Tại Kodaiji, một ngôi đền Phật giáo 400 năm tuổi ở Kyoto, Nhật Bản, có một linh mục tên là Mindar. Giống như các thành viên giáo sĩ khác, vị linh mục này có thể thuyết pháp và di chuyển xung quanh để giao tiếp với những người thờ phượng. Nhưng Mindar có một số ... đặc điểm khác thường, như thân làm bằng nhôm và silicone. Mindar là một người máy!
Mindar được thiết kế trông giống Kannon (tên gọi Bồ tát trong tiếng Nhật Bản). Hiện tại, Mindar không hỗ trợ AI mà chỉ lặp đi lặp lại cùng một bài giảng được lập trình trước về Tâm Kinh. Nhưng những người sáng tạo ra robot cho biết họ có kế hoạch cung cấp cho robot khả năng học máy để điều chỉnh phản hồi cho phù hợp với các vấn đề tâm linh và đạo đức cụ thể của người thờ phượng.
“Robot này sẽ không bao giờ chết; Tensho Goto, người quản lý chính của ngôi đền cho biết. “Với AI, chúng tôi hy vọng robot này sẽ phát triển trí tuệ để giúp mọi người vượt qua ngay cả những rắc rối khó khăn nhất. Công nghệ đang thay đổi Phật giáo".
Robot và công nghệ AI thâm nhập vào tôn giáo
Robot cũng đang thay đổi các tôn giáo khác. Vào năm 2017, người dân Ấn Độ đã có một robot thực hiện nghi lễ aarti của người Hindu. Aarti là một nghi lễ sùng kính Ấn Độ. Cùng năm đó, để kỷ niệm 500 năm Cải cách Tin lành, Nhà thờ Tin lành của Đức đã tạo ra một robot có tên BlessU-2, ban phước lành được lập trình trước cho hơn 10.000 người.
Sau đó là SanTO - viết tắt của Sanctified Theomorphic Operator - một robot cao 43cm gợi nhớ đến các bức tượng nhỏ của các vị thánh Công giáo. Nếu bạn nói rằng bạn đang lo lắng, robot sẽ đáp lại bằng cách nói điều gì đó như, “Đừng lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho chính nó. Mỗi ngày đã có đủ rắc rối của riêng mình".
Nhà robot học Gabriele Trovato đã thiết kế SanTO để mang đến sự trợ giúp tinh thần cho những người cao tuổi bị hạn chế tiếp xúc xã hội. Ông cũng muốn phát triển các thiết bị cho người Hồi giáo, mặc dù vẫn còn phải xem những thiết bị đó có thể có dạng như thế nào.
Nhiều cộng đồng tôn giáo bắt đầu kết hợp robot và trong một số trường hợp, còn hỗ trợ AI. Công nghệ đang góp phần thay đổi cách mọi người trải nghiệm đức tin. Đối với những người sùng đạo, có rất nhiều tiềm năng tích cực ở đây: Robot có thể khiến những người không quan tâm tò mò về tôn giáo hoặc cho phép thực hiện một nghi lễ khi một linh mục con người không thể xuất hiện. Nhưng robot cũng gây ra rủi ro cho tôn giáo - ví dụ, quá máy móc hóa hoặc đồng nhất hóa hoặc thách thức các nguyên lý cốt lõi của thần học. Nhìn chung, sự xuất hiện của tôn giáo AI sẽ khiến chúng ta trở nên tốt hơn hay xấu đi? Câu trả lời phụ thuộc vào cách chúng ta thiết kế và vận hành công nghệ.
Các công nghệ mới thường khiến chúng ta khó chịu nhưng dần dần chấp nhận. Những người sùng đạo ở Nhật Bản đến thăm Mindar được cho là không quá bận tâm đến những câu hỏi về nguy cơ silic hóa tâm linh. Điều đó hoàn toàn hợp lý khi robot đã trở nên quá phổ biến ở Nhật, kể cả trong lĩnh vực tôn giáo.
Trong nhiều năm nay, những người không đủ khả năng trả tiền cho một linh mục “bằng người” để cử hành tang lễ, đã có lựa chọn trả tiền cho một robot tên Pepper với mức giá rẻ hơn nhiều. Và ở Trung Quốc, tại Tu viện Long Tuyền ở Bắc Kinh, một nhà sư Android tên là Xian’er chuyên đọc các câu thần chú Phật giáo và đưa ra hướng dẫn về các vấn đề đức tin.
Hơn nữa, quan niệm của Phật giáo cho rằng mọi thứ đều có “Phật tính” vốn có - rằng tất cả chúng sinh đều có tiềm năng trở thành giác ngộ - có thể khiến những người theo đạo Phật trở nên dễ tiếp thu sự hướng dẫn tâm linh đến từ công nghệ.
Thực ra, điểm đổi mới thực sự không phải là sử dụng robot trong lĩnh vực tôn giáo mà là sử dụng công nghệ AI.
Robot AI giúp mọi người cầu nguyện trong đại dịch
Robot có thể hoàn thành xuất sắc vai trò xã hội theo một số cách mà các linh mục con người có thể không làm được. Trong tôn giáo cũng như trong các lĩnh vực khác, người máy và con người có lẽ được hiểu tốt nhất không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác. Mỗi thứ cung cấp một cái gì đó mà người kia thiếu.
