Cơ chế thị trường khiến các nhà xuất bản đang ngày càng năng động hơn.

Nguyễn Nhàn| 17/03/2020 15:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Minh Tuấn

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học về trực trạng ngành xuất bản Việt Nam hiện nay trong bài phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông

Cơ chế thị trường khiến các nhà xuất bản đang ngày càng năng động hơn. - Ảnh 1.

Thưa ông, nhìn lại 70 năm qua của NXB Văn Học, ông đánh giá thế nào về công việc "bà đỡ" cho các tác phẩm đến với người đọc của đơn vị mình?

Được thành lập năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, cho đến hôm nay, NXB Văn học đã qua 70 năm tuổi. Trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cho đến thời kỳ hậu chiến cũng như những năm tháng bước sang công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước hiện nay, NXB Văn học luôn đồng hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc và sự phát triển của nền văn học nước nhà. Từ những tác phẩm ra văn học đời trong bom đạn với khí thế sục sôi lao động, chiến đấu, sản xuất của quân đội và nhân dận Việt Nam trong chiến tranh cho đến những tác phẩm văn học đương đại thấm đẫm hơi thở của cuộc sống hôm nay, trong suốt 70 năm qua, NXB Văn học đã giới thiệu đến đông đảo bạn đọc hàng chục ngàn đầu sách với hàng triệu bản in. Từ những giá trị tinh hoa của văn học cổ điển cho đến những tác giả, tác phẩm đặc biệt xuất sắc của văn học hiện đại, đương đại Việt Nam và thế giới đã lần lượt được NXB Văn học chọn lựa và giới thiệu đến bạn đọc một cách có chọn lọc, hệ thống và khoa học, đã đưa NXB Văn học thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy, một thương hiệu uy tín đối với công chúng yêu văn học nước nhà. Rất nhiều những thế hệ nhà văn tên tuổi qua nhiều thời kỳ của nền văn học Việt Nam cũng đã tin tưởng và lựa chọn để gửi gắm NXB Văn học làm "bà đỡ" cho những đứa con tình thần đầy tâm huyết của mình.

Hiện nay, xuất bản sách văn học có những thuận lợi và khó khăn gì?

Cơ chế thị trường đã khiến các nhà xuất bản đang ngày một năng động hơn, thoát được ra khỏi tư duy bao cấp cũ kỹ và dần thích ứng với một "sân chơi" mới đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Kinh tế thị trường đã đưa sách văn học trở thành một loại hàng hóa, mặc dù là một loại hàng hóa đặc biệt, thế nhưng không thể nằm ngoài sự khốc liệt của quy luật cạnh tranh, cung cầu của thị trường, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo những tiêu chí nhất định với tư cách là một sản phẩm tinh thần mang giá trị giáo dục, thẩm mỹ. Phải khẳng định rằng, cơ chế thị trường đã mang lại nhiều chuyển biến đáng kể cho hoạt động xuất bản sách văn học, cho quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học.

Cơ chế thị trường đã đưa thị trường sách đã sôi động lên rất nhiều và tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học trong nưóc. Số lượng sách xuất bản hàng năm tăng lên một cách rõ rệt, nội dung sách phong phú, đa dạng. Hoạt động xuất bản ngày càng hướng đến tính chuyên nghiệp cao thể hiện qua việc đặt hàng, khai thác nguồn bản thảo, thực hiện nghiêm túc công ước quốc tế về bản quyền, giao dịch ký kết bản quyền, nghiên cứu tiếp cận thị trường và quá trình lưu thông đưa sản phẩm đến tay người đọc một cách hiệu quả nhất. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao về mặt hình thức, thẩm mỹ, kỹ thuật in ấn đã tiệm cận với những công nghệ in tiên tiến, hiện đại của thế giới, xuất hiện nhiều loại hình xuất bản mới song song tồn tại với sách in truyền thống…

Điều đáng ghi nhận, đó là cơ chế thị trường đã mang lại cho hoạt động xuất bản sách văn học tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ người sáng tác, đến đối tượng tiếp nhận cho tới quá trình lưu thông sản phẩm. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc nhà văn phải xác định đối tượng mình sẽ hướng tới mỗi khi cầm bút, phải nắm bắt được thị hiếu của đông đảo công chúng tiếp nhận để sao cho tác phẩm đến được với độc giả và phổ biến một cách sâu rộng nhất. Bên cạnh đó, ngoài việc hướng nội dung, tư tưởng tác phẩm theo thị hiếu, thẩm mỹ của đông đảo công chúng tiếp nhận, còn là sự lựa chọn thể loại, hình thức sáng tác. Trong cuộc sống gấp gáp của xã hội hiện đại thời kinh tế thị trường, người đọc bị thu hút bởi vô vàn các loại hình giải trí khác, một nhà văn "thời thượng" phải là một nhà văn biết điều chỉnh phương thức sáng tác, biết lựa chọn khả năng tồn tại và thích ứng của thể loại trong hoàn cảnh mới. Rõ ràng, quá trình tiếp nhận cũng là một hoạt động sáng tạo của văn học, nó gắn bó mật thiết với hoạt động sáng tạo của nhà văn. Chính vì thế đã có nhiều ý kiến khẳng định rằng, công chúng tiếp nhận đang chi phối khuynh hướng sáng tác của nhà văn, thậm chí định hướng sự tồn tại và phát triển của văn học.

Một biểu hiện rõ rệt nữa của tính chuyên nghiệp trong hoạt động xuất bản sách văn học đó là các hình thức PR hết sức đa dạng, phong phú. Từ những buổi họp báo, tọa đàm, bàn tròn, thảo luận lớn nhỏ cho đến giao lưu trực tiếp hoặc trực tuyến với tác giả, người đọc bình chọn, trình diễn tác phẩm… Nhiều sự kiện trong số đó đã trở thành những buổi sinh boạt văn hóa, văn học nghệ thuật chất lượng với hàm lượng tri thức cao. Với sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ thông tin, đặc biệt là các trang mạng xã hội, hiện nay để một tác phẩm văn học sau khi xuất bản lập tức được giới thiệu, quảng bá, thậm chí gây sự chú ý, hiếu kỳ đến đông đảo bạn đọc là điều hết sức dễ dàng. Đứng ở góc độ thị trường, việc PR, quảng bá tác phẩm là điều hết sức cần thiết và vô cùng hữu ích, nó khiến mối liên hệ của tam giác tác giả- tác phẩm- người đọc được nhanh chóng, trực tiếp và thường xuyên hơn. Đây cũng là sự bù đắp cần thiết vào một trong những tồn tại và hạn chế của văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay trong việc giới thiệu, tuyên truyền và hướng dẫn đọc.

Song hành với việc PR, quảng bá tác phẩm, việc lưu thông sản phẩm đến tay bạn đọc là một công đoạn trọng yếu được đặc biệt quan tâm với rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ những mô hình cửa hàng, siêu thị sách truyền thống cho đến các hình thức đặt mua sách qua điện thoại, website, facebook hay bán hàng trực tuyến, online… trên các trang thương mại điện tử. Đi kèm với đó là những chiến dịch, chiêu thức khuyến mãi, giảm giá, tặng quà, tặng thẻ khách hàng thân thiết… vô cùng sôi động, hấp dẫn.

Ngày nay để in một cuốn sách quá dễ, ai cũng in được. Theo anh đây là biểu hiện đáng mừng hay đáng lo của thị trường sách văn học nói chung trong quá trình xã hội hoá, liên kết xuất bản?

Liên kết xuất bản sau một thời gian thực hiện, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận đã đề cập ở trên vẫn tồn tại không ít những hệ lụy, như một bức tranh nhiều mảng màu sáng tối tác động tiêu cực đến hoạt động xuất bản cũng như đời sống văn học trong nước.

