, không hạch toán chung vào tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, không phải xác định nguyên giá, giá trị còn lại, khấu hao, hao mòn tài sản; được tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm sử dụng tài sản không cần định giá trong việc cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới; có thể bán, chuyển nhượng tài sản; góp vốn bằng tài sản để liên doanh, liên kết có hình thành pháp nhân mới.
Đồng thời, tổ chức chủ trì có trách nhiệm tổ chức khai thác tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, tiếp tục đầu tư để thương mại hóa bảo đảm hiệu quả [7].
Tám là, đột phá, vượt trội về ưu đãi thuế cho DN và cá nhân hoạt động KH&CN
Theo đó, các khoản tài trợ của DN cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST trong DN được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN. Đồng thời, các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân [8].
Chín là, đột phá vượt trội về sử dụng ngân sách trung ưong triển khai các nền tảng số dùng chung và chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số
Theo đó, ngân sách trung ương được sử dụng để đầu tư, mua sắm, thuê, duy trì, vận hành, bảo trì các nền tảng số, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để các cơ quan, tổ chức của trung ương, địa phương sử dụng, khai thác chung nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Đồng thời, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu có thời gian lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2025 - 2026 thuộc các nhiệm vụ, dự án, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số [9].
Mười là, đột phá, vượt trội về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh 5G
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ DN triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G toàn quốc, một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các DN viễn thông được hỗ trợ [10].
Mười một là, đột phá, vượt trội về chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do DN viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư; về thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp; về hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn [11].
Tóm lại, Nghị quyết này thực sự đã cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS quốc gia nhằm triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Tính đột phá, vượt trội của Nghị quyết này còn thể hiện ở chỗ, cho phép trong “trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác cũa Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất” [12].
1. Điều 2. Nghị quyết số: 193/2025/QH15, ngày 27/2/2025 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyến đối số quốc gia”. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-193-2025-qh15-thi-diem-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-biet-tao-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-119250226182210138.htm 27/2/2025
2. Điều 3, Nt, Tldd
3. Điều 4, Nt, Tldd 4. Điều 5, Nt, Tldd
5. Điều 6, Nt, Tldd 6. Điều 7, Nt, Tldd
7. Điều 8, Nt, Tldd
8. Điều 9, Nt, Tldd 9. Điều 10, Nt, Tldd
10. Điều 11, Nt, Tldd
11. Điều 12,13, 14, Nt, Tldd
12. Điều 16, Nt, Tldd
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2025)