Một chuyên gia về tôn giáo robot đã nói rằng: “Chúng ta có xu hướng suy nghĩ theo lựa chọn một trong hai/hoặc suy nghĩ theo khuôn khổ: Đó là lựa chọn chúng ta hoặc là người máy. Nhưng đây là về quan hệ đối tác, không phải thay thế. Robot và con người có thể là một mối quan hệ cộng sinh - nếu chúng ta tiếp cận theo cách đó, và trong tôn giáo cũng vậy”.
Trong đại dịch COVID-19, một linh mục robot chuyên cung cấp các bài giảng, đưa ra lời khuyên và đồng hành với các tín hữu trong việc cầu nguyện đã được giới thiệu đến Ba Lan.
Đây chính là đứa con tinh thần của Gabriele Trovato đến từ Đại học Waseda, Tokyo, robot có tên SanTO đã được một năm chế tạo và hiện đang được thử nghiệm tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.
Trovato cho biết: “Nhu cầu chế tạo một robot như vậy trở nên rõ ràng với tôi khi tôi lắng nghe những người bạn phàn nàn rằng họ không thể đến nhà thờ trong đại dịch. Đối với những người như vậy, một robot có trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như "SanTO", sẽ là một giải pháp lý tưởng".
Sử dụng Trí tuệ nhân tạo, SanTO đã được lập trình đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của người Công giáo. SanTO đã được tải lên một ngân hàng bộ nhớ thông tin về tôn giáo.
Những người đi lễ tỏ ra cởi mở với linh mục robot, họ nói rằng “robot sẽ không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, nhưng đã trả lời bằng những từ mà tôi nghĩ là khá phù hợp". Trong khi đó, những người khác cho rằng “Bất cứ điều gì đưa bạn đến gần Chúa đều là điều tốt”.
Cha Sławomir Abramowski của Nhà thờ Thánh John Paul II ở Bemowo, cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta có thể sử dụng AI để giúp hiểu những lời dạy trong kinh thánh - nhưng AI không bao giờ có thể thay thế các linh mục thực sự bằng những người máy không có linh hồn”.
Trang The First News cho rằng với việc ngày càng có ít người theo học để trở thành linh mục, và với tình thế đại dịch COVID-19 đang gây căng thẳng cho nhà thờ cũng như việc tiếp cận các dịch vụ của nhà thờ, thì robot đã được nhiều người coi là câu trả lời.
Nhưng ngay cả trước đại dịch, AI cũng đã trở thành chủ đề tranh luận trong giới tôn giáo.
Tôn giáo AI đang tiếp quản các ngôi đền, đưa bài giảng đến với mọi người
Hãng nghiên cứu Analytics Insight cho biết sự kết hợp giữa AI và Robotics đang thống trị nhiều ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến một số hoạt động bị ngưng trệ và yêu cầu phải duy trì một quy trình an toàn trong suốt cả năm. Các ngôi đền đóng cửa trong gần một năm để tránh tụ tập đông người. Ngay cả khi được mở cửa, vẫn phải có một số hạn chế về giãn cách xã hội. Do đó, các công nghệ đột phá lớn như AI và Robotics đang cung cấp trải nghiệm nhập vai cho những người thờ phượng trong đại dịch, thông qua AI như các linh mục tôn giáo và linh mục robot. Những công nghệ tiên tiến này đã thâm nhập vào các đền thờ và các cơ quan tư tế để tiếp tục những lời cầu nguyện của các vị thần trên toàn thế giới.
Analytics Insight cho rằng tôn giáo AI đang tiếp quản các ngôi đền và linh mục, đưa ra các bài giảng và giao tiếp với những người thờ phượng. Như trên đã nói, người máy linh mục Mindar đã có trong một ngôi chùa Phật giáo 400 năm tuổi ở Kyoto, Nhật Bản. Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu trong cuộc đua AI toàn cầu và đã chấp nhận các chức năng thông minh của AI và Robotics trong các lĩnh vực khác nhau.
Điều đó để nói rằng, các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền đã bắt đầu kết hợp các khả năng của AI trong các ngôi đền, nhà thờ và các địa điểm tôn giáo khác thông qua việc triển khai Robotics. Một linh mục người máy có thể biến đổi đức tin của những người thờ phượng bằng những tiềm năng tích cực. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng đang tìm kiếm những cách thức sáng tạo để duy trì kết nối tôn giáo thế hệ tiếp theo cho những người thờ phượng. Tận dụng các công nghệ đột phá như AI và Robotics, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã áp dụng AI tôn giáo để truyền tải trí tuệ cổ xưa cho các thế hệ tương lai.
Lợi thế chính của sự kết hợp giữa AI và Robotics là giúp kết nối và tiếp cận với đại chúng bằng cách truyền bá nhận thức và lời chúc trực tuyến thông qua tiếp thị kỹ thuật số, và cuối cùng trở thành linh mục tôn giáo thế hệ tiếp theo cho những người sùng bái.