Xét ở khía cạch sáng tạo văn học, với việc phải chạy theo thị hiếu xuất phát từ nhu cầu giải trí nhất thời, đơn thuần của độc giả, cùng với việc đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu của một bộ phận người viết và những nhà sản xuất, đang xuất hiện ngày một nhiều những thứ "hàng chợ", những cái gọi là tác phẩm văn chương mang nặng tính câu khách, giải trí rẻ tiền trong đời sống văn học Việt Nam. Trong khi đó, những tác phẩm có giá trị thực sự, những thể loại văn học phục vụ hữu ích cho công tác nghiên cứu, cho việc bổ sung kiến thức và nâng cao dân trí dường như ngày một thưa thớt hơn. Sách văn học xuất bản ngày càng nhiều nhưng để tìm được một cuốn sách hay không phải là điều dễ dàng. Số đầu sách nhiều nhưng lượng bản in lại khá khiêm tốn, một cuốn sách tiêu thụ được dăm ba ngàn bản đã được coi là một hiện tượng. Những chiêu thức PR, quảng cáo, lăng xê rầm rộ thiếu trung thực, mang nặng tính câu khách đã đưa đến tình trạng nhiễu loạn trong hoạt động tiếp nhận văn học. Rất nhiều những cuốn sách bán chạy hiện nay là thành quả của việc PR đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò của độc giả, của hiệu ứng tâm lý đám đông. Phê bình truyền thông đang ngày một lấn át phê bình hàn lâm, phê bình nghiên cứu văn học, một thể loại có ý nghĩa định hướng với tư cách là một ngành khoa học đích thực, đang rất thiếu trong đời sống văn học. Và cũng bởi nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu nhất thời, lẫn lộn giá trị, thậm chí lệch lạc của một bộ phận công chúng tiếp nhận thời kinh tế thị trường, nhiều tác giả đã hướng tác phẩm của mình vào những mảng đề tài dung tục, phi thẩm mỹ, trái với đạo lý và thuần phong mỹ tục, thậm chí là những đề tài nhạy cảm. Vẫn biết rằng một trong những chức năng của văn học là tính giải trí, đặc biệt trong cơ chế thị trường chức năng này càng được đề cao, thế nhưng một tác phẩm văn học đích thực vẫn phải đảm bảo những tiêu chí, giá trị thẩm mỹ nhất định.

Hoạt động liên kết xuất bản đã thực sự mang lại một luồng sinh khí mới cho thị trường sách, cho hoạt động sáng tạo văn học. Tuy nhiên, do chưa xác định đúng và thực hiện nghiêm túc vai trò chủ thể của mình trong quá trình liên kết xuất bản cùng sự buông lỏng quản lý, thậm chí là bị chi phối, lệ thuộc bởi đối tác liên kết của một vài nhà xuất bản cũng như thái độ, cung cách làm việc thiếu nghiêm túc, chạy theo lợi nhuận của một số công ty sách tư nhân đã gây ra sự nhiễu loạn cho thị trường sách văn học, cho hoạt động tiếp nhận văn học. Cần phải rõ nói thêm, sự lệ thuộc, bị chi phối ở đây cũng do bởi một số nhà xuất bản khi không còn được bao cấp phải tự bươn chải, năng lực sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu thì lợi nhuận từ hoạt động liên kết xuất bản cũng là một nguồn thu quan trọng để đảm bảo kinh phí hoạt động trong bối cảnh vô cùng khó khăn hiện nay. Không ít những ấn phẩm thuộc hàng phế phẩm, thậm chí là những sản phẩm văn hoá độc hại vẫn xuất hiện ngạo nghễ bên cạnh những tác phẩm văn chương đích thực trên các kệ sách. Sự dễ dãi trong khâu biên tập, đọc duyệt bản thảo đã cho ra đời rất nhiều những tác phẩm văn chương kém chất lượng ở mảng liên kết sách tác giả, đơn cử như tình trạng "lạm phát" thơ trong nhiều năm vừa qua, cũng đã ít nhiều làm ảnh hưởng, phương hại đến sự phát triển của văn học trong nước. Đặc biệt, trong thời gian qua, đã có không ít những xuất bản phẩm mắc phải những sai sót nghiêm trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục… đã được dư luận phát hiện và phê phán. Và hầu hết những cuốn sách mắc phải các sai sót này đều rơi vào những xuất bản phẩm liên kết. Liên kết xuất bản trong cơ chế thị trường cũng đã mang lại sự mất cân đối trong việc lưu thông sách văn học. Các nhà sản xuất thường tập trung sản phẩm của mình vào những khu đô thị lớn, đông dân cư, có khả năng tiêu thụ và sức mua lớn. Độc giả yêu thích, đam mê sách văn học ở nông thôn và vùng sâu vùng xa rất ít có cơ hội được tiếp cận với những sáng tác mới của văn chương đương đại. Các hình thức bán hàng phi truyền thống vẫn đang khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát, quản lý và điều hành. Vấn nạn sách lậu, sách nối bản, sách giả… của một vài công ty sách tư nhân làm ăn thiếu nghiêm túc, chộp giật, coi thường pháp luật vẫn là một điểm đen trong hoạt động liên kết xuất bản thời gian qua. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, quyền lợi của đội ngũ tác giả, của những nhà sản xuất nghiêm túc và của chính người đọc. Vấn nạn này dường như ngày một trắng trợn, ngang nhiên, công khai và thách thức những người làm sách chân chính. Với cơ chế pháp lý như hiện nay, có vẻ như cái ung nhọt này còn gây nhức nhối dài lâu cho hoạt động xuất bản nói chung và thị trường sách văn học nói riêng.

Hiện có nhiều NXB cùng in sách văn học, vậy làm cách nào để Văn Học vẫn là địa chỉ tin cậy của người cầm bút nói chung và các nhà văn nói riêng?

Như đã nói ở trên, đó chính là sự cạnh tranh hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức mà kinh tế thị trường mang lại. Và trong hoàn cảnh như vậy, muốn giữ được uy tín, thương hiệu đối với cộng tác viên cũng như đông đảo bạn đọc và cả đối tác liên doanh liên kết, chỉ một phương cách duy nhất là hoàn thành một cách tốt nhất công việc của mình. Hoạt động xuất bản trong tất cả mọi công đoạn ngày phải đi vào bài bản, chuyên nghiệp, nghiêm túc, trách nhiệm và thực sự tôn trọng công việc của mình, xuất bản phẩm đưa đến tay bạn đọc phải thực sự là những sản phẩm có chất lượng về mọi mặt. Khi chúng ta không tôn trọng công việc của chính chúng ta thì không thể đòi hỏi có sự tôn trọng từ những người khác.

Trong tình hình nhiều NXB đang gặp khó khăn, theo ông làm cách nào để vượt qua?

Khi tôi nhận nhiệm vụ lãnh đạo cao nhất NXB Văn học cách đây hơn 6 năm, cũng đã có không ít ánh mắt nghi hoặc nhìn tôi ở thời điểm đó. Không nghi hoặc sao dược khi ở thời điểm đó tôi còn quá trẻ, trẻ nhất trong đội ngũ lãnh đạo từ trước đến nay, lại chèo lái một nhà xuất bản với bề dày truyền thống trong hoàn cảnh phải tự hạch toán với nguồn vốn và cơ sở hạ tầng hết sức khiêm tốn. Vừa phải giữ được chất lượng về chính trị tư tưởng, văn hóa nghệ thuật cho các ấn phẩm, vừa phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường và đảm bảo đời sống cho mấy chục con người vẫn luôn là nhiệm vụ vô vàn khó khan. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, có thể tạm nói rằng chúng tôi đã đứng vững bởi sự nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn thể anh chị em trong Nhà xuất bản Văn học. Và một mục tiêu duy nhất chúng tôi luôn hướng tới cho mọi công việc của mình là bạn đọc và uy tín, thương hiệu của truyền thống của Nha xuất bản Văn học./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Sự trỗi dậy của các kỳ lân AI Trung Quốc nhằm cạnh tranh với OpenAI
    Bốn công ty khởi nghiệp (startup) AI Trung Quốc đã trở thành kỳ lân công nghệ với mức định giá hơn 1 tỷ USD, nhằm tăng cường cạnh tranh với OpenAI, đặc biệt là khi ChatGPT không hoạt động ở Trung Quốc.
  • "Siêu ứng dụng" được Điện Biên lan tỏa dịp 7/5
    Điện Biên Smart được ví là "siêu ứng dụng" tích hợp nhiều tính năng hiện đại, tạo nên cầu nối trực tiếp giữa người dân và các cấp chính quyền.
  • "Tôi dịch cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cả trái tim mình"
    Anh Saleem Hammad - người dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập cho biết: “Xuất phát từ tình cảm sâu sắc, sự kính trọng cũng như lòng biết ơn, sau 12 năm gắn bó với đất nước Việt Nam thân thương, tôi đã thực hiện thành công việc dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập bằng cả trái tim mình.”
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ qua các số báo của báo Nhân đạo (Pháp)
    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp đã đăng nhiều tin, bài và ảnh về cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam cũng như những tiếng nói và hành động mạnh mẽ từ nước Pháp vì hòa bình cho Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế thị trường khiến các nhà xuất bản đang ngày càng năng động hơn.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO