Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trong điều kiện nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, Đại hội XII của Đảng chủ trương: Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế; trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Điều rất đáng chú ý là, Đảng ta chủ trương khuyến khích, phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở “hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế”, hỗ trợ phát triển “doanh nghiệp khởi nghiệp”, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân “đa sở hữu”.
Vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong tổng thể nền kinh tế là không thể phủ nhận. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nền kinh tế Việt Nam với trên 50% GDP từ đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân cho thấy khối này đang có vai trò to lớn trong nền kinh tế.Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy mặc dù bức tranh chung của nền kinh tế là tích cực, nhưng điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại chính là khu vực tư nhân trong nước. Nói khác đi, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa theo kịp.
Nguyên nhân được cho là do chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu và nếu có tham gia thì cũng chỉ vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ. Bên cạnh đó là sự yếu kém của công tác giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực. Công nghệ thì doanh nghiệp có thể mua, nhưng quản trị và tay nghề của người lao động thì phải học.
Khối doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam
Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc lại cơ cấu vốn của các doanh nghiệp và giảm lãi suất cho vay, tuy rất khó khăn, nhưng đang là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp và là thách thức lớn cần tập trung giải quyết đối với chính sách tiền tệ và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong những năm tới.
Để giải quyết được bài toán này, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và giải pháp để thúc đẩy kinh tế ổn định, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó phải kể đến những đột phá quan trọng, đó là việc triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp/Luật đầu tư mới, Nghị quyết 19-CP/2014/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 36a-CP/2015 về thực hiện chính phủ điện tử… Việc cải cách thủ tục hành chính ở Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính; nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa dịch vụ công ở Bộ Giao thông Vận tải… cũng mang lại hiệu quả đáng kể.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Theo đó, Chính phủ cần có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế với bằng cấp của Việt Nam được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của hội nhập sau yêu cầu hội nhập về thể chế.
Việc đưa nội dung dạy nghề vào trường phổ thông và tạo ra đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chính là chìa khóa để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và sáng tạo ra các chuỗi giá trị mới.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ cần có Chương trình quốc gia về khởi nghiệp, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Mô hình các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… nên được nghiên cứu triển khai rộng khắp để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp đặc biệt là trong lớp trẻ, đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp.