Dấu ấn lịch sử Hoàng Thành Thăng Long trên tem bưu chính

Hoàng Mạnh Linh| 18/12/2017 12:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phát hành bộ tem Hoàng thành Thăng Long Hà Nội – Di sản văn hóa thế giới.

Mẫu tem Hoàng Thành Thăng Long ngoài cùng bên phải

Bộ tem gồm 3 mẫu và 1 bloc do họa sĩ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sáng tác, có kích thước 32 mm x 42 mm.

Mẫu 1: Đầu rồng thời Lý, giá mặt 3.000 đồng

Là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa. Hình tượng con rồng cũng thay đổi theo dòng lịch sử qua các triều đại. Việc xác định phong cách thể hiện con rồng qua các thời kỳ sẽ là một căn cứ để xác định niên đại công trình kiến trúc nào đó. Mẫu tem được họa sĩ lựa chọn hình ảnh rồng thời Lý gắn với sự kiện Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long, hình ảnh đầu rồng với tư thế ngẩng lên, miệng thì há to, mép trên của miệng không có mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối, một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, với vòi lên bao lấy viên ngọc.

Mẫu 2: Uyên ương thời Lý, giá mặt 3.000 đồng

Theo các phát hiện khảo cổ học, cho đến nay đã phát hiện thấy tượng uyên ương có ở hơn 20 di tích kiến trúc, niên đại từ thế kỷ X đến đầu XV, thuộc miền Bắc Việt Nam như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình… ở các loại hình di tích như cung điện, phủ đệ, chùa, tháp, đàn tế… Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy tượng uyên ương được trang trí trên các loại ngói: ngói ống, ngói bò nóc và ngói mũi sen. Tượng uyên ương có dáng chung là đầu ngẩng cao, mỏ dẹt hướng lên trên, thân tròn lẳn, đuôi uốn cong lên phía trên. Toàn bộ thân tượng được gắn thêm trên lưng ngói. Qua mỗi thời kỳ, tượng uyên ương, có những biến đổi và thể hiện những đặc trưng khác nhau.

Hình ảnh uyên ương được họa sĩ sáng tác theo mẫu uyên ương được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, có dáng thon lẳn, ngắn, thân uốn cong song song với hướng đuôi. Cổ cao, mỏ dẹt, mắt tròn. Hai cánh khép sát thân, được thể hiện hai đến ba lớp lông vũ bằng các đường vạch ngang. Chân không thể hiện rõ. Đuôi ngắn vuốt nhọn uốn cong lên phía trên, từ một đến hai lớp. Lớp lông thể hiện bằng các vạch dọc theo thân đuôi.

Mẫu 3: Đầu chim phượng thời Trần, giá mặt 8.000 đồng

Trong văn hóa Việt, hình tượng phượng hoàng xuất hiện từ rất sớm. Sau khi tiếp nhận ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, phượng hoàng có những thay đổi nhưng vẫn là linh vật quan trọng hàng đầu và là biểu tượng của phương Nam. Phượng hoàng là Thái âm, hợp với rồng (Thái dương) để tạo nên một cặp đối xứng âm – dương trong Tứ tượng. Phượng hoàng là linh điểu nên cũng như rồng, nó là sự tập hợp những nét ưu việt nhất của các loài vật như đầu gà, hàm én, cổ rắn, lưng rùa, đuôi cá,… thân mang năm màu của Ngũ hành là đen, trắng, đỏ, xanh và vàng, đồng thời tượng trưng cho sáu yếu tố bao hàm cả vũ trụ: đầu là bầu trời, mắt là Mặt trời, lưng là Mặt trăng, cánh là gió, chân là đất và đuôi là các hành tinh… Chính vì vậy phượng hoàng múa là biểu trưng của vũ trụ đang vận hành. Trong kiến trúc và trang trí, hình tượng phượng hoàng có sớm không kém gì rồng, thậm chí còn phổ biến và đa dạng hơn nhiều, sự chau chuốt và chất nghệ thuật cũng hơn hẳn. Phượng hoàng trên nóc cung điện thời Lý - Trần được tạo hình với số lượng rất lớn và đã đạt đến trình độ nghệ thuật tuyệt vời. Ngày nay, được ngắm những đầu chim phượng bằng gốm khổng lồ vốn được phát hiện tại khu Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, ai cũng trầm trồ kinh ngạc về chiều kích và chất nghệ thuật của chúng, các họa sĩ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã khéo léo phác họa chân thực hình ảnh đầu phường thời Trần lên mẫu tem thứ 3 của Bộ tem Hoàng thành Thăng Long thật đẹp và chân thực.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn lịch sử Hoàng Thành Thăng Long trên tem bưu chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO