Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 28/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang truyền đạt chuyên đề về "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam".
Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày chuyên đề: "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam". (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc
Theo đồng chí Phan Văn Giang, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức đặt ra đối với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Đảng ta đã chỉ ra bốn nguy cơ về quốc phòng với các vấn đề ngày càng công khai và trực diện hơn nên cần đánh giá đúng, có chủ trương, biện pháp, chủ động phòng ngừa, không để đất nước bị động, bất ngờ, không được chủ quan mất cảnh giác. Vì vậy, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở một số lĩnh vực, một số địa phương, đơn vị cần phải nghiên cứu triển khai chặt chẽ hiệu quả hơn.
Về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, đồng chí Phan Văn Giang cho biết, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: "Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị,... để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa... Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển".
Theo đồng chí Phan Văn Giang, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.
Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy mới của Ðảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, là định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Đảng ta xác định bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước. Kiên định nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt về sách lược trong xử trí các tình huống liên quan đến quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống.
Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên"
Về nhiệm vụ quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó quân đội nhân dân là nòng cốt".
Khẳng định củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên", nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Củng cố quốc phòng là cơ sở tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế; kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đồng chí Phan Văn Giang nêu rõ, nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm: xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân.
Theo đó, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là một trong những đột phá về tư duy và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đại hội XIII của Đảng xác định phương hướng, mục tiêu xây dựng quân đội: "Xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Đến năm 2030 xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại. Phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ".
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, thế trận quốc phòng toàn dân là tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gồm: Xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành hệ thống phòng thủ đất nước; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Đồng chí Phan Văn Giang nêu rõ những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược; là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhằm thực hiện kế sách giữ nước từ từ sớm, từ xa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.